Người dân thành phố Jakarta, Indonesia không khỏi kinh ngạc khi thấy một cảnh tượng vô cùng kỳ thú trên đường phố. Một người đàn ông với chiếc lưng dính đầy sừng như bước ra từ một bộ phim kinh dị về tình trạng biến đổi gen đang ngồi đầy thư thái bên vỉa hè.

Người đàn ông với chiếc lưng đầy sừng như người ngoài hành tinh gây chú ý trên đường phố

Trong sừng trâu có chứa tới 17 loại axit amin, có thể hạ huyết áp, giảm nhịp tim, chống viêm não, trị bệnh kinh phong co giật, trị chảy máu cam, ho ra máu, tiểu ra máu, thanh nhiệt, lương huyết. Nhưng ở đây đơn giản chỉ dùng như một cái ống thông thường
Từng chiếc sừng trâu được cắm lên thân thể chàng trai (Ảnh: yenisafak.com)

Việc đeo những chiếc sừng trâu giúp anh chữa bệnh tuần hoàn máu, giải độc cơ thể cũng như tẩy tế bào da chết. Điều thú vị là không cần một loại keo dính đặc biệt nào, những chiếc sừng vẫn gắn chặt vào lưng người đàn ông nhờ phương pháp giác hơi, dùng lực hút từ áp suất âm trong dụng cụ giác.

Thực chất đây là phương pháp giác hơi rất phổ biến ở các nước phương Đông (Ảnh: yenisafak.com)

Phương pháp trị liệu bằng giác hơi không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam cũng như các nước Châu Á nói chung. Cách chữa bệnh đơn giản và thú vị này mang lại những hiệu quả đặc biệt, từ việc gây ra sung huyết tại chỗ để giải độc, chữa bệnh cho cơ thể.

Thông thường, người ta sẽ sử dụng những chiếc chén nhỏ, đốt bông tẩm cồn rồi bỏ vào ống giác, trong khi lửa vừa cháy, úp nhanh ống giác vào chỗ giác. Vì không khí trước đó giãn ra do cồn cháy, lúc sau sẽ xảy ra sự chênh lệch áp suất nên dính chặt vào da.

‘Thành quả’ sau khi giác hơi là chiếc lưng lốm đốm các vòng tròn màu tím (Ảnh: yenisafak.com)

Ở đây, chính việc dùng những chiếc sừng trâu lạ mắt đã khiến phương pháp chữa bệnh của người đàn ông Indonesia trở nên độc đáo, lạ mắt.

‘Thành quả’ để lại sau khi trị liệu bằng phương pháp này cũng vô cùng ấn tượng, đó là chiếc lưng với đầy những hình tròn màu tím đỏ, như những mẫu hoa văn kỳ lạ.

Giác hơi: Hiệu quả nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng

Trong y học cổ truyền, khi bệnh khó dùng thuốc và châm cứu không khỏi thì người ta sẽ áp dụng phương pháp giác hơi. Giác hơi là phương pháp chữa bệnh rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng biết giác hơi giúp chữa bệnh gì và những điều cần tránh khi giác hơi.

Dùng ống nứa để giác hơi (Ảnh: VietHoanVu)

Bác sĩ Đào Hữu Minh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng các chất liệu như trúc, sành sứ, thủy tinh. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh”.

Giác hơi có thể phòng và chữa bệnh nhưng không phải bị mắc bệnh gì cũng có thể chữa bằng phương pháp này. Mới đầu, trong y học cổ truyền, giác hơi được dùng để hút mủ ở mụn nhọt, sau đó được phát triển để chữa các bệnh khác.

Giác hơi thuộc phương pháp nhiệt vì có sự gia nhiệt

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, có nhiều bệnh nhân đau lưng do thận hư, đau xương khớp do lạnh đến giác hơi và có cả bệnh nhân bị… béo phì. Ống giác được úp lên các huyệt trên vùng bụng, lưng, đùi; dưới tác dụng của nhiệt và tác dụng của chân không sẽ giúp tăng cường chuyển hóa, phân giải mỡ để giảm béo.

Cũng theo bác sĩ Minh, có nhiều cách giác khác nhau: Dùng kim châm rồi úp ống giác vào đó khoảng 15-20 phút; úp giác để hút mủ; úp ống giác rồi kéo dài tạo thành vệt; dùng kim châm vào huyệt, sau đó rút kim ra ngay, chụp ống giác vào để hút máu ra… Hai cách giác hơi phổ biến hiện nay là úp ống giác rồi bỏ ra ngay hay để ống giác nguyên tại chỗ 15 – 20 phút. Tùy theo chứng bệnh và tình trạng bệnh mà áp dụng các kiểu giác hơi khác nhau.

Tuy an toàn và dễ làm hơn châm cứu nhưng không phải đối tượng nào cũng áp dụng được (Ảnh: Naturheilpraxis Hochdorf)

Theo Đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra thì bệnh chỉ nặng thêm (nhiệt gặp nhiệt tắc cuồng). Thông thường, giác hơi chữa các chứng đau do hàn như đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ…

Do giác hơi là phương pháp sử dụng nhiệt, chính vì vậy, khi giác hơi, người thực hiện cần có kinh nghiệm, kỹ thuật đốt lửa đến độ vừa phải, tránh bỏng cho bệnh nhân. Những phần thường được làm giác là những vùng có cơ dày như lưng, ngực, đùi, bắp chân… Người làm giác cần tránh những chỗ da bị dị ứng, nổi mẩn, trầy xước, vết thương hở, đầu khớp xương…

Đồng thời, không nên sử dụng giác hơi nếu bạn gặp phải những vấn đề như: mắc bệnh thận, phổi, thiếu máu, xuất huyết dưới da, phù thũng toàn thân, thiếu tiểu cầu.

Lưu ý:

Người mắc bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh, hay bị chuột rút cũng không nên chữa trị bằng giác hơi vì có thể gây biến chứng khó lường. Những ai có cơ da đàn hồi kém, tình trạng quá no, đói hoặc say rượu cũng không nên áp dụng.

Phương pháp này cũng không phù hợp với phụ nữ đang có thai, thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú.

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.