Là hai quốc gia có hiệu suất làm việc cao nhất thế giới, tuy nhiên văn hóa công sở ở Nhật Bản và Mỹ lại có rất nhiều điểm khác biệt.

Người Mỹ đề cao làm việc độc lập trong khi người Nhật tập trung vào đội nhóm

Nhìn chung người Mỹ là những người có khả năng làm việc độc lập rất cao. Nếu được giao làm một công việc nào đó theo nhóm, họ họp nhau lại, phân công công việc cụ thể cho từng người, khi dự án hoàn thành, mỗi một cá nhân lại trở về công việc của mình, không hề phụ thuộc vào nhau. Tất nhiên, trong quan hệ công việc giữa cấp trên và cấp dưới vẫn luôn có một ranh giới rõ ràng. Mỗi nhân viên đều có một chức vụ, vị trí nhất định, và họ vẫn cần phải bàn bạc, thống nhất với những người lãnh đạo trước khi thực hiện nhưng các công ty Mỹ luôn luôn đề cao năng lực làm việc độc lập của mỗi cá nhân.

Các công ty Mỹ luôn luôn đề cao năng lực làm việc độc lập của mỗi cá nhân. (Ảnh: Office Design)

Trong khi đó, một nhân viên Nhật luôn luôn phải thông báo cho cấp trên của họ về những gì họ làm. Mọi quyết định, dù lớn hay nhỏ đều phải đi qua một chuỗi những mệnh lệnh và nhận được sự chấp thuận từ sếp của họ. Các nhân viên luôn phải báo cáo ngay lập tức bất kỳ vấn đề nào với ông chủ của họ trước khi tự làm bất cứ điều gì. Rất nhiều công ty Nhật Bản tuân thủ theo một câu thần chú gọi là ho-ren-so. Horenso là phương pháp quản lý kết hợp các âm tiết đầu của 3 động từ: Houkoku (báo cáo), renraku (liên lạc), soudan (trao đổi, tham khảo ý kiến).

Ngoài ra, các nhân viên Mỹ thường ăn mặc khá thoải mái ở văn phòng trong khi các nhân viên Nhật thường mặc đồng phục.

Người Mỹ thường xuyên thay đổi công việc trong khi người Nhật có xu hướng cống hiến cả đời cho công ty

Một người lao động bình thường ở Mỹ có thể thay đổi công việc của mình tới 30 lần trong đời mà không một ai có thể thắc mắc. Tuy nhiên, họ thông thường không chuyển ngành mà vẫn lựa chọn lĩnh vực mình đã có kinh nghiệm. Theo quan điểm của người Mỹ, nếu đã chuyên về ngành nào thì cứ “đào sâu” kiến thức trong lĩnh vực đó. Kiến thức chuyên ngành hẹp càng sâu càng có giá trị. Ở Mỹ, việc nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác ít xảy ra, dù vẫn có, bởi chi phí đầu tư vào một lĩnh vực nghề nghiệp mới (training) rất cao; nếu không cẩn thận, người lao động có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”.

Một nhân viên Nhật luôn luôn phải thông báo cho cấp trên của họ về những gì họ làm. (Ảnh: anarchak)

Ở Nhật, dù là công nhân “cổ trắng” hay “cổ xanh”, dù tốt nghiệp trung học hay đại học, dù làm việc cho ngân hàng hay nhà máy, gần như tất cả người lao động Nhật Bản đều chọn 1 cơ quan để gắn bó đến khi nghỉ hưu. Họ thường làm việc trọn đời cho một công ty và xem công việc như một cuộc hôn nhân trọn đời. Mặc dù phong cách làm việc này đang dần thay đổi theo thời gian nhưng đây vẫn là một văn hóa đặc trưng của người Nhật.

Người Mỹ thường không chấp nhận các mối quan hệ thân quyến trong công ty trong khi người Nhật thường lập công ty gia đình

Tại đa số công ty Mỹ, người ta không nhận các ứng viên đã từng có người thân làm việc tại đó từ trước, cho dù mối quan hệ không phải là máu mủ ruột rà. Có những công ty trước khi nhận nhân viên vào làm việc buộc nhân viên phải cam đoan không được kết hôn với người cùng công ty hoặc cùng hệ thống công ty, và nếu lỡ may có ai đó “phải lòng” nhau và quyết định đi đến hôn nhân, giải pháp tốt nhất đối với những người này có lẽ là tìm một công việc khác.

Các nhân viên Nhật rất chăm chỉ làm việc. Họ thường làm việc quá sức và không có đủ thời gian nghỉ ngơi. (Ảnh: news.zing)

Trong khi đó, đa số doanh nghiệp Nhật Bản là các công ty gia đình, trong đó những công ty mang tên dòng họ như hãng sản xuất ô tô Toyota và Suzuki, tập đoàn Canon và công ty sản xuất xì dầu Kikkoman. Theo đó, chủ sở hữu của các công ty gia đình Nhật Bản thường trao lại toàn bộ doanh nghiệp cho người con trai cả của họ. Trong trường hợp người chủ sở hữu doanh nghiệp không tin tưởng trao ngai vàng cho thế hệ sau hoặc không có con trai nối dõi thì họ có thể tìm người thay thế bằng cách nhận con trai nuôi, và người này thường là con rể trong gia đình.

Các công ty Mỹ thường quan tâm đến kết quả công việc hơn là hình thức. (Ảnh: Ofiprix)

Mặc dù có nhiều điểm khác biệt nhưng có một điểm chung giữa văn hóa làm việc ở cả Nhật và Mỹ là nhân viên phải làm việc thời gian dài và không có nhiều kỳ nghỉ so với các nước phát triển khác. 

Nhật Bản nổi tiếng với thời gian làm việc dài. Thậm chí nó còn thành một hiện tượng ở đất nước mà mọi người đã chết vì làm việc quá nhiều. Nó được gọi là karoshi, tức là “cái chết do làm việc quá sức”. Theo một khảo sát của Expedia, người lao động Nhật Bản chỉ sử dụng một nửa số ngày nghỉ phép của họ. Thậm chí nhiều người nói rằng họ cảm thấy tội lỗi mỗi khi nghỉ ngơi. Trong khi đó, theo báo cáo năm 2017 của Glassdoor, trung bình nhân viên ở Mỹ chỉ nghỉ một nửa thời gian họ được nghỉ phép hay nghỉ hè. Có đến hơn 60% số người được phỏng vấn nói rằng họ vẫn làm việc trong các kỳ nghỉ.

Hiểu Minh