Khi còn bé, tôi thường chú ý đến những cái tên rất kêu của khoa học như “Năng lượng tối”, “phản vật chất”, “Vụ nổ lớn”. Và tôi cũng đặc biệt quan tâm tới một danh từ nghe khá hấp dẫn –  “Hố đen vũ trụ”. Người ta thường nói rằng, chẳng có gì có thể thoát ra khỏi sự tham ăn của Hố đen vũ trụ. Nếu vượt qua giới hạn của “đường chân trời sự kiện”, bạn chẳng còn cách nào khác là mắc kẹt ở trong đó vĩnh viễn.

Nhưng Hawking có một cách lý giải khác. Ông từng có một bài giảng ở Viện Hoàng gia tại London. Ở phần cuối cùng của bài thuyết giảng, ông đi đến kết luận rằng, hố đen cũng giống như sự chán nản và tuyệt vọng của con người. Dù thế nào đi nữa, luôn có lối thoát cho bạn.

Hố đen vũ trụ hút cả ánh sáng vào tâm của nó (Ảnh: soha.vn)

Stephen Hawkin chia sẻ: “Qua bài giảng này, tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp là, hố đen vốn không đen như người ta tô vẽ. Nó không vĩnh viễn là một nhà tù như người ta vẫn nghĩ. Người ta có thể thoát ra khỏi hố đen để ra ngoài và có thể là sang một vũ trụ khác. Vậy nên nếu bạn cảm thấy rằng mình đang ở trong một hố đen thì đừng bỏ cuộc; luôn có một lối ra.”

Cách tốt nhất để thoát khỏi bế tắc là đương đầu với nó bằng tất cả sức lực

Stephen Hawking đã qua đời vào ngày 14/03 ở tuổi 76. (Ảnh: genk.vn)

Trong suốt cuộc đời của mình, ông chắc chắn có nhiều lần muốn bỏ cuộc. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn có một thân thể tàn tạ như thế, một cuộc đời vĩnh viễn ngồi trên xe lăn như thế, liệu bạn còn hứng thú với vẻ đẹp của bầu trời phía trên đầu để tìm kiếm những lời giải của vũ trụ? Cũng như vậy, biết bao người khi rơi vào bế tắc của cuộc sống, họ muốn buông xuôi tất cả, thậm chí là tìm đến cái chết và coi đó như là một sự giải thoát.

Nhưng không, không có một sự giải thoát nào chắc chắn hơn việc bạn phải đương đầu với nó. Người ta có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về tất cả mọi người và tất cả mọi thứ, giống như việc bạn bị giam trong một hố đen u tối mà chẳng thể nhìn thấy một tia sáng nào từ thế giới bên ngoài. Bạn không thể nhìn thấy chúng, nhưng chúng vẫn luôn ở đó và chờ đợi bạn.

Hawking bên cạnh vợ mình. (Ảnh: news.zing)

“Nói chung, tôi thấy rằng mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ, nhưng bạn nên cho họ thấy rằng sự giúp đỡ của họ là hữu ích bằng cách gắng sức làm mọi việc tốt nhất có thể”. Đó chính là cách mà ông đã sống. Mọi người xung quanh ông đều nhận thấy sự nỗ lực phi thường từ một con người tàn tật, luôn cố gắng làm mọi việc mà mình có thể, và tỏ ra chủ động trước mọi tình huống. Bởi vì ông biết rằng, đó là cách tốt nhất để hồi đáp lại những gì mà thế giới đã dành tặng cho ông.

Quay trở lại với chính bản thân mình, đã bao lần bạn nỗ lực hết sức để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, đã bao giờ bạn chấp nhận vứt bỏ cái tâm thái oán giận và bất lực với nghịch cảnh để vươn lên đánh bại chính nó. Mỗi khi nghĩ đến điều này, tôi lại nhớ đến hình ảnh của chính mình sau khi thi trượt đại học, khi mà cả thế giới như đổ sụp ngay trước mắt, gần như chẳng nhìn thấy đâu là lối thoát.

