Kể từ sau “Thứ Ba đen tối” dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall vào 10/1929, toàn nước Mỹ đã bắt đầu chao đảo. Cái đói và nghèo lan tràn khắp mọi nơi, đẩy nhiều người dân vào cuộc sống cơ cực, bần hàn.
Vào những năm 1930 của thế kỷ trước, khi cuộc sống ngày một trở nên túng thiếu, nhiều phụ nữ phải tận dụng bao tải hàng hóa để may quần áo cho con em mình. Biết được điều này, các nhà sản xuất đã thay thế loại bao bì thô kệch trước kia bằng các loại vải cotton có in hoa văn vào năm 1939. Nhờ đó, những người phụ nữ cần kiệm có thể tái sử dụng để làm các vật dụng trong gia đình, như khăn ăn, tã lót, túi sách, vỏ gối, rèm cửa, và cả quần áo. Bao tải cũng trở nên phổ biến và được chào đón ở khắp mọi nơi.
Trang phục từ bao tải dần dần trở thành một xu hướng trong xã hội. Để cạnh tranh và thu hút khách hàng, các nhà sản xuất cũng thiết kế nhiều loại hoa văn và màu sắc bắt mắt hơn. Một số loại hoa văn là dành cho may váy áo hoặc tạp dề, một số loại khác được in màu đặc biệt để làm vỏ gối và rèm cửa, một số loại khác là họa tiết theo chủ đề hoặc câu chuyện, ví dụ như các tình tiết trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”. Những chiếc bao tải cũng vì thế mà ngày càng trở nên đa dạng.
Thậm chí, nhiều nhà sản xuất còn tận tình hướng dẫn các bà nội trợ cách loại bỏ mực in nhãn mác sản phẩm trên bao bì trước khi may mặc.
Cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, vải vóc ngày càng trở nên khan hiếm bởi đây là nguyên liệu ưu tiên để may quân phục. Những người dân sống trong thời chiến đã phải dựa vào việc tiết kiệm và tái sử dụng để duy trì cuộc sống hàng ngày. Theo một ước tính vào năm 1942, ít nhất 3 triệu phụ nữ và trẻ em Mỹ ở tất cả mọi tầng lớp thu nhập đã từng mặc các bộ quần áo may từ bao bì. Những bộ trang phục ấy không chỉ trở thành một phần trong cuộc sống của mỗi người dân khi đó, mà còn gợi nhớ lại một thời kỳ ảm đạm trong lịch sử nước Mỹ.
“Trang phục bao tải” còn vượt xa hơn cả một bộ quần áo bình thường, trở thành một xu hướng thời trang. Thậm chí, người ta đã tổ chức các cuộc thi may mặc dành cho phụ nữ, nơi họ được trổ tài khéo léo, còn các nhà sản xuất thì được dịp quảng bá các mẫu hoa văn của mình. Dưới đây là chiếc váy nổi tiếng của bà G. R. Dorothy đến từ thành phố Caldwell, tiểu bang Kansas vào năm 1959:
Và đây là những bộ quần áo thường thấy khi đó:
Như vậy, những chiếc bao bì đã gắn liền với cuộc sống của người dân Mỹ, giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử và vững bước đi qua thế chiến thứ 2.
Cho đến thập niên 1950, khi nền kinh tế đã khởi sắc, và chiến tranh cũng kết thúc, bao bì vải được thay thế bằng chất liệu giấy do giá thành thấp hơn. Dần dần, người ta cũng không còn dùng đến loại vải “đa năng” và sặc sỡ sắc màu trước kia nữa.
Ngày nay người dân Mỹ không còn mặc “trang phục bao bì” như những năm 30, 40 của thế kỷ trước nữa. Thế nhưng, tiết kiệm những gì chúng ta đang có thay vì sống lãng phí xa hoa vẫn là một đức tính cần được gìn giữ, và gìn giữ hơn nữa.
Hồng Liên
Xem thêm: