Tôi thường thấy một số người hay than phiền “Tôi đã làm ở công ty này nhiều năm, tại sao tôi vẫn cứ phải làm những việc vặt vãnh này?”. Vậy tôi xin kể cho bạn một câu chuyện. 

Ngày trước tôi có biết một cô bạn đã xin thôi việc vì cảm thấy “bất công”. Cô ấy cùng một đồng nghiệp khác vào công ty cùng một thời điểm, nhưng sau 2 năm, đồng nghiệp của cô được lên làm thư ký tổng giám đốc, nhưng cô thì vẫn mãi dừng chân ở vị trí lễ tân. 

Một ngày, sau khi nhận được cuộc điện thoại của sếp, nhờ cô đặt xe đưa đón một vị đối tác lâu năm của công ty, cô ấy đã không chịu nổi nữa mà vào phòng sếp xin nghỉ. Cô nói: 

“Thưa sếp, tôi không thể chịu nổi công việc này nữa. Anh xem, tôi và Quỳnh (đồng nghiệp của cô) vào công ty cùng thời điểm, chúng tôi học vấn không khác nhau, làm công việc cũng như nhau. Vậy tại sao cô ấy được trọng dụng, còn tôi thì suốt ngày phải làm những việc cỏn con như vậy? Tôi thấy mình không được tôn trọng, tôi cũng không thấy có cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Bởi vậy tôi muốn tìm một công việc tốt hơn, tôi xin nghỉ từ hôm nay!”. 

Sếp nghe vậy, thấy cũng hơi bất ngờ. Nhưng với kinh nghiệm từng đào tạo rất nhiều nhân sự, ông cũng biết được tính cách nhân viên của mình. Ông mỉm cười nói cô chờ chút. Nói rồi ông gọi Quỳnh vào và nhờ cô đặt xe đi đón khách. 

Khi bước vào, Quỳnh rất vui vẻ, nhanh nhẹn gật đầu. Cô hỏi kỹ giờ giấc và địa điểm đón khách: “Vâng, nhưng đó là giờ tắc đường, tôi sẽ dặn lái xe đi sớm 30 phút, tránh để khách phải chờ”. 

Sau đó cô nói thêm: 

“Anh có cần tôi đặt chỗ ăn tối cho 2 người không? Lần trước trong buổi tiệc gala cuối năm, tôi nhớ vị khách này rất thích ăn món lẩu thái chua cay. Tôi có biết một quán ăn rất ngon gần công ty, vừa tiện cho anh vừa tiện cho khách”. 

Người sếp mỉm cười nói: “Không sao, chúng tôi có thể tự lo được”. 

“Vâng, vậy nếu anh cần gì cứ nhắn tôi nhé!”, Quỳnh nhanh nhảu đáp.

Lúc ấy, cô bạn tôi đứng đó sững sờ, bình thường khi sếp nhờ việc gì, cô ấy chỉ hoàn thành xong việc, vì sao Quỳnh có thể để ý đến những chi tiết như đi sớm tránh tắc đường hay khẩu vị của vị khách kia? 

∗∗∗

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người quá bận rộn, thường chỉ quan tâm đến những việc lớn, mong muốn thành tựu bản thân nhưng lại bỏ qua những chi tiết nhỏ. 

Chúng ta thường hỏi “Việc này có đáng không?”, đối với những vấn đề nhỏ thì bỏ qua hoặc làm một cách qua loa đại khái. Trên thực tế, điều này giống như bạn muốn vận hành tốt một cỗ máy phức tạp, nhưng lại không muốn vặn từng con ốc vít nhỏ. Vì “khởi hành cỗ máy” có vẻ lớn và đáng để làm hơn là “vặn những con ốc” tẻ nhạt.

Cũng giống như một học sinh muốn đỗ đại học nhưng lại không muốn làm tốt từng bài kiểm tra 15 phút vì cho rằng như vậy “không đáng”. Hay một người muốn leo núi nhưng lại chê bai cách này quá khó, cách kia quá tốn thời gian mà không chăm chỉ cần mẫn bước từng bước đến mục tiêu của mình. 

Đúng vậy, làm những việc nhỏ có vẻ không đáng, có vẻ nhàm chán nhưng nó lại là một bài thử thách về ý chí với con người. Nếu không làm việc chăm chỉ, nỗ lực, kiên trì khắc phục khó khăn thì sao người ta có thể chạm đến ước mơ? Cần có sự tẻ nhạt để xây dựng sự hoàn thiện, cần có dũng khí làm những việc nhỏ mới có thể có thành tựu điều lớn lao hơn. 

Người xưa có câu “Dục tốc bất đạt”. Chúng ta không nên ôm giữ thái độ “vội vàng”, muốn thành công ngay. Làm thật tốt từng bước nhỏ, để mắt tới tiểu tiết sẽ không khiến bạn kém cỏi hơn so với người khác, mà trái lại, hình thành thói quen làm việc tập trung, đặt tâm, có trách nhiệm, hướng tới sự hoàn thiện. 

Khi đã làm thật tốt những điều nhỏ, bạn sẽ thấy mình tự nhiên có thể thành tựu những điều lớn hơn. Bởi vì khi ấy, bạn đã đủ cơ sở để “tăng tốc”, lúc đó, con đường “về đích” sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Video xem thêm: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__