Các thầy thuốc vẫn có câu “Dùng thuốc như dùng binh…”, thuốc Đông y nếu uống không đúng cách sẽ không thể tận dụng được hết công dụng. Nên uống vào thời điểm nào, uống nóng hay nguội?
Để làm tăng hiệu quả của thuốc Đông y, mọi người nên lưu ý một số điểm như sau.
1. Loại thuốc khác nhau sẽ uống vào thời điểm khác nhau
Theo như lời khuyên của các chuyên gia Y học cổ truyền thì người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau về thời gian uống thuốc.
- Nếu là thuốc bổ nên uống trước khi ăn.
- Nếu là thuốc chữa bệnh nên uống vào lúc đói.
- Uống thuốc an thần nên uống trước khi đi ngủ.
- Chữa bệnh ở xương tủy uống thuốc lúc ăn no vào buổi tối.
- Chữa bệnh ở kinh mạch, tứ chi uống thuốc vào lúc sáng sớm chưa ăn gì.
- Chữa bệnh ở thượng tiêu (các bệnh tim, phổi, nên uống thuốc sau khi ăn).
- Chữa bệnh ở trung hạ tiêu (bệnh ở gan, mật, dạ dày, bàngquang…) uống thuốc trước khi ăn.
- Uống thuốc để chữa các bệnh cấp tính nên uống thuốc khi cần.
- Nếu là thuốc hàn (lạnh) để chữa bệnh nhiệt nên uống lúc còn nóng.
2. Liều lượng uống thuốc Đông y
Các lương y Y học cổ truyền khuyến cáo về liệu lượng sử dụng thuốc Đông y cho người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Người già khi uống thuốc chỉ nên dùng lượng nhỏ, chia nhiều lần để thăm dò.
- Nếu uống thuốc thấy bị đi lỏng, phân nát thì phải cho thêm ít gừng nướng, đập dập sắc chung với nước.
- Nếu uống thuốc thấy đi ngoài phân táo cần cho thêm vài ba đốt mía vào sắc chung hoặc cho thêm 1 thìa mật ong vào nước thuốc để uống.
- Mỗi thang thuốc Đông y nên chia uống làm 3-4 lần trong 1 ngày, nếu thuốc chữa bệnh cấp tính thì nên uống hết trong một lần.
- Nếu đã dùng thuốc đúng bệnh, uống thuốc rồi nhưng vẫn bị nôn thì nên giảm lượng thuốc uống hoặc thêm 3 lát gừng sống cho vào thuốc sắc hoặc là nhấm 1 lát gừng tươi trước khi uống thuốc.
- Thuốc thang thì nên trộn đều các lần sắc với nhau và chia đều uống trong 1 ngày, uống khi thuốc còn ấm. Nếu là thuốc giải cảm khi uống xong cần phải tránh gió và đắp chăn cho ra mồ hôi vừa để đuổi tà khí.
3. Những kiêng kị khi sử dụng thuốc Đông y
Khi sử dụng các bài thuốc Y học cổ truyền cần chú ý một số điều kiêng kị để hạn chế những tác dụng không mong muốn của những thức ăn, đồ uống đến thuốc và nâng cao hiệu quả dùng thuốc.
- Khi uống thuốc không nên ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ, thường trợ thấp sinh đờm, làm giảm quá trình hấp thu của thuốc.
- Những người tỳ vị hư hàn hoặc uống thuốc ôn thông kinh lạc, khử hàn trừ thấp, kiện tỳ noãn vị không nên ăn các thức ăn sống lạnh.
- Một số loại thực phẩm như đậu xanh, giá đỗ, rau cải xanh giảm mất tác dụng của thuốc vì vậy khi uống thuốc Đông y nên kiêng.
- Những người mắc bệnh âm hư hỏa động: Đại nhiệt, háo khát uốngnước hoàn dương để dưỡng âm tăng dịch, hoặc thuốc thanh nhiệt lương huyết không được ăn các thức ăn cay nóng.
- Một số vị thuốc tương kỵ với một số thức ăn như: thuốc có hà thủ ô đỏ kiêng ăn cá không vẩy như lươn, trạch, cá trê… Kiêng thịt chó khi uống thuốc có cát cánh, cam thảo, hoàng liên, ô mai. Kiêng ba ba khi uống thuốc có bạc hà, kiêng dấm khi uống thuốc có phục linh. Kiêng chè khi uống có thổ phục linh, kiêng thịt lợn khi thuốc có ké đầu ngựa.
- Không nên uống thuốc Đông y cùng với thuốc Tây, các vj thuốc cả thể công phá nhau làm giảm tác dụng hoặc mang lại những phản ứng có hại cho cơ thể.
Nhiều người xem qua thuốc Đông y, tưởng rằng liệu lượng không chính xác, kỳ thực y lý và nguyên tắc dùng thuốc rất chặt chẽ, không thể làm ẩu. Tùy từng trường hợp mà cần tham vấn kỹ lưỡng các thầy thuốc để thuốc phát huy hiệu quả.
Theo ysiyhoccotruyen
Minh Thành tổng hợp
Xem thêm:
- Giải mã Đông y: Dùng thuốc như dùng binh, lương y như lương tướng
- 6 loại người không thể chữa trị cho dù có gặp được Thần y
- Mắc cùng bệnh như GS. Stephen Hawking, nhưng đức tin đã giúp GS. Uông chiến thắng bệnh tật
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.