Bé gái 3 tuổi ở Tp.HCM ho sốt kéo dài 2 tuần, uống thuốc không khỏi, nhập bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, tắc nghẽn phế quản thùy trên bên trái.
Theo Báo Pháp Luật Tp.HCM, kết quả nội soi cho thấy, một khối u trong lòng phế quản, đó là loại bướu nguyên bào sợi cơ viêm. Đặc điểm bướu này nằm trong nhóm giáp biên, ranh giới giữa bướu lành và ác tính. Loại bướu mọc trong phế quản này cực hiếm, chỉ chiếm 0,2 % tổng số bướu ở trẻ em.
Ê-kíp bác sĩ của hai bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Nhi đồng 1, đã “hợp sức” cắt bỏ bướu lạ cho bệnh nhi.
Bác sĩ Hà Văn Lượng, chuyên gia gây mê của bệnh viện Nhi Đồng 1 trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhi mới 3 tuổi, việc kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì các phẫu thuật viên phải thực hiện các thao tác ở phổi.
Sau 2 h phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối bướu trải dài 2,5 cm, gây tắc nghẽn thùy trên phổi và giữ lại đoạn phế quản thùy dưới phối trái.
Bên cạnh đó, các bác sĩ vẫn bảo tồn được đoạn thùy dưới, nối vào phần phế quản còn tốt, bảo vệ phổi trái cho bệnh nhi. Hiện, bệnh nhi có thể tự thở và ăn uống. Bệnh nhi cần theo dõi hẹp sẹo chỗ nối và khối u tái phát.
Theo các bác sĩ, bướu ở trẻ em phát triển tương đối âm thầm, ít có triệu chứng. Nên nếu trẻ ho và sốt dài ngày, không bớt khi đã uống thuốc nên đưa trẻ đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị như CT Scanner hoặc nội soi để sớm phát hiện các bất thường ở đường thở. Những khối bướu ở vị trí khác cũng có thể gây chèn ép các tạng xung quanh, đau âm ỉ.
Phương Nam