Sau nhiều ngày theo dõi, chiều 4/11, Đội Quản lý thị trường số 2 (Đồng Nai) đã bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở sản xuất rau muống bào của bà Nguyễn Thị Lê Quyên (44 tuổi, ngụ tổ 9, KP.7, P.Tân Biên, TP. Biên Hòa) và phát hiện một thau nước pha hóa chất.
Tại thời điểm kiểm tra, ở cơ sở này có khoảng 100 kg rau muống nguyên liệu, 15 kg rau muống bào thành phẩm, 1 máy bào rau muống, 1 cân đồng hồ, một bọc bột hóa chất tạo màu xanh không rõ nguồn gốc (khoảng 1 kg) cùng 3 chậu nước lớn, trong đó 1 chậu nước đang ngâm rau muống bào có hóa chất màu xanh.
Những chậu nhựa chứa hoá chất pha với nước mà cơ sở trên dùng để ngâm rau muống sau khi bào. (Ảnh: NLD)
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở khai số bột hóa chất trên được mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM) với giá 150.000/ kg, dùng để ngâm rau muống bào cho có màu xanh tươi đẹp và giữ được lâu, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ với giá 5.000 đồng/ kg. Các sản phẩm sau khi sơ chế, được đem bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số rau muống bào tại cơ sở đồng thời lấy mẫu để kiểm nghiệm mức độ nguy hại. Tối cùng ngày lực lượng chức năng đã mới chủ cơ sở lên trụ sở đội QLTT để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định.
Hóa chất màu xanh dùng để tạo màu cho rau. (Ảnh: NLD)
Được biết, đây không phải là vụ đầu tiên bị phát hiện. Trước đó vào tối ngày 15/9, Chi cục An toàn về sinh thực phẩm Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập vào cơ sở bào chế rau muống bào do bà Trần Thị My (tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) làm chủ.
Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 200 kg rau muống được bào nhỏ vứt lăn lóc giữa nền nhà dơ bẩn, nhiều chậu nước lớn chứa hóa chất màu xanh được hòa tan nhằm giúp rau muống xanh, bắt mắt.
Theo bà My, rau muống và hóa chất đều được mua ở TP HCM. Sau khi đưa vào máy bào nhỏ, rau muống được ngâm trong hai chậu lớn chứa hóa chất. Chỉ sau vài phút, hóa chất bám vào cọng rau muống tạo nên màu xanh tươi bắt mắt.
Theo đó, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300 kg rau muống bào, chở đến bán tại chợ đầu mối ở Bà Rịa.
“Giờ tuy không sử dụng nữa nhưng nếu không dùng, rau sau bào sẽ bị ngả màu đen do mủ từ cọng rau tiết ra và sau đổi sang màu vàng. Trong khi mối lái đều yêu cầu phải trắng và giữ độ tươi lâu để vận chuyển đi xa, nếu bị vàng, người tiêu dùng không mua”- ông Trần Văn Đều, một trong số 332 hộ trồng rau muống nước ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM thật thà tiết lộ với các phóng viên.
Phong Vân (TH)
Xem thêm: