Câu “sinh nghề tử nghiệp” ẩn chứa hàm ý thật thâm sâu, công việc bạn đang làm cũng là cái nghiệp đeo bám, nhiều khi muốn đổi mà không được. Chí ít là các công việc sau đây cũng phần nào minh chứng được câu thành này.
Các chuyên gia cảnh báo những người làm công việc dưới đây có nguy cơ “tử vì nghiệp” khá cao.
1. Công nhân làm việc trong môi trường độc hại
Môi trường làm việc trong các sản xuất đồ điện tử, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất chất dẻo… được đánh giá là độc hại do bị nhiễm hóa chất độc hại. Chúng là kim loại nặng (bụi niken, chì, thủy ngân…) hay các hóa chất hữu cơ (benzen, toluen….) có thể xâm nhập qua đường hô hấp, da, tiêu hóa để vào trong cơ thể.
Bởi vậy các công nhân trong nhà máy, khu công nghiệp nên được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe.
2. Công nhân xây dựng
Công nhân xây dựng thường phải làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời, nên nguy cơ ung thư da ở nhóm người làm công việc này tăng lên đáng kể.
Đặc biệt các công nhân xây dựng cũng dễ bị bệnh phổi và ung thư phổi hơn người bình thường. Nguyên nhân là do bụi amiăng, một loại bụi có kích thước nhỏ, khi vào phổi sẽ gây viêm và xơ hóa phổi. Tuy nhiên cần đến 40 năm để hình thành ung thư kể từ khi mới tiếp xúc với loại bụi này.
3. Nông dân
Bên cạnh tính chất “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” khiến người nông dân dễ mắc ung thư da, nông dân ngày nay còn phải tiếp xúc với các hóa chất trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
Một nghiên cứu cho thấy ở phụ nữ làm nông nghiệp nguy cơ mắc ung thư cao hơn 35% so với phụ nữ bình thường. Nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư máu ở nhóm người làm nông cũng cao hơn so với người bình thường.
4. Thợ làm tóc
Thợ làm tóc có thể phải thường xuyên tiếp túc với các loại thuốc nhuộm, hấp, ép, uốn… Và đây chính là những loại hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư khi hít phải hoặc tiếp xúc thường xuyên.
Một số salon sử dụng các loại thuốc có chứa formaldehyde không chỉ là chất gây kích ứng mạnh trên miệng, mũi và mắt mà còn là tác nhân gây ung thư. Với công việc này, người làm cần chú ý luôn giữ phòng ốc thông thoáng để giảm nguy cơ mắc bệnh.
5. Thợ làm móng
Bên cạnh thợ làm tóc, một số nghiên cứu cũng cảnh báo thợ làm móng dễ mắc các bệnh đường hô hấp, sảy thai, bệnh về da và cả ung thư như ung thư da, u lympho. Nguyên nhân được cho là những thợ làm móng phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất dùng để sơn, làm sạch, làm cứng móng.
Một trong những thủ phạm chính là formalin dùng để làm cứng móng và titanium dioxide để đánh bóng.
Một biện pháp để phòng tránh các nguy cơ trên là thợ làm móng sử dụng mặt nạ để bảo hộ và để salon được thông thoáng, tránh để các hóa chất tích tụ trong salon.
6. Thợ mỏ
Thợ mỏ là nhóm người phải tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư như amiăng, uranium, radon. Các nghiên cứu cho thấy sống gần khu mỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp, ung thư não và ung thư phổi.
Bên cạnh đó than đá cũng là một nguyên nhân gây bệnh phổi. Các bụi than đi vào trong phổi, tích tụ trong đó và gây nên bệnh phổi đen, một tình trạng viêm, xơ hóa phổi và có thể dẫn đến tử vong.
7. Tiếp viên hàng không hoặc phi công
Ít ai nghĩ đến điều này nhưng nữ tiếp viên hàng không và các phi công có nguy cơ mắc ung thư da rất cao bởi thường xuyên phải tiếp xúc với bức xạ từ ánh nắng mặt trời. Càng lên cao thì lượng bức xạ càng lớn, các tấm kính buồng lái máy bay không thể ngăn cản được các tia bức xạ mà còn làm tăng mức độ bức xạ.
Thêm vào đó là việc thường xuyên thay đổi độ cao cùng với máy bay, thay đổi múi giờ, thậm chí là làm ca đêm khiến nguy cơ càng cao, nhất là ở những người có thâm niên dài. Bởi vậy nếu có bất kỳ thay đổi bất thường nào trên cơ thể, những người làm nghề này đều nên đi kiểm tra sớm.
8. Nhân viên cứu hỏa
Theo nghiên cứu, khả năng mắc ung thư tinh hoàn ở lính cứu hỏa cao hơn những người làm nghề khác tới 100%, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 28%, nguy cơ bị bệnh máu trắng và ung thư tủy cao hơn 50% so với người bình thường
Nguyên nhân của hiện tượng trên được cho là xuất phát từ lính cứu hỏa phải tiếp xúc thường xuyên với các chất có khả năng gây ung thư benzene, chloroform, xút, styrene và formaldehyde. Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, các chất này có thể thâm nhập vào cơ thể họ qua đường hô hấp hoặc da.
9. Nhân viên công sở
Có lẽ ai cũng nghĩ rằng làm việc văn phòng rất nhàn hạ và tránh được nhiều bệnh tật. Nhưng thực chất đây cũng là nghành nghề được liệt vào danh sách có nguy cơ gây ung thư cao hơn bình thường.
Bởi tính chất công việc nên nhân viên công sở thường phải ngồi nhiều, Nghiên cứu cho thấy ở nhóm người ngồi nhiều, nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư vú đều cao hơn. Thậm chí ngay cả tập thể dục thường xuyên cũng khó vãn hồi được tác hại do ngồi quá nhiều.
Biện pháp giải quyết đơn giản là hạn chế thời gian ngồi bằng cách đi lại, vận động cơ thể sau mỗi 30 phút ngồi.
10. Người làm ca đêm
Công việc làm ca đêm tưởng chừng như không có liên quan gì đến bệnh ung thư. Tuy nhiên theo IARC thì làm việc ca đêm là một yếu tố có thể gây ung thư do làm rối loạn nhịp sinh học bình thường của cơ thể, dẫn đến làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, ung thư phổi ở nam giới và làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Năm 2007 WHO liệt việc làm ca đêm vào nhóm cơ thể gây ung thư.
11. Nhân viên bán xăng
Trong thành phần của xăng chứa nhiều dung môi hữu cơ độc hại như benzene, ethylbenzene, toluene, xylene là những chất gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, nôn mửa. Bên cạnh đó, đây là một nghề độc hại vì có nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh về da, hô hấp và các bệnh tiêu hóa. Trong số này, nguy cơ mắc bệnh hô hấp khá cao vì nhân viên bán xăng phải thường xuyên hít mùi hơi xăng.
Các hóa chất này có thể vào cơ thể qua đường hô hấp hay ngấm qua da. Để bảo vệ sức khỏe, những người ở trong nhóm nghề này nên trang bị cho mình những thiết bị bảo hộ như găng tay, khẩu trang, mặt nạ chống độc… kết hợp với kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên.
Đại Hải