Vào những ngày tiết trời se lạnh, thứ đồ ăn vặt dân dã như củ ấu lại được bán dọc các tuyến đường hay ở một số chợ. Nhìn bề ngoài xấu xí nhưng ruột củ trắng, thơm và bùi. Đây không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng mà cũng là vị thuốc rất tốt cho cơ thể.

Củ ấu có tên khoa học Trapa cochinchinensis Lour, thuộc họ Ấu – Trapaceae hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước, hạt dẻ nước. Nhiều người còn quen gọi ấu là củ sừng trâu. Đây là loại thực vật thủy sinh, mọc trong ao đầm, thân ngắn có lông.

Theo Đông y, củ ấu vị ngọt, tính mát, vào Tỳ, Vị. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). Dịch chiết bằng rượu của củ ấu non ăn sống có tác dụng phòng ung thư, u bướu. Củ ấu non ăn sống có tác dụng giải rượu, trừ rôm sảy; trái ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ, xuất huyết, chống suy nhược. Thân cây vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giải độc.

Theo Đông y, củ ấu vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). (Ảnh: caythuoc.org)

Củ ấu có thể là món ăn dưỡng dạ dày, loại bỏ mỡ thừa và giải độc

Trong thịt củ ấu có chứa hàm lượng tinh bột và protein rất cao, không những vậy còn chứa vitamin B, C, kali, phốt pho, canxi, tetraene steroid, sitosterol D.  Nó có thể trở thành món ăn thay thế các loại ngũ cốc. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ thời nhà Thanh, có viết về tác dụng của củ ấu như sau: ‘Củ ấu có thể dùng thay thế ngũ cốc, lót dạ, có thể bổ khí dưỡng tràng Vị’.

Theo bác sỹ Đông y Trần Triều Tông, Chủ tịch danh dự hiệp hội Đông y lâm sàng Đài Loan, củ ấu rất tốt cho dạ dày, đại tràng thích hợp cho người thể chất yếu, người già, trẻ nhỏ. Bản thảo cương mục có viết: “Lăng giác năng bổ tỳ vị, cường cổ tất, kiện lực ích khí”. Nó cũng có thể “An trung bổ ngũ tạng, bất cơ khinh thân”. Tạm dịch: Củ ấu có thể bồi bổ thân thể, bổ Tỳ vị, kiềm chế cơn đói, hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra còn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hạ hỏa, lợi tiểu, thông sữa, loại bỏ mỡ thừa, hạ huyết áp…

Củ ấu có thể là món ăn dưỡng dạ dày, loại bỏ mỡ thừa và giải độc (Ảnh: food.ltn.com.tw)

Củ ấu có thể hỗ trợ chống ung thư

Theo bài viết đăng trên Journal of Medical Center của Nhật Bản, củ ấu có tác dụng hỗ trợ hiệu quả trong việc ức chế tế bào biến tính và mô tế bào tăng sinh. Theo tổng kết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Thực phẩm, hợp chất hoạt tính trong củ này có thể làm teo nhỏ các tế bào ung thư, từ đó ức chế khối u phát triển. Có thể hỗ trợ hiệu quả với các loại ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư cổ tử cung…

Không chỉ phần thịt củ, vỏ của nó cũng thường dùng trong các nghiên cứu về chống ung thư. Theo nghiên cứu của bộ thực phẩm an toàn và dinh dưỡng của Đại học Triết Giang, chiết xuất từ vỏ của loại củ này có chứa lượng lớn polyphenol, flavonoid và saponin, giúp hỗ trợ ức chế tế bào ung thư dạ dày, ung thư gan phát triển.

Món ăn, bài thuốc từ củ ấu

Món ăn từ củ ấu

Củ ấu ăn tươi: củ ấu tươi, liều lượng thích hợp, rửa sạch, bỏ vỏ ăn sống. Dùng cho các trường hợp say nóng, say nắng, sốt mất nước, khát nước, kích thích, bồn chồn.

Củ ấu có thể hỗ trợ chống ung thư hiệu quả (Ảnh: itw01.com)

Xi rô nước ép củ ấu: củ ấu 250g, nấu chín trong 1 giờ, ép lọc lấy nước, thêm đường, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng cho các trường hợp huyết nhiệt, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, đau rát hậu môn.

Củ ấu luộc chín: củ ấu già 150 luộc chín, bóc bỏ vỏ ăn, mỗi ngày 2 lần. Dùng cho các trường hợp tỳ hư, tiêu chảy, mệt mỏi, mất sức.

Củ ấu bung nhừ: củ ấu (bóc bỏ vỏ) 20 – 30g, thêm nước, đun nhỏ lửa nấu thành dạng canh cháo, ăn ngày 2 lần. Có tác dụng điều trị bổ trợ cho trường hợp ung thư tử cung, ung thư dạ dày ruột.

Bột hồ củ ấu củ mài: củ ấu cả vỏ 30g, bột củ mài 30g. Nấu nhừ củ ấu, ép lọc lấy nước, cho bột củ mài vào, đun chín thành hồ bột. Dùng cho trẻ em tiêu chảy mạn tính.

Cháo củ ấu: củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột.

Bài thuốc chữa bệnh từ củ ấu

Cháo củ ấu: củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột. (Ảnh: pinterest.com)

Về tác dụng phòng chống ung thư, theo sách “Ẩm thực trị liệu chỉ nam“: Dùng củ này phòng ung thư là kinh nghiệm dân gian lưu truyền ở Nhật. Mỗi ngày dùng 20-30 quả ấu tươi, bóc lấy phần thịt quả, thêm lượng nước nhất định; nấu nhỏ lửa cho đến khi nước có màu nâu đặc; chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Sử dụng trong một thời gian dài có tác dụng dự phòng và hỗ trợ trị liệu tốt đối với ung thư thực quản và ung thư dạ dày.

Thử nghiệm tuyển chọn thảo dược chống ung thư tại Trung Quốc cho thấy, dung dịch rượu ngâm củ ấu có tác dụng chống ung thư gan, xơ gan cổ trướng. Để hỗ trợ trong chữa trị ung thư thực quản, ung thư vú, người ta thường dùng “cháo bột ấu” (lăng giác phấn chúc), chế biến như sau: Dùng gạo tẻ 50-100g nấu cháo; cháo gần chín, cho thêm 30-60g bột ấu, đường đỏ lượng thích hợp, nấu lại cho chín; dùng làm bữa sáng hoặc ăn điểm tâm. Có tác dụng ích khí kiện tỳ, phòng trị tiết tả mạn tính, tăng cường thể chất; còn dùng như biện pháp “thực liệu”, hỗ trợ trong điều trị ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng dạng sống. (Ảnh: info.jinlisting.com)

Những chú ý khi ăn củ ấu

  • Không nên nấu củ ấu cùng thịt lợn, bởi ăn cùng nhau sẽ gây đau bụng
  • Vỏ củ ấu có thể có sâu, bởi vậy trước khi luộc phải rửa sạch
  • Nếu dùng củ ấu làm món ăn vặt, không nên ăn quá nhiều một lúc để tránh khó tiêu, đầy bụng.

Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng dạng sống.

videoinfo__video2.dkn.tv||56287f8e8__

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định