“Chàng trai rác” đã mang trên mình 38 kg rác thải mà anh đã tạo ra trong vòng một tháng trên người. Anh bước đi trên những con phố đông đúc nhất của New York với vẻ mặt tươi cười và thái độ dễ chịu để thu hút sự chú ý của những người đi đường. Tất cả những việc này là để truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về thứ mà ít ai trong chúng ta coi trọng: Rác!

Rob Greenfield, một nhà hoạt động vì môi trường toàn thời gian người Mỹ chính là “chàng trai rác” trong những tấm hình dưới đây. Nếu bạn yêu thích xu hướng sống xanh và dành nhiều sự quan tâm tới các vấn đề môi trường hẳn sẽ cảm thấy thân quen với gương mặt này. Rob đã xuất hiện trên báo với 111 thứ đồ duy nhất mà anh sở hữu để hướng tới một lối sống đơn giản nhưng hạnh phúc hơn.

Lần này, Rob tiếp tục dùng sự sáng tạo kết hợp cùng một chút gan dạ của mình để giúp người Mỹ nhìn nhận một vấn đề môi trường nghiêm trọng nhưng bị lãng quên trong cuộc sống hàng ngày: Rác thải từ việc “tiêu thụ” trong cuộc sống của con người hiện đại chúng ta.

Rob nghĩ rằng, để khiến mọi người quan tâm và dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, anh cần tìm một phương pháp trực quan để mọi người nhìn thấy thực tế số lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày. Từ đó, có được một hình dung cụ thể hơn về việc trái đất đang phải gánh lấy những thứ không mấy tốt đẹp này như thế nào.

Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, Rob đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch. Anh sẽ sống như một người bình thường với đầy đủ những hoạt động thường nhật: ăn uống, mua sắm trong siêu thị. Rob sẽ để phương thức sống đơn giản anh đang theo đuổi qua một bên để sống như bao người Mỹ khác. Điểm khác biệt duy nhất là, anh sẽ không vứt bất kì mẩu rác nào vào thùng rác. Thay vào đó, anh sẽ giữ chúng lại bên mình.

Với việc tự biến mình thành một chiếc thùng rác cá nhân di động, Rob muốn để mọi người thấy rằng, sinh hoạt hằng ngày của mỗi người có thể để lại nhiều dấu ấn cho môi trường sống hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều.

Rob giữ lại mỗi từng mẩu rác mà anh tạo ra trong khi sinh hoạt: Tất cả vỏ chai nước mà anh uống, những chai thủy tinh và vỏ đồ hộp mà anh ăn, tất cả các túi ni lông đựng đồ mua sắm. Anh đã không từ chối bất kể chút rác nào. Sau khi vệ sinh sạch sẽ chúng để tránh tạo mùi hôi, anh đặt chúng vào những chiếc túi nhựa gắn dọc theo thân mình.

  

Rob đã đi khắp thành phố New York và tới những khu phố náo nhiệt nhất của thành phố với bộ trang phục có một không hai này để truyền đi thông điệp của mình. Khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười tinh nghịch của anh khiến nhiều người đùa vui gọi anh là Trashformer (một cách chơi chữ theo tựa phim Transformer), hay “Quái vật Rác”.

Giải thích kĩ hơn cho mục đích mang bộ trang phục rác nặng nề, Rob hóm hỉnh “Bởi rác và chúng ta “xa mặt sẽ cách lòng”, một khi chúng ta vứt rác vào thùng, không mấy ai sẽ để ý tới với chúng đi đâu và được xử lý sau đó thế nào”. Trên thực tế, con người chúng ta dường như hoàn toàn quên mất trách nhiệm với những gì mình tạo ra. Chúng ta đang sống với một thái độ thiếu tôn trọng và lãng phí nghiêm trọng những thứ mà con người được ban tặng mà không hề hay biết.

