Khoa Ngoại bụng 2 bệnh viện K cùng bác sĩ Đại Học Y Hà Nội và bệnh viện Xanh Pôn, đã phẫu thuật tạo hình, phục hồi chức năng khớp háng cho anh Hoàng Đình H. (28 tuổi, Bắc Giang) bị u ổ cối xương chậu hiếm gặp.

Trao đổi với Zing, người nhà bệnh nhân cho biết, một năm qua, anh H. thường xuyên bị đau khớp háng trái, gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Anh đã đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được tổn thương, tình trạng đau đớn ngày một tăng.

Đến khi không tự đi lại, phải sử dụng nạng, gia đình mới đưa anh H. đến bệnh viện tuyến tỉnh để thăm khám. Các bác sĩ nghi ngờ anh có khối u ở vùng ổ cối xương chậu nên đã chuyển xuống bệnh viện K.

Bác sĩ 3 bệnh viện phối hợp cắt khối u hiếm gặp cho người đàn ông ở Bắc Giang
(Ảnh: VTC)

Sau khi thăm khám, các bác sĩ bệnh viện K phát hiện có một khối u ở khu vực háng trái, phá huỷ hoàn toàn ổ cối và xâm lấn vào ổ bụng bệnh nhân với kích cỡ khoảng 10 cm. Kết quả sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. bị u ổ cối xương chậu hiếm gặp.

Trao đổi với VTC, bác sĩ Trần Quang Sáng, Khoa Ngoại bụng 2 cho biết, vị trí khối u là nơi tập trung dây thần kinh ngồi cùng các bó mạch thần kinh trên và dưới mông đi qua, nên nguy cơ tai biến trong phẫu thuật rất cao. Nếu trì hoãn thêm, bệnh nhân H. sẽ mất hoàn toàn khớp háng dẫn đến liệt vận động.

Kíp mổ hơn 10 bác sĩ gồm bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, gây mê hồi sức của bệnh viện K phối hợp với PGS.TS Trần Trung Dũng, PGĐ bệnh viện Xanh Pôn.

Ê-kíp phẫu thuật chia thành 2 hướng tiếp cận: Một qua đường mở vào khớp háng để tái tạo lại khớp háng nhân tạo; Hai là qua ổ bụng để tiếp cận mặt trong cánh chậu và đáy ổ cối vét sạch khối u, vừa mổ vừa sinh thiết để lấy u triệt để.

Sau 6h phẫu thuật, khối u được lấy bỏ triệt để, không có tai biến tổn thương thần kinh, khớp háng được phục hồi bằng khớp háng nhân tạo. Hiện, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, có thể tự đi lại không cần nạng.

Lan Phương