Một khảo sát gần đây chỉ ra, 75% các nhà quản lý tuyển dụng coi trọng EQ của nhân viên hơn chỉ số IQ. Vì vậy, nếu muốn kiếm được một công việc tốt, bên cạnh bằng cấp chứng tỏ kiến thức, bạn còn cần học cách trở thành người có trí tuệ cảm xúc.
Peter Salovey và John D. Mayer là những nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ cảm xúc đã định nghĩa: “EQ – trí thông minh cảm xúc là khả năng nhận biết, thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác”. Khả năng này liên quan đến sự nhạy bén trong việc ra quyết định, giải quyết vấn đề và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Trí thông minh cảm xúc ngày càng được xem trọng trong sự phát triển, thăng tiến của con người. EQ không chỉ là khôn khéo, giỏi giao tiếp mà còn là sự nhạy cảm về cảm xúc, biết cách ứng xử linh hoạt các tình huống.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các nhân viên có điểm EQ cao thường được đánh giá cao hơn về hoạt động cá nhân, khả năng lãnh đạo và quản lý căng thẳng. Họ kết nối với mọi người dễ dàng và mang lại hiệu suất công việc tốt hơn. Rèn luyện trí thông minh cảm xúc là chìa khóa thăng tiến, phát triển sự nghiệp.
Tại sao nên trở thành người thông minh cảm xúc?
Chúng ta đang sống trong một thế giới đề cao sự tương tác, cá nhân nào có khả năng kết nối tốt và chiếm được cảm tình của mọi người thì sẽ thuận lợi trong công việc.
Dưới đây là 5 lợi ích trí thông minh cảm xúc ở nơi làm việc:
- Trí thông minh cảm xúc giúp đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt hơn.
- Nhân viên có EQ cao thích nghi tốt hơn dưới áp lực công việc.
- Người có EQ cao giải quyết xung đột tốt hơn.
- Các nhà lãnh đạo EQ cao có xu hướng đồng cảm với nhân viên hơn.
- Nhân viên có EQ cao có khả năng lắng nghe tốt, biết cách phản hồi bằng những lời dễ nghe, mang tính xây dựng.
Làm thế nào để thông minh hơn về cảm xúc?
Tự nhận thức cảm xúc của chính mình
Trước khi trở thành người nhạy cảm, thấu hiểu được cảm xúc của người khác, bạn cần phải hiểu và làm chủ cảm xúc của mình.
Hãy dành thời gian để nghĩ về những cảm xúc của bản thân. Khi nào bạn cảm thấy stress, lúc ấy bạn nói chuyện với mọi người như thế nào? Điều gì từ đồng nghiệp thường làm bạn không vui, bực bội? Bạn đáp trả họ ra sao và phản ứng của họ thế nào?
Khi có ý thức về cảm xúc cá nhân, bạn sẽ nhận ra cảm xúc luôn chi phối, ảnh hưởng lớn tới hành động. Hãy cố gắng đọc tên các trạng thái cảm xúc tiêu cực bạn thường mắc phải ở nơi làm việc, nhận ra điểm yếu của bản thân cho phép bạn tìm cách để đối phó với những thiếu sót.
Cảm xúc là thứ thoáng qua và có thể thay đổi nhanh chóng. Một lời kích bác sẽ dễ dàng dẫn tới những hành động gây hại nếu bạn thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc. Những quyết định bộc phát cảm tính có thể gây bất lợi cho mục tiêu và thành công lâu dài của bạn.
Người có EQ cao là người có khả năng tự điều chỉnh để thích nghi tốt với các tình huống thay đổi. Họ không phản ứng bốc đồng, biết kiểm soát bản thân và chủ động để ý đến thái độ của mọi người xung quanh trước khi ra quyết định.
Nghiên cứu tâm lý cảm xúc cũng cho thấy những người EQ cao có kỹ năng xã hội mạnh mẽ. Họ rất giỏi trong việc nhận ra những cảm xúc của người khác, phản ứng phù hợp với tình huống. Kỹ năng xã hội cũng được đánh giá cao ở nơi làm việc bởi vì chúng giúp bạn giao tiếp tốt hơn với văn hóa công ty.
Để cải thiện kỹ năng xã hội tại nơi làm việc, bạn nên rèn luyện những điều sau:
- Lắng nghe người khác nói
Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng với người nói, bên cạnh đó, kỹ năng nghe sẽ giúp bạn phản biện, đặt câu hỏi và góp ý cho đối phương tốt hơn.
- Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Các tín hiệu mà mọi người “gửi” qua ngôn ngữ cơ thể có thể truyền đạt nhiều hơn về những gì họ thực sự nghĩ.
- Trau dồi kỹ năng thuyết phục
Đây luôn là một kỹ năng rất có lợi để thúc đẩy phát triển sự nghiệp của bạn.
- Tránh xa những xung đột
Thay vì mất thời gian để ganh ghét, tị nạnh, người EQ cao sẽ chọn tránh xa “thị phi” để tập trung vào công việc. Họ không để mình vướng vào những xung đột trong văn phòng hay thói quen nói xấu sếp, đồng nghiệp giống như nhiều người khác.
- Tập đồng cảm với mọi người
Những người EQ cao rất giỏi trong việc thấu hiểu cảm xúc của người khác, nhờ sự thấu hiểu này mà họ quyết định được cách hành xử cho phù hợp. Thay vì tranh cãi, luôn cố ép người khác chấp nhận ý kiến của mình, họ học cách lý giải ý kiến của mọi người.
Dành thời gian để đứng vào vị trí của người khác, nhìn sự việc theo quan điểm của họ sẽ là “bước đệm” để tìm được điểm chung giữa những quan điểm đối lập.
- Làm việc bằng năng lượng
Những người EQ cao thường có động lực để đạt mục tiêu vì chính họ. Thay vì chỉ nghĩ đến tiền thưởng và thăng chức, họ làm việc để cải thiện khả năng bản thân và chinh phục đam mê. Đó là lý do họ phát triển tốt trong sự nghiệp của mình.
Night-fly