Suốt hơn 20 năm qua, ông Võ Văn Thành (52 tuổi) đã rong ruổi khắp Sài Gòn để nhặt ve chai, nuôi bầy chó nhỏ trên chiếc xe ba gác tự chế.
Gần như ngày nào cũng vậy, đều đặn lúc 2 giờ chiều, tại góc đường Ngô Quyền – Nguyễn Chí Thanh (quận 5, Sài Gòn), chiếc xe ba gác ba tầng của ông Thành lại thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường với bầy chó 11 con và dòng chữ trên xe: “Không bán chó. Chó là bạn. Không phải là thức ăn”.
Ông Thành kể, cái duyên đến với bầy chó bắt đầu từ những năm 1995-1996 khi làm phụ hồ ở Sài Gòn. Nhiều lần đi qua các lò mổ, ông thấy lũ chó bị người ta giết thịt nên thương lắm. Sau đó, ông quyết định mua và nuôi chúng.
Ban đầu, ông nuôi mấy con nhưng bị trộm nhiều vì ngủ ngoài đường. Mãi sau này chế được cái xe ba gác thì an tâm hơn. Đối với ông, bầy chó giống như những “người bạn nhỏ”. Vậy nên, ông không bao giờ bán chúng, chỉ khi nào gặp được người yêu động vật thì cho họ về nuôi.
Mặc dù thu nhập từ nghề nhặt ve chai chẳng được bao nhiêu, nhưng đổi lại ông Thành nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ thân quen cho đến xa lạ. Người cho thêm ít tiền, người mang đến thức ăn cho chó. Nói chung cuộc sống có thiếu thốn nhưng không đến mức lũ chó chẳng có cái ăn.
Ông Thành chia sẻ: “Ban đầu, tôi đạp xe, sau này có đoàn từ thiện tặng xe máy nên tôi chế thành chiếc ba gác này cho tiện đi lại”. Vậy là với sự hỗ trợ của mọi người, ông đã tạo ra được một “ngôi nhà di động” được che chắn bằng bạt kỹ lưỡng, bên trong chia thành các ngăn nhỏ với đầy đủ quần áo, chăn mền và dụng cụ vệ sinh cho đàn chó.
Hằng ngày rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn để lượm ve chai. Tối đến ông Thành lại cùng những người bạn nhỏ về ngủ trên vỉa hè góc đường Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5). “Đôi lúc, tôi thấy cuộc sống này buồn lắm. Tôi mơ ước sẽ có một căn chòi nhỏ để hàng ngày chăm nom chúng khỏi ốm đau trong những ngày mưa nắng trở trời”, mong ước của người đàn ông tuổi xế chiều chỉ đơn giản vậy thôi!
Nói về cuộc sống lang thang nơi Sài thành, ông Thành kể lại: “Trước đây, tôi làm nghề phụ hồ, sau này gặp nhiều biến cố về gia đình, vợ bỏ, hai đứa con đều nghiện ngập nên tôi từ mặt, bỏ quê để lên Sài Gòn”.
Có lẽ, cuộc sống này không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa. Còn người hạnh phúc không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được. Thầm cảm phục ông – người đàn ông nghèo khó nhưng có tình yêu bao la với động vật!
(Nguồn Vnexpress)
Trần Phong (ST)