Vụ việc người đàn ông đánh thiếu niên 15 tuổi vì lẻn vào nhà ăn trộm đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng hành động đánh cậu bé của chủ nhà chỉ để tự vệ trong khi một số người lại cho rằng pháp luật cần xử lý nghiêm minh hành vi này.
Vụ án xảy ra vào khoảng 00h15 phút ngày 23/11 tại phường Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bị can là ông Lê Minh Phương sinh năm 1967 và nạn nhân là Nguyễn Đăng Tùng sinh năm 2002, hiện đang là học sinh.
Tại cơ quan công an, ông Phương khai nhận do trước đây cửa hiệu đã nhiều lần bị mất trộm nên rất bức xúc. Lần mới đây nhất là tuần trước, gia đình ông đã bị trộm cắp tài sản gần 20 triệu đồng. Vì thế, khi thấy một bóng đen lẻn vào nhà lúc nửa đêm, ông Phương nghĩ là trộm nên rất bực tức, sẵn có kiếm trong nhà nên đã chém loạn xạ vào người đó, mà không biết chém vào đâu. Chỉ đến khi cậu thiếu niên ngã xuống, máu chảy ra ông Phương mới dừng lại. Khi ông hỏi cậu ta là ai, ở đâu đến thì mới biết là người cùng địa phương.
Hung khí ông Phương dùng để đánh Tùng là một thanh kiếm sắt đầu nhọn, chuôi bằng gỗ dài 99cm, rộng khoảng 4cm. Xác minh sơ bộ thương tích của Nguyễn Đăng Tùng tại bệnh viện cho thấy Tùng bị một vết thương ở vùng đỉnh đầu dài khoảng 20cm và bị vỡ xương đỉnh, tụ máu trong não. Phần khuỷu tay có vết thương khoảng 10cm nhưng đứt gân cơ, lộ xương khuỷu tay, đứt mõm khuỷu tay phải.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định tạm giữ hình sự và lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Lê Minh Phương. Ngày 24-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định trưng cầu giám định gửi Trung tâm Pháp y TP Hà Nội để giám định tỷ lệ thương tích của cháu Nguyễn Đăng Tùng.
Căn cứ vào thương tổn 61% của cháu Tùng và hành vi của ông Lê Minh Phương, VKSND cùng cấp đã đồng ý với quan điểm của Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm thay đổi tội danh từ “Cố ý gây thương tích” sang tội danh “Giết người” theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Ngay sau đó, dư luận bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc khởi tố ông Phương với tội danh giết người liệu có thuyết phục?
Một tài khoản Facebook có tên L.T.H nhận là người nhà bị mất cắp. Giải thích về hành động trên, chị cho biết đây là lần thứ 2 gia đình bị trộm trong vòng 2 tuần. Nhà toàn phụ nữ, người già, em nhỏ, chỉ có duy nhất có bố chị là đàn ông nên đêm hôm đó xuống bắt được đã đánh cho 1 trận. Sau đó, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình chị đã lên phường trình báo đồng thời đưa cậu ta đi viện cấp cứu. Chị nói rằng việc đánh cậu ấy chỉ là để phòng vệ chứ không hề cố ý.
Những người hàng xóm sinh sống ngay cạnh nhà ông Phương cũng cho biết, vụ việc xảy ra với nhà ông khiến người dân nơi đây bàn tán xôn xao, mọi người cũng thông cảm cho người đàn ông này.
“Cũng tại vì ông Phương bức xúc quá không kiềm chế được bản thân nên mới đánh thanh niên trộm nặng tay như vậy, chứ bình thường ông ấy là người hiền lành, không mâu thuẫn với ai, chưa có tiền án tiền sự gì hết.
Cậu thanh niên ăn trộm cũng là người cùng xóm với ông, người này còn nhỏ nhưng từng ăn cắp nhiều lần, hay đi lại với các thành phần tiêu cực. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét, xử lý vụ việc có tình có lý”, một người khác cũng chia sẻ.
Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội), tính mạng con người là điều cao quý nhất, mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết.
“Trường hợp này hành vi của ông Phương không thể gọi là phòng vệ. Hành vi của ông Phương trong tình huống này là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng”, ông Thơm cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi xem xét hành vi phạm tội của ông Phương cũng cần đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, và lỗi của người bị hại trong vụ án để xử lý.
Xét một cách khách quan thì ông Phương không cố ý gây giết người, việc ông đánh Tùng cũng là để tự vệ và bảo vệ 5 thành viên trong gia đình. Nhất là gần đây xảy ra nhiều vụ việc trộm cướp tài sản mà trong đó thủ phạm không kiểm soát được đã dẫn đến án mạng, điều này phần nào khiến ông không kiềm chế được bản thân, bị kích động tâm lý dẫn đến việc sử dụng hung khí chém gây thương tích nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm gia cư và bảo vệ tài sản.
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho việc sử dụng vũ lực đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện người có hành vi phạm tội bị bắt quả tang, bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ và áp giải ngay thủ phạm đến Cơ quan pháp luật, hoặc thông báo ngay cho Cơ quan Pháp luật bắt giữ theo quy định nhằm tránh những thương tổn đáng tiếc như trong sự việc trên.
Lai nói về trách nhiệm của gia đình nạn nhân, việc một nam thiếu niên 15 tuổi có hành vi trộm cắp nhiều lần cho thấy sự buông lỏng quản lý và giáo dục của gia đình. Đây cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay khi mà tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Đã đến lúc gia đình và cộng đồng cần dành sự quan tâm đúng mực về giáo dục đạo đức và hành vi cho các em.
Nguồn ảnh: trithuctre
Hiểu Minh