Ớt quá cay có thể khiến cho lưỡi mất cảm giác, đây chính là lý do để người ta nghiên cứu phát triển thuốc gây tê từ một loại ớt đặc biệt có tên gọi là ‘Hơi thở của rồng’.
“Thiếu ớt cay thế gian vô vị
Ớt quá nhiều phá nát mọi giác quan” (st)
Món mì cay hiện nay đang “sốt” trong giới trẻ Việt Nam, trở thành món ăn quen thuộc của nhiều sinh viên, học sinh… Độ cay thường được phân ra làm 10 cấp độ, được phân chia dựa vào thang đo nhiệt Scoville với giá trị SHU từ 0 đến hơn 100.000 đơn vị. Thực tế, số người có thể chinh phục được cấp 7 không phải là nhiều, và chắc chắn ai cũng phải ‘kinh hoàng’ nếu gặp phải loại ớt “siêu xay da” này.
Vượt trên cấp 10, ‘hơi thở của rồng’ siêu cay đảm nhận vai trò y học
Suốt 8 năm mày mò nghiên cứu, một nông dân Anh 53 tuổi, có tên là Mike Smith cùng với các nhà khoa học đến từ trường Đại học Nottingham đã cho ra đời một giống ớt có độ cay đáng sợ nhất thế giới, được gọi là “Hơi thở của Rồng” (Dragon’s Breath). Tuy nhiên, Smith không khuyến khích mọi người ăn giống ớt này vì nó có thể là món ăn cuối cùng trong đời một người, theo Live Science.
Ông Smith nói thêm: “Cây ớt này đã được phát triển bởi vì rất nhiều người bị dị ứng với thuốc mê, dầu ớt này bôi lên da mạnh đến mức làm tê liệt”.
Giống ớt này có kích thước chỉ cỡ đầu ngón tay nhưng “chỉ số” độ cay của nó có thể khiến bất cứ ai khiếp sợ. Thông thường, các loại ớt có chỉ số cay ở mức 1.000-5.000 SHU, còn độ cay của loại ớt Dragon’s Breath là 2,48 triệu đơn vị SHU.
SHU là đơn vị nhiệt trên thang Scoville, một thước đo nồng độ capsaicin, chất hóa học giải phóng cảm giác cay nóng mà mọi người cảm thấy khi cắn miếng ớt cay. Hơi thở của Rồng cay hơn cả giống ớt đang giữ kỷ lục hiện nay là Carolina Reaper, đạt trung bình 1,6 triệu đơn vị nhiệt Scoville, và hơi cay dùng trong quân đội Mỹ đạt mức 2 triệu trên thang Scoville.
Chưa hết, chỉ với đơn vị cay trong khoảng từ 50.000 – 100.000 SHU, người ăn đã có thể bị bỏng dạ dày. Bởi vậy, nếu vô tình “nếm phải” loại ớt Dragon’s Breath, con người có thể bị sốc phản vệ, dẫn tới tử vong khi ăn hết 1 quả. Nghiên cứu cho thấy, trái ớt này có khả năng đốt cháy cổ họng dẫn đến làm ngưng hô hấp cơ thể người.
Ông Smith nói: “Nó không phải là loại thực phẩm có thể thử bằng miệng. Tôi đã thử nó trên đầu lưỡi của tôi và nó ngay lập tức khiến tôi tê rần. Độ cay càng ngày càng tăng lên”. Quân đội Mỹ phải sử dụng máy đo chuyên dụng để biết được độ cay của loại ớt này.
Cơ chế gây tê của giống ớt cay tử thần
Khi tiếp nhận tác động thụ thể trong miệng bạn truyền tín hiệu tới não báo có cảm giác đau, ở dạng cay hoặc nóng, và não bạn sản sinh endorphin để ngăn chặn cơn đau đó.
Tuy nhiên, ớt cay bất thường còn gây ra tác động vượt quá tê liệt miệng. Khi ăn loại ớt này, cơ thể nổi lên những bọng chứa chất lỏng hay vết phồng rộp ở những nơi tiếp xúc với nồng độ cao capsaicin, bao gồm miệng và cổ họng. Những vết phồng rộp này giúp hấp thụ nhiệt của capsaicin.
Một số giống ớt như Hơi thở của Rồng, cay tới mức chỗ phồng rộp không thể giải quyết hết nhiệt. Capsaicin thấm qua vết phồng rộp và tiếp tục kích hoạt thụ thể ở đầu dây thần kinh bên dưới, dẫn tới cảm giác bỏng rát cực đau đớn kéo dài ít nhất 20 phút.
Hệ thống miễn dịch có thể phải làm việc quá sức nếu nồng độ capsaicin quá đậm đặc. Đó là do thụ thể TRPV1, protein ở cuối dây thần kinh chuyên phát hiện nhiệt, bị kích hoạt bởi capsaicin, và giải mã sai capsaicin như một tín hiệu nhiệt cực mạnh. Sai lầm này đẩy cơ chế phòng vệ đối với vết bỏng của cơ thể lên tới cực hạn.
Đôi khi, ăn ớt cay có thể dẫn tới sốc phản vệ, bỏng nặng và thậm chí phong bế đường thở, dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng với loại thuốc gây tê từ ớt này, thử nghiệm lâm sàng cho thấy nó sẽ an toàn hơn so với các thuốc gây tê từ hoá dược.
Cũng như việc sử dụng trong điều trị những người dị ứng với thuốc gây tê, dầu ớt cũng có thể hữu ích ở các nước chưa phát triển, nơi mà thuốc gây tê bị giới hạn vì lý do tài chính.
Hoàng Kỳ tổng hợp
Xem thêm:
- Dâu tằm: Một cây thuốc bổ tuyệt diệu và mỹ phẩm trời cho;
- Một lần đi xem nắn xương cổ truyền Ấn Độ: Không X-quang, không thuốc tê, không bó bột
- Bác sỹ Trung Quốc thuộc hệ thống mổ cướp tạng bị cấm vận suốt đời khỏi tạp chí danh tiếng
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.