Bạn có quá nhiều công việc phải giải quyết đến mức chỉ mong có thể mọc thêm đầu, thêm tay mới xuể. Nhưng thực tế bạn chưa vận dụng hết khả năng bộ não của mình, các nhà khoa học đã chỉ ra yếu điểm này.
Não bộ của chúng ta có một sức mạnh tiềm ẩn chưa được khai phá. Đó vẫn là một kho tàng, hứa hẹn trao cho những ai hướng đến trí tuệ minh mẫn và sáng suốt hơn. Và sau đó, nếu muốn tăng hiệu suất làm việc, bạn cần chìa khoá để bắt đầu vận hành “bảo bối” này.
Con người chỉ sử dụng được 10% não bộ của họ? Không đâu, đây là một niềm tin sai lầm nhưng lại rất phổ biến. “Điều này không những không chính xác mà còn chẳng có ý nghĩa gì cả”, giáo sư khoa học thần kinh Earl Miller tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết. “Ngay cả làm những việc đơn giản nhất cũng đã sử dụng đến phần lớn não bộ của chúng ta rồi”. Vậy điều gì đang phong bế chúng ta.
Một bộ não bị phân tâm là một bộ não ngờ ngệch
Giáo sư Miller biết chiếc chìa khóa để mở nó. Ông hé lộ: “Thứ lớn nhất đang cản trở nhận thức của chúng ta chính là sự phân tâm”. Phân tâm làm cạn kiệt khả năng tập trung của não bộ.
Thật không may, bản chất tự nhiên của chúng ta lại là vậy. “Con người tò mò và luôn quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Do đó, rất khó để bỏ ngoài tai mọi thứ và tập trung chỉ cho một việc”, giáo sư Miller nói.
Ngày nay, sự phân tâm giăng bẫy bạn khắp mọi nơi, với những email, tin nhắn chợt đến hay nhu cầu cập nhật thông tin từ mạng xã hội. “Mọi người cứ nghĩ họ có thể ‘multitask’, để làm nhiều việc một lúc mà không mất tập trung”.
“Nhưng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra chuyển qua chuyển lại giữa các tác vụ đưa con người vào một sai lầm. Nó khiến chúng ta phải nghĩ đi nghĩ lại những điều trùng lặp và lãng phí rất nhiều thời gian”, giáo sư Miller nói.
Không chỉ giáo sư Miller, nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với ông về điều này.
Làm việc chuyên nhất: thời gian bỏ ra ít mà thành quả gấp bội
Calvin Newport là một phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Georgetown. Ông từng viết một cuốn sách khoa học thường thức có tựa đề “Chìm sâu vào công việc: Những nguyên tắc để tập trung giữa một thế giới hỗn loạn”. Cuốn sách trình bày những gì mà khoa học biết về sự suy giảm nhận thức bằng một ngôn ngữ rất đời thường.
“Theo như mọi người vẫn nói, chúng ta bị giảm 50% năng suất làm việc và khả năng nhận thức khi ở trong trạng thái phân tâm”, Newport cho biết. Và mặc dù việc kiểm tra một tin nhắn hoặc lướt qua mạng xã hội chỉ mất có một giây, khoảng thời gian bạn mất cho những việc như vậy không tỷ lệ thuận với mức độ phân tâm như bạn nghĩ.
Nghĩa là 1 giây có thể ngắn với bạn, nhưng chỉ cần có thế mà độ tập trung của não đã suy giảm rất nhiều.
Chính Newport đã trải nghiệm sự gia tăng hiệu suất làm việc trong khoảng thời gian ông viết cuốn sách gần đây nhất của mình. Điều ông làm đơn giản chỉ là lập kế hoạch làm việc và chỉ dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để kiểm tra email, và điện thoại. Toàn bộ phần thời gian còn lại dành hoàn toàn cho việc viết sách và thực hiện nghiên cứu ở trường đại học.
“Tôi đã có ít thời gian hơn cho công việc thường ngày ở trường đại học, bởi ở thời điểm đó tôi vừa phải nghiên cứu và vừa viết sách”, Newport nói. “Nhưng số lượng bài báo chất lượng của tôi xuất bản trong năm đó đã tăng lên tới một nửa”.
Một trong những cách tốt nhất rèn giũa sự tập trung của bạn, và tăng cường khả năng não bộ là sắp xếp một lịch làm việc ít gián đoạn nhất, tập trung vào những nhiệm vụ chính có ý nghĩa với bạn.
Trước khi bước vào một cánh cửa mới, hãy đóng cánh cửa đằng sau lại
“Nếu có một cuộc họp lúc 11 giờ, hầu hết mọi người sẽ làm việc đến 10h59 rồi vội vội vàng vàng tới cuộc họp”, Phó Giáo sư Sophia nói. “Làm việc kiểu này không cho não bộ thời gian chốt lại những gì đã hoàn thành và dự trù những gì cần làm tiếp theo. Và do đó, cánh cửa giữa hai công việc còn chưa được đóng lại”.
Bộ não của bạn thì cần đóng cánh cửa này. Bởi chỉ có vậy, nó mới chuyển được hoàn toàn hiệu suất làm việc từ tác vụ trước sang tác vụ sau, bà Sophia nhấn mạnh.
Bà khuyên mọi người nên dành một khoảng thời gian giữa các công việc trí óc, 1 -2 phút để nhìn lại điều mà bạn vừa thực hiện. “Hãy viết xuống giấy rằng bạn đã hoàn thành nó đến đâu và điều gì là thứ bạn muốn làm ngay khi có dịp quay lại công việc ấy”, Sophia nói.
Trong một thí nghiệm mà bà đã thực hiện, những người làm được việc đơn giản này đã cải thiện được hiệu suất làm việc của mình thêm 79%, so với những người không thực hiện nó.
Còn một tuyệt chiêu nữa, nghe có vẻ đơn giản nhưng sẽ rất khó thực hiện: Cài vào cuộc sống của bạn một vài khoảnh khắc nhàn rỗi thực sự.
Theo PGS Sophia, sự gián đoạn tập trung dành cho các công việc lặt vặt như tin nhắn, email và mạng xã hội giống như đường. Chúng ta luôn thích ăn đồ ngọt, nghĩ rằng mình chỉ ăn một chút thôi nhưng dần dần trở nên nghiện.
Theo Time
Hoàng Kỳ
Xem thêm:
- Thực vật cũng có bộ não, biết suy nghĩ và cân nhắc thời tiết để nảy mầm
- 13 thói quen rèn luyện cho bộ não thông minh hơn mỗi ngày
- Tinh hoa Đông y: Trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.