Không chỉ có trong phim ảnh mà thực tế nhiều trường hợp đột nhiên bị ngất xỉu. Ngoài những lý do như ngộ độc, say nắng… thì đó là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm.
Ngất xỉu là tình trạng tạm thời mất ý thức do lượng máu cung cấp lên não bị giảm đột ngột, não không nhận đủ oxy hoặc năng lượng. Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết mọi người sẽ bị huyết áp thấp hoặc có các dấu hiệu về thần kinh trước khi bị ngất.
1. Chức năng gan yếu
Thông thường khi đường huyết không đủ, gan sẽ huy động cơ chế dự phòng, tổng hợp đường dị sinh từ các axit amin, axit polylactic, glycerin. Khi chức năng gan có vấn đề, cơ chế đường dị sinh này không hiệu quả, không chữa cháy kịp thời. Vấn đề này cũng được gọi là hạ đường huyết, não không được cung cấp năng lượng kịp thời khiến người này choáng và xỉu.
Trường hợp này cần chú ý không nên bỏ bữa, nhất là bữa sáng, đồng thời cần tăng cường chức năng cho gan.
2. Đột ngột thay đổi tư thế
Có người đứng lên quá nhanh, hoặc khi ngồi dậy đột ngột từ tư thế nằm… có thể làm cho máu không đi đến não kịp thời, khiến bạn cảm thấy choáng váng. Do vậy, sau khi thức dậy hoặc đang ngồi, bạn nên đứng lên từ từ, chậm rãi để cơ thể có đủ thời gian thích ứng.
3. ‘Yếu tim’
Người “yếu tim” còn gọi là yếu bóng vía có thể vì cảm xúc thái quá, quá căng thẳng, sợ hãi, lo lắng mà ngất xỉu. Có người sợ quá mà ngất xỉu, giống như dân gian vẫn nói là “hồn vía lên mây”.
Những trường hợp này có thể thông qua tư vấn tâm lý, tăng cường luyện tập, thiền định hoặc khí công để tăng ý chí cho chủ ý thức, học cách kiểm soát cảm xúc dần dần sẽ khống chế được tinh thân của bản thân mình.
4. Vấn đề tim mạch
Đây là triệu chứng phổ biến của rối loạn nhịp tim, có thể làm cho bạn cảm thấy chân tay run rẩy, yếu ớt. Bất thường này xảy ra khi dòng chảy bình thường của máu đến não bị gián đoạn. Nguy hiểm hơn, nó có thể gây nguy cơ xuất hiện cục máu đông và đột quỵ.
Trường hợp bị ngất do tim bơm không đủ máu, hoặc huyết áp thấp, bệnh tim… để tìm ra nguyên do chính xác, bác sĩ cần khám lâm sàng, xem bệnh sử, đo điện tim, đo huyết áp ở nhiều vị trí khác nhau (đứng, nằm, ngồi, sau khi tập thể dục). Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm đường huyết và số hồng cầu trong máu.
Minh Thành