Từ 21-28/5, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã ghi nhận 2 bệnh nhi tử vong do chó dại cắn. Đặc biệt, cả 2 trường hợp đều chủ quan không đi tiêm phòng.
TheoNgười Lao Động, trước đó, ngày 18/5, bệnh nhi 13 tuổi (người dân tộc Mường, Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng bệnh dại toàn phát, có biểu hiện sợ nước, ánh sáng, tinh thần kích thích… Sau 3 ngày hồi sức tích cực, cháu đã không qua khỏi.
Gia đình cháu bé chia sẻ với Dân Trí, bé trai này sau khi bị chó cắn không thông báo với bố mẹ. 13 ngày sau khi bị cắn, con chó bỗng nhiên lăn ra chết. Lúc này cháu bé đã có dấu hiệu mắc bệnh dại, phụ huynh đưa con đến bệnh viện thì đã quá muộn.
Trường hợp thứ hai, cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) nhập viện ngày 22/5. Bệnh nhi được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực để điều trị, nhưng do bệnh quá nặng nên tử vong ngay trong ngày.
Theo lời kể của gia đình, nhà có nuôi chó đẻ, chó mẹ bị ốm đã bán đi, nhưng vẫn giữ lại đàn chó con. Trong quá trình chơi đùa, cháu bé bị chó con gặm vào tay nhưng không nói cho bố mẹ, đến khi khởi phát bệnh mới kể lại.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, trong một tuần, có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại là thực trạng nguy hiểm, đáng báo động. Bởi, bệnh dại là căn bệnh hoàn toàn có thể khống chế được.
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus, chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước. Ngoài ra, bệnh cũng có thể phát khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vùng da người bị trầy xước.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương, di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh dại như bị kích động, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7-10 ngày.
100 % người lên cơn sau khi bị chó dại cắn đều tử vong. Do vậy, khi bị chó cắn, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể. Việc theo dõi sát con chó (mèo) đã cắn là rất cần thiết.
Nếu chó đi mất, hoặc bị ốm, chết, giết thịt… thì báo ngay cho cán bộ y tế biết để thay đổi cách xử trí cho người bệnh phù hợp hơn. Tiêm vắc-xin càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao.
Xử lý khi bị chó (mèo) cắn – Rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. – Tới các cơ sở y tế tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại. – Theo dõi chó trong vòng 10 ngày xem có biểu hiện ốm, hoặc chết. |
H.H