Cùng với xe bus 2 tầng, hòm thư màu đỏ, những chiếc taxi đen (Black Cab) đã góp phần tạo nên một London ấn tượng và đặc trưng hiếm có khó tìm, không chỉ với du khách mà còn đặc biệt với cả những người dân bản địa.
Lịch sử của những chiếc taxi đen
Dịch vị taxi đầu tiên ở Anh bắt đầu từ thế kỷ 17 với những chiếc xe ngựa kéo hai bánh và đượcThủ tướng Anh khi đó là Benjamin Disraeli gọi với cái tên rất lãng mạn là “gondolas của London”.
Hơn 200 năm sau, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp, chiếc taxi chạy bằng động cơ điện đầu tiên xuất hiện trên đường phố London, với tên gọi Berseys. Thế nhưng, vì tiếng kêu quá lớn, người ta đã đặt cho chúng biệt danh là “Humming Birds” (những chú chim ồn ào). Ngoài ra, sau khi gây ra khá nhiều vụ tai nạn, Berseys khiến lòng tin của công chúng dành cho những chiếc taxi điện không còn nữa. Cuối cùng, đến năm 1900, nó gần như bị người dân kì thị.
Năm 1903, những chiếc xe taxi quay trở lại với động cơ chạy bằng xăng. Hàng loạt mẫu xe được giới thiệu như Rational, Simplex, Herald… tuy nhiên, chúng đều không gây được ấn tượng nhiều. Phải đến tận năm 1906, khi công ty Genral Cab giới thiệu 500 xe taxi hiệu Renault thì mới tạo ra được một “cuộc cách mạng” dành cho ngành taxi tại London. Đến năm 1907, đồng hồ đo Taximeter được bắt buộc sử dụng. Đó cũng là thời điểm và lí do để những chiếc taxi chính thức được mang tên là “taxi”.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau taxi London lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng khi thế chiến thứ 2 bùng nổ vào năm 1939 và mãi đến sau này, khi chiến tranh kết thúc, những chiếc taxi mới tìm được chỗ đứng cho mình. Đến ngày nay, London được đánh giá là thành phố có dịch vụ taxi tốt nhất thế giới, trong đó 59% số khách du lịch trên khắp thế giới (chiếm tỷ lệ cao nhất) bình chọn những chiếc taxi đen ở London xứng đáng là taxi của thế giới.
Có lẽ vì đã cùng thành phố trải qua biết bao thăng trầm và biến cố lịch sử nên những chiếc taxi đen truyền thống luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng những người London cũng như những ai ghé thăm thành phố này. Đó không còn là một loại dịch vụ, một phương tiện di chuyển mà đã trở thành một chứng nhân lịch sử, một biểu tượng văn hóa đặc biệt.
Những người tài xế hiểu biết nhất thế giới
Khác với ở Việt Nam, bạn chỉ cần một bằng lái xe hơi và là nhân viên của một hãng taxi, bạn đã đủ điều kiện trở thành một tài xế taxi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để có thể trở thành một tài xế taxi ở London, mọi việc hoàn toàn không hề đơn giản. Người ta thậm chí còn nói trở thành tài xế taxi ở London còn khó khăn hơn cả thi đại học.
Điều quan trọng nhất để có thể trở thành một tài xế taxi London đó là “The Knowledge” (kiến thức). Nếu muốn trở thành một tài xế taxi chuyên nghiệp và rong ruổi trên những chiếc Black Cab khắp phố phường của London, một người thông thường phải mất từ 2 – 4 năm để học thuộc và nắm vững 320 tuyến đường ở London trong bán kính 6 dặm tính từ Charing Cross – tâm điểm của London (tương đương với 25.000 tên phố và 20.000 tên các tòa nhà, văn phòng, sở cảnh sát, nhà thờ, giáo đường, tiệm làm tóc…).
Các tài xế phải trải qua một bài kiểm tra bao gồm các kiến thức giao thông, nhận diện các con đường và tính quãng đường ngắn nhất để đi từ điểm A đến điểm B và phần thi vấn đáp cũng căng thẳng không kém. Chỉ những ai vượt qua bài thi này mới được cấp thẻ xanh, còn có một loại thẻ khác là thẻ vàng dành cho một phạm vi nhỏ hơn dành cho vùng phụ cận của London, và không được vào khu vực của những tài xế thẻ xanh.
Chính bởi lẽ đó, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, các tài xế taxi London chính là những bách khoa toàn thư di động – bản đồ sống về London. Họ thậm chí còn nhanh nhạy và thông thao hơn cả hệ thống GPS. Vậy nên, nếu muốn di chuyển trong khu vực London, dù ở bất cứ đâu, bạn chỉ cần vẫy xe và bảo với tài xế nơi bạn cần đến, ngay lập tức họ sẽ biết sẽ phải đưa bạn đi đâu mà không tốn đến 1s để tìm đường.
Không chỉ là dịch vụ mà còn là văn hóa
Paul Walsh, một tài xế taxi lâu năm ở London chia sẻ: “Ở London, lái taxi là một sứ mệnh. Đó là một cách sống”. Ông cho biết ở các thành phố khác, nhóm dân nhập cư muộn nhất thường chọn nghề lái taxi. Song ở London thì không. Ông Walsh giải thích: “Đầu tiên, bạn phải đầu tư vài năm cho việc học. Rồi bạn đầu tư 45.000 bảng (khoảng 58.000 USD) vào chiếc taxi của mình”.
Nói về con đường gian nan để có được phù hiệu tài xế taxi, ông Walsh kể lại: Sáu ngày trong tuần, ông phải đi loanh quanh London trên một chiếc xe máy để ghi nhớ tầm 2.000 dặm đường. Ông có 20 phút để thi vấn đáp với những giám khảo “đáng sợ”. Họ hỏi ông về những cung đường xa xôi hẻo lánh nhất. Ban đêm, ông lại nằm mơ về London và tỉnh dậy ướt đẫm mồ hôi. “Bạn sống và thở với bài thi. Nó chiếm lĩnh não bộ của bạn”, ông mô tả.
Ông nhận được phù hiệu vào ngày 10/10/1994, trong khi 70% những người tham gia kỳ sát hạch phải bỏ cuộc. Đó là một ngày thứ năm, và nó ý nghĩa chẳng khác nào ngày bạn nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Ông đã mất gần 3 năm học tập không ngừng nghỉ (ít hơn 1 năm so với mặt bằng chung) và đến giờ, việc đó vẫn khiến ông tự hào như thuở ban đầu. Đối với ông, 3 năm đó hoàn toàn xứng đáng, bởi đó không chỉ là một tấm vé thông hành cho một công việc mà còn là sứ mệnh lưu giữ một văn hóa.
London không có taxi đen cũng giống như London không có tháp đồng hồ Big Ben.
(Paul Walsh)
Hiểu Minh