Đau bụng vào mỗi kỳ kinh khiến nhiều chị em lo lắng, không uống thuốc thì đau đớn khó chịu, mà uống thuốc thì sợ tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này.

Đau bụng kinh là cảm giác đau quặn phía bụng dưới, đây là một hiện tượng thường gặp ở nữ giới. Cứ 10 phụ nữ thì có đến 9 gặp phải chứng đau bụng khi đến chu kỳ. Tuỳ vào cơ địa, thể chất của mỗi người nên mức độ đau và biểu hiện khác nhau. Có người chỉ đau âm ỉ, râm ran phía bụng dưới kèm theo mỏi lưng. Có người đau bụng dữ dội kèm theo các cảm giác buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, mặt mũi nhợt nhat…

Vậy nguyên nhân gây đau bụng kinh là gì?

Theo y học, đến mỗi chu kỳ hàng tháng của chị em phụ nữ có sự bong lớp niêm mạc tử cung và có hiện tượng co thắt cơ tử cung đẩy máu ra ngoài. Đau bụng kinh có nhiều nguyên nhân gây nên:

  • Do một số vấn đề liên quan đến vấn đề tử cung: Tử cung co thắt quá mức, vị trí tử cung không bình thường, chẳng hạn như: tử cung lùi về phía sau hoặc ngả về phía truớc khiến máu khó lưu thông và gây ra hiện tượng đau bụng kinh.
  • Do cấu tạo của cổ tử cung quá hẹp khiến máu không thoát ra ngoài được dẫn đến hiện tượng đau bụng kinh.
  • Do một số bệnh phụ khoa (lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung…) và do viêm nhiễm (viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung…)

Ngoài ra còn do các nguyên nhân do ăn uống, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, môi truờng sống ô nhiễm, lối sống không lành mạnh hoặc do di truyền.

Đau bụng kinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi, tâm tính nóng giận, hay cáu gắt và trở thành nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ mỗi khi đến kỳ.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số phương pháp tự nhiên đơn giản giúp đẩy lùi cơn đau mà không cần phải dùng đến thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai.

1. Gĩư ấm cơ thể

Chườm ấm (Ảnh: Internet)

Tắm nước ấm trong kỳ kinh. Cũng có thể dùng chai nước ấm hoặc túi chuờm nóng để chườm nơi bụng dưới. Việc này có tác dụng làm ấm bụng, giãn cơ tử cung giúp máu lưu thông tốt hơn.

2. Bổ sung dinh duỡng vào chế độ ăn

Để giữ một sức khoẻ tốt, đặc biệt phụ nữ trong chu kỳ kinh bị mất nhiều máu thì càng cần chú ý bổ sinh dưỡng chất cho cơ thể và các yếu tố sinh máu.

  • Nên tăng cường ăn hoa quả các loại như: cam, bưởi, dứa… và các loại rau như: rau dền, rau sam, bí ngô, các loại họ đậu (đậu đỏ, đậu xanh…)
  • Bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B và sắt, kẽm…
  • Ăn  đầy đủ các chất đạm như:  thịt (heo, bò), cá, trứng, sữa, gan động vật…
  • Hạn chế dùng các chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, bia, ruợu…
  • Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng và đồ ăn có tính hàn.

3. Uống nhiều nước

Uống nước ấm (2lít/ngày).

Có thể uống trà gừng hoặc trà bạc hà để làm ấm bụng giúp bạn giảm đau.

4. Chế độ nghỉ ngơi và tập thể dục

Thiền định giúp giảm các cơn đau, bao gồm cả đau bụng kinh (Ảnh: ĐKN)

Ngủ đủ giấc, tránh vận động mạnh, chạy nhảy trong kỳ kinh.

Tập thể dục nhẹ nhàng: luyện tập yoga và ngồi thiền giúp điều hoà khí huyết, thông kinh mạch, tăng tuần hoàn máu.

5. Sử dụng liệu pháp tự nhiên

Ích mẫu, gừng… trị đau bụng kinh an toàn (Ảnh: Internet)

Một số vị thuốc đơn giản như: nghệ trắng, sả, cây ích mẫu có thể sử dụng để chữa đau bụng kinh.

Theo Đông y, lá ngải cứu có công dụng điều kinh, giảm đau bụng kinh. Có thể sử dụng lá ngải cứu trong các món ăn hoặc đun sôi chắt lấy nuớc để uống.

Gừng giã hoặc thái lát, chườm vào phần bụng dưới khoảng 5-7 phút sẽ giúp bạn giảm những cơn đau bụng kinh.

6. Massage nhẹ

Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới giúp cơ bụng được giãn nở và làm ấm bụng. Động tác rất đơn giản, chỉ cần bạn đặt tay lên bụng dưới, ấn nhẹ và xoa đều theo hình tròn.

7. Tư thế nằm

Nằm co người là một trong những cách giảm đau khi đến kỳ kinh. Tư thế trên giúp cơ thể tự động thư giãn các bó cơ vùng bụng, từ đó giúp giảm đau hơn.

8. Sữa hoặc sữa chua

Sữa chua (Ảnh: Internet)

Sữa hoặc sữa chua có thể giúp chị em giảm đau bụng kinh. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bổ sung 1200mg canxi mỗi ngày sẽ giúp giảm 30% nguy cơ đau bụng kinh so với những người chỉ bổ sung 500 mg canxi mỗi ngày.

Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo xương và dẫn truyền thần kinh cơ. Ở phụ nữ cần có khung xương chậu chắc khoẻ, nhất là vào thời kỳ mang thai lại càng cần chú ý bổ sung canxi.

9. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Vệ sinh sạch sẽ vùng kín vào những ngày này  là rất cần thiết, tránh làm việc nặng, làm việc quá sức, không nên sinh hoạt tình dục trong những ngày này cũng giúp bạn giảm đau bụng kinh

Lưu ý: Trong một số truờng hợp đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng bất thuờng như: tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh… cũng có thể là triệu trứng của bệnh khác. Khi đó cần đến phòng khám chuyên khoa để có thể các bác sĩ kiểm tra và có những biện pháp điều trị kịp thời.

Lan Anh tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.