Và rồi tôi cũng đã vượt qua bằng cách chấp nhận vứt bỏ những quan niệm cố hữu về một ngôi trường phải thật danh giá và nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Thật bất ngờ là cha mẹ và người thân đều ủng hộ khi tôi thay đổi quyết định của mình, từ mong muốn trở thành một bác sĩ, giờ đây tôi lại nỗ lực trong một lĩnh vực mới – Kinh Tế. Khi nhìn lại những khó khăn ấy, tôi thấy những điều đó thật vô cùng nhỏ bé, chỉ cần vươn tay ra, một khoảng trời rộng lớn vẫn đang chờ đợi tôi khám phá.

Đổ lỗi cho người khác chính là cách tốt nhất để thất bại

(Ảnh: spiderum.com)

Người ta thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực vì những gì mình gặp phải, nhưng Hawking đã chỉ ra rằng, bạn không nên vin vào những lý do nào khác để đổ lỗi cho những bế tắc của chính mình:Nếu bạn bị khuyết tật, đó có thể không phải là lỗi của bạn, nhưng đổ lỗi cho thế giới và kỳ vọng họ thương hại bạn thì cũng không có tác dụng gì”.

Hãy nhìn lại chính chúng ta, mỗi khi bế tắc trong cuộc sống, chúng ta đổ lỗi cho môi trường, đồng nghiệp và bạn bè xung quanh. Tốt thôi nếu nó không phải là lỗi của bạn, nhưng dù thế nào đi nữa, đổ lỗi cho người khác vì những điều mình không mong muốn chỉ giúp bạn bớt tổn thương trong chốc lát mà thôi, khó khăn vẫn luôn còn đó. Và đây cũng là cách nhanh nhất đưa chúng ta đến gần hơn trung tâm của hố đen bế tắc.

Cách tốt nhất để vượt qua nó là: Chúng ta nên giữ một thái độ tích cực và làm tốt nhất trong khả năng của mình. Nếu ai đó bị khiếm khuyết về thể chất thì càng không nên để cho tâm hồn của mình bị khuyết tật theo. Theo tôi, người đó có thể tập trung vào các công việc hay hoạt động nào đó mà nó không chịu ảnh hưởng của những khiếm khuyết trên cơ thể.”

Người ta thường nói về Tư duy tích cực, nhưng cách hiểu tốt nhất theo tôi thấy, chính là cách mà Hawking đang gửi gắm cho chúng ta. Ông xem xét tất cả những phương án, và chấp nhận những khuyết thiếu của cơ thể. Mục tiêu của ông không phải là thay đổi thực tại, mà là thay đổi lựa chọn của mình.

Người duy nhất cho phép bạn mắc kẹt Hố đen bế tắc chính là bạn

Hãy để tâm trí bạn thoát khỏi những phiền muộn. (Ảnh: giau.co)

Hawking từng mắc kẹt với chính lý thuyết của mình trong 29 năm, nhưng ông đã sớm nhận ra người duy nhất cho phép nó mắc kẹt trong tâm trí ông chính là bản thân mình: “Chẳng ích gì bực tức nếu bạn đang mắc kẹt. Điều mà tôi sẽ làm là tiếp tục nghĩ về vấn đề đó nhưng giải quyết những thứ khác. Đôi khi phải mất hàng năm trời trước khi tôi nhận ra được vấn đề. Trong trường hợp về cái hố đen, nó đã tốn của tôi 29 năm.

Và chúng ta đôi khi cũng có những suy nghĩ tương tự. Khi cảm thấy công việc quá mệt mỏi, cuộc sống gia đình quá căng thằng và bạn chẳng có cách nào thoát ra khỏi mớ bòng bong mang tên trách nhiệm, cách tốt nhất là tiếp tục nhẫn nại tìm kiếm câu trả lời cho mình. Tuy nhiên, đừng than thở quá nhiều về nó, đó chính là cách mà bạn đang tự hành hạ mình. Người ta không mệt mỏi vì bản thân đang nằm trong hoàn cảnh bế tắc. Người ta mệt mỏi vì tâm trí mình luôn tập trung vào sự bế tắc. Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đừng bao giờ từ bỏ.

Nguyên Trực