Chúng ta đã xẻ không biết bao nhiêu cánh rừng, những khu công nghiệp của chúng ta đã thải vào không khí không biết bao nhiêu khói bụi và làm bẩn không biết bao nhiêu vùng biển. Đau đớn hơn, tất cả những gì con người tạo ra như túi ni lông, các loại đồ nhựa lại không thể tự phân hủy và chúng sẽ ở trên trái đất tới hàng triệu năm. Rob nhấn mạnh vào những vấn đề này trong clip giới thiệu về hoạt động tạo cảm hứng lần này của mình.

Anh cũng nhắc mỗi người nhớ rằng “tái chế” không phải một giải pháp hoàn hảo. Bởi quy trình này đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn của chúng ta từ điện cho tới nước.

Đồng thời, Rob đã tạo nên một ví dụ rất sinh động và khó có thể cụ thể hơn về sức nặng rác thải mà “trái đất” đang phải oằn mình gánh chịu. Lượng rác tích lại sau 1 tháng khiến Rob di chuyển nặng nề và khó khăn hơn rất nhiều. Vậy, nếu mỗi ngày mỗi người đều tạo ra 2 kg rác như một người Mỹ, bạn cũng có thể hình dung, bộ quần áo rác mà con người “dệt nên” cho trái đất pải dày và nặng tới như thế nào.

Vì tất cả những lý do đó Rob muốn mọi người nhận ra và dũng cảm nhìn thẳng vào một thực tế nghiêm trọng đó là vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác vẫn là chưa đủ! 

Nhưng cũng thật may mắn, Rob cũng mang tới cho mọi người một giải pháp – Lối sống nói không với rác thải. Hãy cùng khám phá những gợi ý của Rob để thực sự sống mà không làm tăng thêm sức nặng lên hành tinh xinh đẹp của chúng ta.

Đặc biệt, Rob chọn thái độ cởi mở và thân thiện khi mang bộ trang phục này. Dù bộ quần áo rác có nặng nề đến đâu, mọi người vẫn thấy khuôn mặt tươi cười của anh. Có lẽ chính tinh thần cởi mở của Rob đã khiến người đi đường chú ý và có những phản ứng tích cực với thông điệp về rác, bởi nó khiến người khác có thể tập trung vào thông điệp chính, thay vì khó chịu khi có cảm giác bị buộc tội.

“Ngày hôm trước, khi tôi đang ở trong công viên Brooklyn, một cậu bé 12 tuổi đã tiến gần đến tôi và nói rằng, từ hôm đó, cậu bé sẽ bắt đầu tạo ra ít rác thải hơn. Khi tôi nhìn chiếc chai nhựa trong tay cậu bé, cậu đã nói rằng: “Đây sẽ là chiếc chai cháu sử dụng trong suốt một tháng tới”, Rob kể lại một trong những trải nghiệm đáng nhớ của mình.

Mặc dù mặc bộ quần áo rác không hề dễ dàng, nhưng phản ứng của những người đi đường khiến Rob hiểu công việc của anh đáng giá như thế nào. Chúng ta chỉ có thể thực sự giải quyết vấn đề khi ý thức của mỗi người có chuyển biến thực chất. Khi mỗi người suy nghĩ khác đi và mong muốn có trách nhiệm hơn với môi trường sống của mình, chắc chắn chúng ta sẽ hành động với một sự tự nguyện và một thái độ tôn trọng đến từ thực tâm.

Thêm vào đó, Rob dường như truyền đi thành công cùng lúc hai thông điệp “Hãy suy nghĩ về rác!” và “Tôi chỉ muốn chúng ta suy nghĩ lại và cùng nhau thay đổi”. Đây là một cách tiếp cận vấn đề đáng học hỏi cho mỗi chúng ta, khi muốn góp ý hay thay đổi một điều gì đó ở người khác. Thái độ trách cứ và phê phán chắc chắn không hiệu quả bằng tự mình hành động, tự mình thay đổi để trở thành cảm hứng cho mọi người. Thêm vào đó, một thái độ chân thành luôn là cầu nối tốt nhất để chạm tới trái tim những người xung quanh.

Nguồn ảnh: Epoch Times France
Hy Văn

Xem thêm: