Gần 30 năm sau khi về hưu, cứ từ 7 giờ sáng đến tối muộn, phòng khám nhỏ của bác sĩ Nguyễn Văn Chương (Hà Nội) vẫn luôn mở cửa khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Đã 85 tuổi nhưng ông vẫn ngày đêm hết lòng vì người bệnh.

videoinfo__video3.dkn.tv||b17bd59fb__

Clip tư liệu: Phòng khám đặc biệt của người bác sĩ Nguyễn Văn Chương 83 tuổi – Nét đẹp Hà Thành (Nguồn: Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội)

Theo Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Văn Chương sinh năm 1934 tại miền quê nghèo Thái Bình. Năm 1959 ông tốt nghiệp Đại học Y (Hà Nội). Chuyên ngành của ông là nghiên cứu về cơ, xương, khớp, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Năm 1980, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Sau đó, ông về nước và làm việc tại Ban Y tế của Bộ Năng lượng.

Nghỉ hưu năm 1992, bác sĩ Chương từ chối nhiều lời mời của các bệnh viện lớn, trở về nhà và tự mở một phòng khám nhỏ. Ông mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Chương (tóc bạc) đang khám cho bệnh nhân. (Ảnh: VnExpress)

Người thầy thuốc già thấu hiểu và thương cảm với những người nghèo không có tiền vào bệnh viện. Chính vì thế, chữa bệnh cho người nghèo được ông xem như một nhiệm vụ phải luôn làm hết mình.

Có những hôm, bác sĩ khám chữa bệnh đến tận 22 giờ, phải chờ cháu đến trông nom phòng khám rồi mới dám đi ăn. Hàng trăm người bệnh đã khỏe lại chính nhờ phòng khám nhỏ này, chưa có một sự cố nào với bệnh nhân. “Đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”, bác sĩ Chương chia sẻ.

Với tấm lòng cứu người hơn xây bảy toà tháp, ông chẳng quản khó khăn để khám chữa bệnh cho những ai bị bệnh tật hành hạ. (Ảnh: Zing)

Phòng khám nhỏ chỉ hơn chục m2 của bác sĩ Chương tại số 7 ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội điều trị chuyên sâu các bệnh đau cơ xương khớp, liệt, mạn tính về tiêu hóa, hô hấp. Những trang thiết bị tại đây như máy hồng ngoại, máy châm cứu, máy phục hồi chức năng,… đều đã rất cũ nhưng chẳng thể làm khó được vị bác sĩ già. Ông bảo quan trọng là tấm lòng dành cho bệnh nhân, theo tờ VnExpress.

Nhiều bệnh nhân mất nhiều tiền đi khắp đó đây không khỏi nhưng đã được chữa khỏi tại đây. (Ảnh: Zing).

Tất cả bệnh nhân tới khám bệnh đều được miễn phí. Chi phí chữa bệnh cho công nhân và nông dân chỉ ở mức tối thiểu để duy trì hoạt động của phòng khám. Trẻ em, người nghèo, người khuyết tật được ông chữa bệnh không mất tiền, người không có lương được giảm.

“Đa số bệnh nhân đến với tôi là lao động nghèo, bệnh lâu năm đã đi chữa nhiều nơi không khỏi hoặc họ không có điều kiện để vào những phòng khám, bệnh viện lớn”, bác sĩ Chương chia sẻ.

Mắc nhiều chứng bệnh về cột sống, từng đi khám nhiều nơi không khỏi, chị Lê Thị Nga (giáo viên ở Hưng Yên) sau khi được người quen giới thiệu đã từ quê lên phòng khám BS Chương để khám và điều trị. “Tôi mới chữa bệnh ở đây được chục ngày mà đã thấy bệnh thuyên giảm. Ông là thầy thuốc giỏi, có tâm và rất liêm khiết, ông không đòi hỏi bệnh nhân một điều gì cả”, chị Nga nói.

Máy móc hạn chế nhưng không làm khó được vị bác sĩ già. (Ảnh: Zing)

Anh Nguyễn Văn Trường ở Lạng Sơn đã chữa bệnh thoát vị đĩa đệm tại đây được một tuần. Anh không đến các bệnh viện lớn bởi lẽ với anh “phòng khám nhỏ này rất gần gũi và thoải mái”. Anh có thể chủ động sử dụng các trang thiết bị máy móc tại đây dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Chương. Hơn nữa, bác sĩ khám bệnh rất kỹ lưỡng, bệnh nhân cũng thoải mái nêu những thắc mắc và được giải thích tận tình.

Lương y như từ mẫu là điều người bệnh cảm nhận được khi đến phòng khám. (Ảnh: Zing)

Bà Vũ Thị Hiền (60 tuổi, ở Khâm Thiên, Hà Nội) cho hay bà bị nhiều bệnh về xương khớp đã nhiều năm nay. Tình cờ bà biết về phòng khám của ông, khi đến được bác sĩ Chương thăm khám cẩn thận, dặn dò không được gắng sức làm việc nặng hay hoạt động mạnh. “Ở tuổi 60 nhưng tôi chưa từng gặp bác sĩ nào nhiệt tình, tận tâm như bác sĩ Chương”, bà Hiền nói.

Dù đã ở tuổi mà nhiều người nghỉ ngơi đùa vui cùng con cháu, bác sĩ Chương vẫn hết lòng làm việc giúp đời. Ông tâm niệm: “Còn sức khỏe, còn được cống hiến giúp người nghèo đó chính là niềm vui”.

“Tôi chỉ mong sao những người lao động, người nghèo không bị đau ốm, mong cho họ khỏe mạnh mà cống hiến cho gia đình và nuôi sống bản thân”, ông chia sẻ.

Con cháu bác sĩ Chương đều theo ngành y. (Ảnh: Zing)

Bác sĩ Chương nói phòng khám sẽ không bao giờ đóng cửa. “Tôi không làm được nữa thì con tôi làm, con tôi không làm nữa thì cháu tôi làm vì nhà tôi từ trước đến nay mấy đời đều là thầy thuốc cả”, vị bác sĩ già mãn nguyện vì tâm nguyện của mình sẽ được lan truyền mãi mãi.

Video xem thêm: Trải nghiệm cận tử của một bác sĩ tim mạch

videoinfo__video3.dkn.tv||e3c6c09d7__