Mọi người đều hứng thú với những câu chuyện thành công của các nhà lãnh đạo vĩ đại.  là đại diện của những người anh hùng thực sự như thế. Họ là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai muốn thoát khỏi nghịch cảnh hiện tại mà vươn lên nhận lãnh trách nhiệm thay đổi bản thân, thay đổi chính cuộc đời của mình.

Đây là một số phẩm chất phổ biến của các nhà lãnh đạo vĩ đại.

Sự chính trực

(Dẫn ảnh: LA Times Framework )

20 năm ngồi tù là khoảng thời gian thử thách lòng kiên định của Nelson Mandela, ông từng bị đe dọa và đánh đập nhiều lần để từ bỏ mục đích của mình. Vốn là người bất mãn với chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, ông hy vọng rằng những người da đen và da trắng có thể cùng nhau sống trong một đất nước tự do và hòa hợp sắc tộc. Nhưng để làm được điều này, ông không chỉ phải thuyết phục được những người da màu rằng họ có quyền bình đẳng như thế, ông còn phải chứng tỏ được phẩm chất của mình với những người da trắng đang được coi là thượng đẳng trong xã hội Nam Phi lúc bấy giờ.

Khác với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi có công lập quốc, Mandela không hề tham quyền cố vị. Ông từ bỏ chức vụ tổng thống đầy quyền lực chỉ sau một nhiệm kỳ (1994 – 1999), với mong muốn về một châu Phi mới. Và sau khi nghỉ hưu, ông còn khiến người ta nhớ đến mình bởi những nỗ lực của ông trong công cuộc chống nạn dịch HIV/AIDS tại Nam Phi.

Lãnh đạo là sự kết hợp của các hành động quyết đoán dựa trên nền móng đạo đức. Các nhà lãnh đạo anh hùng được cộng đồng của họ tín nhiệm bởi vì họ luôn tự đặt cho mình một ranh giới giữa cái đúng và cái sai. Thậm chí đó là một chuẩn mực đạo đức cao hơn thông thường rất nhiều, ngay cả khi nó có thể là điều rất khó khăn.

Sự ân cần

(Dẫn ảnh: Passo a rezar)

Không phải ngẫu nhiên mà nữ tu Teresa có danh xưng là “Mẹ”. Người ta gọi bà với cái tên trìu mến đó, bởi vì bà đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho những tù nhân, quan tâm tới những đứa trẻ nghèo, và giúp đỡ nhiều số phận bất hạnh khác.

Thế giới có thể nhắc về Mẹ Teresa như một phụ nữ vĩ đại với nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Nobel Hòa bình. Nhưng điều khiến bà vĩ đại hơn cả đó là sự giản dị và tấm lòng nhân ái. Bà đã sống một cuộc đời nghèo khó, vì như bà nói rằng phải sống giữa người nghèo, nếm trải sự đói khổ cùng họ mới có thể thấu hiểu, và từ đó, mới có thể giúp xoa dịu nỗi đau của họ.

Những nhà lãnh đạo vĩ đại luôn phải là những người ân cần nhất, họ hy sinh cả cuộc đời của mình để thay đổi thế giới. Trái tim của họ lan truyền những thông điệp yêu thương trong một cộng đồng đôi khi còn sự vô cảm. Nhưng cuối cùng tình yêu thương đó, sự ân cần đó lại khiến người ta cảm động mà chấp nhận vứt bỏ tính vị kỷ của mình để ủng hộ cho một người mà họ không hề quen biết.

Sự nhẫn nại

(Dẫn ảnh: Getty Images)

Người làm việc lớn thì khó khăn đến với họ cũng rất lớn. Ngôi nhà của Martin Luther King từng bị hủy hoại bởi những kẻ xấu xa. Những người thân của ông bị đe dọa, quấy rối và bắt giam. Trong suốt thời gian lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da màu tại Mỹ, ông luôn phải sống trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện những cuộc tuần hành, những bài phát biểu.

Trong một tác phẩm của mình ông đã viết: “Nếu bạn không thể bay, thì hãy chạy. Nếu bạn không thể chạy, thì hãy đi. Nếu bạn không thể đi, thì hãy bò. nhưng dù làm gì đi nữa, bạn vẫn phải tiến về phía trước”. Và câu nói này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau ông, nhẫn nại hứng chịu mọi thử thách, trong quá trình đòi quyền bình đẳng cho người da màu khắp thế giới.

Lòng can đảm

(Dẫn ảnh: lifehack.org)

Năm 1955, một người phụ nữ da màu bị tạm giam tại Mỹ, chỉ vì bà cương quyết từ chối nhường ghế trên xe bus cho một người đàn ông da trắng. Người phụ nữ đó chính là Rosa Lee Parks, sau này bà được Quốc hội Hoa Kỳ xưng tụng là “người phụ nữ đầu tiên của quyền công dân” và “mẹ của phong trào tự do”.  Dù bị bắt giam, những hành động can đảm của bà đã dẫn đến cuộc tẩy chay “phân chia chỗ ngồi theo màu da” trên xe bus bởi những hành khách người Mỹ gốc Phi.

Các nhà lãnh đạo luôn giữ cho mình một nhiệt tâm hành động để đạt được mục tiêu, bất kể những trở lực có thể khiến họ mất tất cả. Họ luôn thể hiện sự tự tin dưới áp lực và đủ dũng cảm chấp nhận những rủi ro, trong khi những người khác tìm cách né tránh đối mặt.

Đam mê

(Dẫn ảnh: lifehack.org)

Nếu ai đó nói rằng, chiến tranh là cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn, thì Mohandas Gandhi lại theo đuổi triết lý ngược lại – “bất bạo động”. Nhà lãnh đạo chính trị này đã dẫn dắt ý thức hệ của người dân Ấn Độ trong phong trào đòi độc lập từ tay Anh Quốc. Vì niềm đam mê và sự tin tưởng vào triết lý của mình, ông đã đứng đầu cuộc kháng nghị việc áp đặt thuế muối của người cầm quyền. Chính điều này đã khiến ông bị bắt giam nhiều lần, nhưng cũng vì thế mà ông được cả thế giới ngả mũ kính phục như một hình mẫu cho các nhà lãnh đạo vĩ đại.

Nếu không có một niềm đam mê mãnh liệt, nhà lãnh đạo sẽ lan tỏa được điều gì cho cộng đồng mà mình lãnh đạo. Và thực tế đã chứng minh, niềm đam mê của Gandhi không chỉ lan truyền trong tâm thức của nhân dân Ấn Độ. Martin Luther King đã áp dụng thành công phương pháp bất bạo động của ông trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen. … Martin Luther King cho rằng: “Bất bạo động không chỉ tránh tư tưởng bạo lực bên ngoài (cơ thể) mà còn tránh bạo lực bên trong (tinh thần) nữa”.

 Anh Lân