Trong ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, như bao người con khác, một bé trai 9 tuổi ở vùng Đông Nam Trung Quốc cố hết sức để làm vui lòng mẹ. Thế nhưng buồn thay, đáp lại những cố gắng của em lại là sự vô tâm của mẹ vì bà còn đang bận làm bạn với chiếc điện thoại của mình.
Câu chuyện dưới đây lần đầu tiên được biết đến khi nó trở thành chủ đề bài luận tại một trường trung học Trung Quốc. Sau đó, câu chuyện đã tiếp tục lan rộng trên mạng xã hội nước này và nhận được sự đồng cảm với hàng nghìn lượt bình luận từ cư dân mạng.
Cậu bé viết trong nhật ký của mình như sau: “Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ, mình muốn cảm ơn những vất vả mà mẹ đã trải qua và mình cũng muốn làm gì đó cho mẹ nữa. Đầu tiên mình kể cho mẹ nghe một câu chuyện, nhưng mẹ có vẻ không thích nghe mà cứ mãi nhìn vào điện thoại. Mình bắt đầu thấy hơi thất vọng. Rồi mình nghĩ hẳn là mẹ sẽ vui nếu mình gửi lời chúc 8 tháng 3 đến mẹ.
Mình gửi lời chúc đến mẹ, nhưng mẹ vẫn chỉ nhìn mãi vào điện thoại, khiến mình cảm thấy còn buồn hơn. Mình nghĩ cách này cũng chưa được. Vậy thì mình sẽ đấm lưng cho mẹ vậy. Thế là, mình cố hết sức đấm lưng cho mẹ, nhưng mẹ vẫn chỉ chú ý vào điện thoại, thậm chí còn không thèm cười với mình. Mình buồn lắm, nên đã quyết định sẽ thử rửa chân cho mẹ.
Chỉ khi mình bắt đầu rửa chân cho mẹ, mẹ mới ngưng nhìn vào điện thoại. Mình cảm thấy mừng và nói với mẹ rằng sẽ cố hết sức làm thật tốt. Mình hy vọng sẽ được mẹ khen khi làm xong, nhưng bằng một giọng nghiêm túc, mẹ bảo: ‘Con rửa chân cho mẹ hôm nay, mẹ rất vui, nhưng đáng ra khi làm con phải cố gắng hơn nữa chứ.’
Mình ngây người nhìn mẹ bước ra khỏi phòng. ‘Mau, đi viết nhật ký của con đi!’, mẹ nói, trước khi đóng sập cửa lại. Và mình đã trải qua ngày Quốc tế Phụ nữ đáng quên như thế đó.”
Câu chuyện đăng trên mạng xã hội Sina Weibo thu hút hơn 9 triệu lượt xem chỉ trong chưa đầy một ngày, theo thông tin từ tờ Thái Châu Vãn Báo tỉnh Chiết Giang, quê nhà cậu bé và gia đình.
Gần như tất cả mọi người Trung Quốc đều sở hữu một chiếc điện thoại di động, và rõ ràng là nước này đang bước vào giai đoạn đáng buồn của “kỷ nguyên điện thoại thông minh” giống như mọi quốc gia phương Tây khác.
“Khi đọc nhật ký của con trai, tôi và chồng đã nhìn nhau rồi phá ra cười, nhưng ngay lập tức tôi cảm thấy rất xấu hổ,” mẹ cậu bé, cô Triệu, tâm sự trong cuộc phỏng vấn với Thái Châu Vãn Báo. Cô thừa nhận rằng mình cùng chồng rất thường chơi game hoặc xem tin tức trên điện thoại, và đôi khi cô có tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi con trai nhờ xem giúp bài tập về nhà.
“Tôi không hề biết hành vi của mình sẽ gây nên tác động lớn đến sự phát triển của cháu“, cô Triệu chia sẻ. Cô quyết định sẽ bớt dùng điện thoại và dành thời gian ở bên con nhiều hơn.
Các cư dân mạng cũng bình luận về nhật ký “dễ thương nhưng đau lòng” của bé trai 9 tuổi. Họ tỏ ra thông cảm với cậu bé: “Thằng bé hẳn là cảm thấy đau lòng. Nó sẽ nghĩ cha mẹ mình yêu cái điện thoại hơn là thương nó.”
Theo tờ Thái Châu Văn Báo, trong một cuộc điều tra xã hội với những học sinh cùng trường với cậu bé kể trên, có tới 70% trường hợp được phỏng vấn cho biết cha mẹ các em cũng mắc chứng nghiện điện thoại thông minh tương tự.
“Ba mẹ em lúc nào cũng nhìn vào điện thoại, cả lúc ăn cơm, lúc em làm bài tập, cả lúc nằm trên giường trước khi đi ngủ cũng thế,” một học sinh nói. Nhìn thấy cha mẹ chơi điện thoại trong suốt thời gian đó khiến cho học sinh này không thể tập trung làm bài tập và chỉ muốn làm qua quýt để cũng được cùng chơi với cha mẹ mình.
Một em học sinh lớp một giận dỗi phát biểu: “Em nghĩ mẹ yêu điện thoại hơn là thương em, mẹ quan tâm đến nó lắm.” Cô bé kể có lúc mẹ bé thậm chí không thèm phản ứng khi em khóc vì chỉ mãi nhìn vào điện thoại.
Không riêng trẻ em, người lớn cũng dễ cảm thấy buồn khi người đối diện sử dụng điện thoại quá nhiều:
“Tôi hiểu được cảm giác của cậu bé. Có lần tôi đi uống nước với cô bạn gái. Ấy vậy mà bạn tôi trông cứ mãi như là đang nhắn tin cho ai đó, ngay cả khi tôi đang tỏ tình với cô ấy. Điều đó giết chết tâm trạng của tôi và chúng tôi dần dần trở nên xa cách. Mỗi khi nhớ tới sự lạnh lùng của cô ấy, tôi có cảm giác không phải mình đang bầu bạn với cô ấy, mà là những biểu tượng cảm xúc trên điện thoại kia. Nghĩ lại vẫn còn không thoải mái.”
“Tôi không hiểu“, một bình luận khác nói. “Những bậc cha mẹ này không bao giờ nghĩ hành vi của họ sẽ tác động lớn đến con trẻ, chẳng phải họ cũng có tuổi thơ sao? Họ đã quên cảm giác khi là một đứa trẻ như thế nào sao? Tôi thì vẫn còn nhớ rõ.”
Julliet Song, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mạnh Quân biên dịch
Xem thêm: