Một ly trà tắc thơm ngon mỗi ngày không chỉ giúp xua tan cái nóng ngày hè mà còn hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức đề kháng và thanh lọc gan một cách tự nhiên.
Theo Đông y, trái tắc (người Bắc gọi là quả quất) thường được sử dụng để chữa ho, tiêu đờm, cảm hay lạnh bụng… Các bộ phận khác như lá, rễ, hạt cũng được dùng làm thuốc. Lá tắc vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng thư can (điều hoà, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hoá), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch… Một số nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, quả tắc có tác dụng làm giảm cholesterol, bền thành mạch, có lợi cho người cao huyết áp.
Ngoài trà xanh, thành phần trong trà tắc cũng giàu các chất chống oxy hóa như polyphenol, catechin, EGCG… giúp chống lại các gốc tự do gây hại tế bào, ngăn cản sự hình thành các yếu tố bất thường gây ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, giải tỏa căng thẳng…
Các nhà khoa học đã chỉ ra, thêm tắc vào trà xanh sẽ làm tăng khả năng hấp thụ chất catechin có trong trà, giúp cơ thể chống lại bệnh tim, đột quỵ, ung thư, đái tháo đường và các các vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là 5 công dụng tuyệt vời của trà tắc đối với sức khỏe:
1. Tăng cường hệ miễn dịch: Tắc chứa nhiều vitamin C kích thích sự tăng trưởng của tế bào mới, hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể tránh được nhiễm trùng, vi khuẩn và nấm.
2. Ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt: Các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết, tắc chứa nhiều chất chống oxy hóa, proanthocyanidins giúp ngăn ngừa vi khuẩn, giảm nhiễm trùng đường tiết niệu, có lợi cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
3. Chữa ho: Tắc chứa nhiều pectin, tinh dầu, các vitamin có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng virus.
4. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Chất catechin trong tắc giúp cân bằng lượng insulin và glucose trong cơ thể, từ đó giảm khả năng tích tụ đường trong máu là nguyên nhân chính của bệnh tiểu đường.
5. Giúp cho đôi mắt sáng và khỏe mạnh: Hàm lượng vitamin A và β – carotene giúp giảm căng thẳng, giảm quá trình oxy hóa ở võng mạc mắt. Nhờ đó có thể hạn chế được thoái hoá điểm vàng, đục thủy tinh thể.
Lưu ý:
- Không nên dùng vào lúc đói vì các axit hữu cơ sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây khó chịu, ngứa họng.
- Tránh uống trà ngay sau bữa ăn vì có thể làm cản trở quá trình làm việc của dạ dày.
- Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như sỏi thận, loét dạ dày, táo bón, mất ngủ… không nên uống nhiều trà tắc.
H.H t/h