Cát Hồng là nhân vật kiệt xuất trên nhiều phương diện trong lịch sử Trung Quốc. Ông vừa là nhà triết học, là nhà hóa học và cũng là nhà y học. Đóng góp lớn nhất về phương diện y học của ông là nhận thức về chứng bệnh truyền nhiễm và bào chế dược phẩm hóa học. Có thể nói ông là người đi tiên phong bào chế thuốc bằng phương pháp hóa học trên thế giới.
Cát Hồng (261 – 341) là một trong 10 đại danh y nổi tiếng thời cổ đại. Ông tự là Trĩ Xuyên, người Đan Dương Cú Dung (Nay là huyện Cú Dung tỉnh Giang Tô). Ông nội làm tới chức Đại hồng lư (Một chức quan cao) tại nước Ngô thời Tam quốc, cha Cát Đễ từng là thái thú Triệu Lăng ở nước Tấn.
Cát Hồng mất cha từ năm 13 tuổi, người vốn là vị quan thanh liêm nên không để lại chút của cải nào cho con. Vì mưu sinh và có tiền mua bút sách ông phải trồng lúa và vào núi kiếm củi. Nhận biết được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngoài tự học các loại sách kinh điển như Hiếu kinh, Luận ngữ, Kinh dịch, Thi kinh, không ngại xa xôi tìm thầy học đạo, hiểu được nhiều triết lý nhân sinh và chuyên tâm nghiên cứu y thuật cứu giúp dân lành.
Hành y tế thế tu mình lợi dân
Cát Hồng không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, thích làm việc thiện. Trong nhà dù còn chút chút đồ ăn, nếu gặp người nghèo đói vẫn chia cho họ một nửa, vì người dân quanh vùng làm nhiều việc tốt. Ông sống thanh bần đạo hạnh, tự đặt hiệu là Bão Phác Tử (Nguyên từ trong câu: Kiến tố bão phác, thiểu tư quả dục) của Lão Tử. Dịch nghĩa: Thấy nguyên sơ, giữ mộc mạc, giảm suy nghĩ, bớt dục vọng.
Ông không những chuyên tâm tu đạo mà còn tinh thông y thuật, cứu giúp bách tính trong lúc khó khăn. Ông chia sẻ: Người tu đạo lấy việc tế thế cứu người lúc nguy nan thoát khỏi họa bệnh có chết cũng không hối hận. (Nguyên văn: Vi đạo giả, dĩ cứu nhân nguy, sử miễn họa; hộ nhân tật bệnh, lệnh bất uổng tử, vi thượng công).
Cát Hồng nghe nói ở nước Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) có nguyên liệu làm tiên đơn. Ông cùng gia đình đến ở tại vùng đất phương Nam. Khi đến Quảng Châu, thứ sử Đặng Nhạc và nhiều bạn bè đều nói vùng đất mà ông định đi có nhiều sơn lam chướng khí, không thích hợp và khuyên ông ở lại Quảng Đông. Ông lên núi La Phu (nơi giao giữa hai huyện Huệ Dương và Bác La) sống theo cuộc đời tu đạo luyện đơn.
Sống giữa miền đất phương Nam, ông vừa muốn cứu dân vừa muốn chứng kiến hiệu nghiệm của viên đơn dược do chính mình làm ra. Ông thường đi làm quen với hàng xóm, thăm hỏi sức khỏe bà con, trị bệnh và cho uống những viên thuốc của mình. Kết quả chứng minh thuốc của ông đã trị khỏi bệnh cho khá nhiều người. Vì vậy trong dân gian mới có lời đồn:
Trên núi La Phu có Cát thần tiên, ông có cái lò luyện đan, mỗi khi thấy bốc khói trắng là mẻ tiên đơn đã ra lò. Ai uống thuốc này có bệnh thành không. Không bệnh thì được sống lâu trăm tuổi.
Câu chuyện tiên đơn cứu sống người được lan truyền do nhân dân thêu dệt, gọi ông là tiên ông, còn vợ là Bào tiên cô. Ngày nay, trên núi La Phu còn có ngôi đền “Xung Hư Cổ Quan” là nơi năm xưa Cát Hồng viết sách tại đây, gần đó còn có di tích “Trĩ xuyên Đan Táo”, “Tẩy Dược Trì”, còn “Tiên Nhân Ngọa Thảng” (ông tiên ngồi nằm) là nơi ông dừng chân mỗi khi đi hái thuốc.
Những cống hiến cho y học
Cát Hồng ra đi để lại rất nhiều trước tác tổng cộng trên 500 quyển. Về y học có “Kim Quỹ Dược Phương” 100 quyển, “Thần Tiên Phục Thực Phương” 10 quyển, “Hàn Ngọc Tiễn Phương” 5 quyển, trong đó một phần của quyển “Bảo Bộc Tử” và “Chẩu Hậu Cấp Yêu Phương” đối với y dược học Trung Quốc có công đóng góp rất lớn.
