Trong các nghề cổ truyền của người Việt, nghề đúc đồng có lẽ là một trong những nghề có sức sống mãnh liệt nhất. Hiện nay dù các công cụ sinh hoạt bằng đồng không còn phổ biến trong xã hội hiện đại, nhưng những vật dụng làm từ đồng vẫn còn được nhiều người ưa chuộng. Nét khỏe khoắn, bóng bẩy, vững vàng và trang trọng của chúng đã ăn sâu vào tâm thức của con dân đất Việt, nơi đã từng có những Trống Đồng Ngọc Lũ của thuở xa xưa ngự trị.
Làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái cổ xưa có tên làng Văn Lãng hay còn gọi là làng Bưởi, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi làng nằm trên một dải đất cao bên bờ sông Bái Giang (một nhánh của sông Thiên Đức cũ), cách đường 182 khoảng 1km.
Đại Bái từ xa xưa đã nổi tiếng là làng thủ công truyền thống chuyên sản xuất đồ đồng phục vụ về mặt dụng cụ gia đình, ban đầu mới chỉ làm xoong nồi thô sơ, sau mới có ấm, mâm, chậu thau và cho đến đầu thế kỷ XI, nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền, dân làng tôn ông là “Tiền tiên sư”, bởi ông là người biết lo tổ chức sản xuất cho làng nghề và sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Tới nay, làng nghề này đã phát triển với các dòng sản phẩm chủ đạo như đồ thờ, tranh trang trí, sản phẩm mỹ nghệ, tâm linh… tạo nên một diện mạo khang trang, vững chãi cho một làng nghề cổ truyền.
Nếu trước kia, Đại Bái chỉ sản xuất các đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các mặt hàng như: các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đờ thờ, tranh chạm khảm… Làng nghề hiện nay có nhiều nghệ nhân giỏi, đạt trình độ tay nghề quốc tế.
Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo đưa con người ta trở về với văn hóa truyền thống ngàn đời của người xưa. Để có thể phát triển mà không bị mai một, các thể hệ trẻ lại đang nối tiếp các thế hệ đi trước, từng bước từng bước không ngừng phát triển, không ngừng gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của người Việt xưa
(Ảnh: ĐKN.TV)
Thiên Ân