Bão Phác Tử của ông chia thành Bão phác tử nội thiên và Bão phác tử ngoại thiên. Bão phác tử nội thiên ghi chép rất nhiều về những vấn đề của Đạo gia như luyện đơn, dưỡng sinh trường thọ, sự diễn biến khôn lường của các loại bệnh tật. Ngoại thiên lại chủ yếu ghi chép lại những được mất nhân gian, bí ẩn thế sự thời cuộc. Trong đó 3 quyển “Kim Đan”, “Tiên Dược”, “Hoàng Bạch” dưới cái nhìn khoa học tự nhiên mỗi loại có trọng điểm khác nhau. “Kim Đan” là lấy vật chất vô cơ nấu ra gọi là Tiên Trường Sinh, “Tiên Dược” là bàn về lấy Ngũ Chi có tính thực vật giúp cho kéo dài tuổi thọ là chính, còn “Hoàng Bạch” lấy nhân tạo Hoàng Kim và Bạch Ngân làm chính.
Cát Hồng đã trải qua công tác thực nghiệm hóa học. Ông lấy sulphur arsenic, sulphat đồng cho vào cao nhiệt, bị carbon hoàn nguyên thành dịch thể hỗn hợp arsenic đồng, lại đưa hỗn hợp này cùng với Cinabre vermillon (Đan sa) tác dụng ra thành hỗn hợp thể của hỗn hợp đồng, thạch tín, thủy ngân. Màu sắc của hỗn hợp thể này là hoàng kim và đặt tên gọi là “Bảo Đan”.
Mục đích của ông là muốn tăng tiến tuổi thọ cho mọi người. Xuất phát từ quan điểm y học do luyện đan mà phát minh ra nhiều vật hỗn hợp trở thành hình thức có sớm nhất của hóa học dược. Cho đến ngày nay, ngoại khoa Trung Quốc phổ biến ứng dụng hai loại dược phẩm “Thăng đơn” và “Giáng đơn”, chính là một trong di sản luyện đơn của Cát Hồng để lại. Cát Hồng là người đi tiên phong sáng tạo hóa dược phẩm của thế giới, giới học thuật đã công nhận từ lâu.
Trong “Chẩu Hậu Phương” có một đoạn diễn tả tình trạng bệnh truyền nhiễm cấp tính rất tường tận: Mấy năm gần đây có lan truyền một chứng bệnh ban mụn, một khi bị truyền nhiễm, cả mặt mày và toàn thân đều phát màu đỏ, hình dáng đỏ mọng, bọc nước nóng hực, bên trong màu trắng đục, phá đi thì sẽ mọc cái khác, nếu không kịp thời chữa trị, mấy ngày sau sẽ chết. Người được trị khỏi, bệnh lành rồi vẫn để lại sẹo màu tím, phải hơn một năm sau mới mờ dần. Loại bệnh này từ Nam Dương (Indonesia) truyền sang. Vì năm 301 quân đội triều đình Trung Quốc và Nam Dương đánh nhau, một số tù binh của Nam Dương bị bắt, chứng bệnh từ trong số tù binh truyền nhiễm ra. Cát Hồng là người đầu tiên ghi chép về bệnh đậu mùa này. Cách quan sát và diễn tả chi tiết tỉ mỉ của ông giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử khoa truyền nhiễm thế giới.
Một chứng bệnh “Quỷ Chủ” hay “Thi Chủ” trong sách Cát Hồng đã nói có 36 tới 99 loại, bệnh này diễn biến khôn lường, lúc nóng lúc lạnh, hôn hôn mê mê, không biết chỗ nào khỏi, lại không có chỗ nào dễ chịu, càng kéo dài sức khỏe và tinh thần xuống dốc cho đến chết. Chết rồi người kề cận còn bị lây nhiễm, nặng hơn cả nhà đều chết, cho nên người ta mới đặt cái tên cho loại bệnh này là “ Quỷ Chủ” hoặc “Thi Chủ”. Mà bệnh lao phổi này vào đầu thế kỷ thứ 4 đã được Cát Hồng phát hiện, quả là kỳ tài hiếm thấy.
Ngoài ra, đối với một số chứng bệnh cần thuốc đặc hiệu cũng cất công nghiên cứu, như ông đã sáng ý dùng bột Giới Tử trộn với giấm (chua) đắp lên vùng da, nhằm kích thích cục bộ cải thiện sự tuần hoàn của máu và lymphe (bạch huyết), đó là phép trị liệu ngoại khoa để trị viêm mạch bạch huyết (lymphatique) rất hiệu nghiệm. Do Cát Hồng vượt trội phát triển tư tưởng đạo Gia, viết rất nhiều sách lí luận triết học nên nhà y học này được Đạo giáo tôn là “Chân Nhân”.
Năm ông 80 tuổi, đột nhiên gửi thư tới thứ sử Nghiễm Châu tên Đặng Nhạc, nói rằng muốn ‘đi xa tìm thầy, thời gian đã quyết định’. Đặng Nhạc vội vàng chạy tới cáo biệt nhưng không kịp gặp lần cuối. Cát Hồng ngồi đả tọa tới giữa trưa, và từ từ nhẹ nhàng ly khai trần thế. Ông chạy tới nhìn sắc mặt thì giống như khi sống, thân thể rất mềm. Khi đưa vào quan tài, thì nhẹ nhàng như chỉ còn bộ quần áo…
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung