Ở một vùng ngoại ô của đất nước Lithuania nhỏ xinh, “Ngọn đồi Thánh giá” là nhân chứng của những thăng trầm lịch sử, của niềm tin và lòng kiên định bất diệt.
Khi những cơn gió chiều thổi nhẹ qua cánh đồng của hạt Siaulai yên bình, những chuỗi hạt mân côi bằng ngọc bích va đập vào những cây Thánh giá bằng kim loại và bằng gỗ, tạo nên một bản hợp âm thú vị.
Domantai hay còn được gọi với cái tên “Ngọn đồi Thánh giá”, nằm ở miền Bắc cách thành phố công nghiệp Siauliai, Lithuania khoảng 11 km và là điểm hành hương yêu thích của nhiều du khách thập phương trên thế giới với mong nguyện bình an và hạnh phúc.
Giữa không gian bao la của những cánh đồng cỏ thẳng tắp tới tận chân trời, “Ngọn đồi Thánh giá” cao vợi trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nhìn những cây thánh giá hay chuỗi ngọc đã bạc màu, hoen ố màu đồng và chi chít những mạng nhện bao phủ, người ta thầm hiểu rằng ngọn đồi có thâm niên khá lâu trong tín ngưỡng của người Lithuania.
Trải bao năm tháng lịch sử, sự hình thành “Ngọn đồi Thánh giá” gắn liền với rất nhiều câu chuyện huyền thoại phép màu, những cuộc chiến tranh và nổi dậy của người dân, đức tin không dễ gì lay động.
Đã cách đây từ rất lâu, một câu chuyện được truyền từ đời này qua đời khác kể về một gia đình nhỏ có hai cha con nọ, khi cô con gái lâm bệnh nặng, người cha đã rất đau khổ và tuyệt vọng. Sau một ngày vất vả lo lắng chăm con như bao ngày khác, người cha thấm mệt ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ đêm, ông thấy một người phụ nữ hiện ra nói với ông rằng: Hãy làm một cây Thánh giá bằng gỗ và đặt lên ngọn đồi, như vậy con gái ông sẽ bình phục trở lại.
Ngay khi tỉnh dậy, người cha vội vã đẽo cây Thánh giá bằng gỗ và chạy lên ngọn đồi, lòng ông ngập tràn hy vọng như những ánh bình minh vàng rực rỡ đang hiện dần ra từ phía chân trời xa. Khi ông quay trở xuống, cô con gái nhỏ của ông đã đứng trước bục cửa với nụ cười tươi rạng đón đợi. Cũng từ đó trở đi, người dân quanh vùng đều tự làm cho mình một cây Thánh giá và đem lên cắm lên ngọn đồi với hy vọng được Thần linh chở che và bảo vệ.
Trong một cuộc nổi dậy vào năm 1831, có khoảng 10.000 – 20.000 người đã chết và những người thân của họ đã quyết định cắm những cây Thánh giá lên ngọn đồi để nguyện cầu.
Năm 1836, khi đội quân Thâp tự chinh tiến vào chiếm đóng thành phố Siauliai khi vừa mới được thành lập, những cây Thánh giá bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên ngọn đồi như một lời kêu gọi Thần linh cứu rỗi người dân khỏi chiến tranh, cứu rỗi những con người đã chết trở về Thiên đàng.
Trong Thế chiến II, vì muốn loại bỏ Thiên chúa giáo ra khỏi Đông Âu, chính phủ Liên Xô đã nhiều lần cố gắng phá hủy ngọn đồi. Vào những năm 1961,1973 và 1975, nó bị san bằng và đốt phá, những mảnh kim loại và đá được dùng làm vật liệu xây dựng, và bất cứ ai mang những cây thánh giá đến đây đều sẽ bị phạt tiền và giam giữ.
Sau mỗi lần như vậy, kì lạ thay, số lượng cây thánh giá lại liên tục tăng lên. Những cư dân bản địa và người hành hương dựng nên chúng trong đêm, nhờ đó ngọn đồi vẫn đứng vững. Đến năm 1985, “Ngọn đồi Thánh giá” cuối cùng đã được bình yên, danh tiếng ngọn đồi thiêng lan rộng khắp thế giới và hàng ngàn người hành hương tới đây viếng thăm mỗi năm.
Năm 1993, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã ghé thăm ngọn đồi và tuyên bố rằng: “Ngọn đồi Thánh giá đã chứng minh cho châu Âu và toàn thế giới biết đức tin chân chính của người dân trên mảnh đất này”.
Trong những năm sau đó, ngọn đồi trở thành địa điểm thu hút những tín đồ Thiên Chúa từ mọi tôn giáo thập phương – các thánh giá Thiên Chúa giáo đứng cạnh những bảng khắc chữ Do Thái và những lời dạy của Kinh Koran:
Ngọn đồi Thánh giá không thuộc của riêng ai mà thuộc về tất cả mọi người. Cả nhà thờ hay chính quyền đều không sở hữu nó và người dân đưa thánh giá đến đây không phải vì bắt buộc mà là vì họ muốn làm như vậy.
Ngày nay, hình Chúa Giêsu cùng các thánh đồ, và những bức ảnh về những người yêu nước Lithuania cũng được đặt ở đây, bên những cây thánh giá với đủ kích cỡ. Vào những ngày nhiều gió, rừng cây thập giá lại vang lên những âm thanh du dương bởi những tràng hạt bằng gỗ va vào nhau. Chúng như đang kể lại một giai đoạn hào hùng về lịch sử Litva về đức tin và lòng dũng cảm của những con người mộ đạo.
Niềm tin chân chính vào những Đấng tối cao là sức mạnh nội tại để con người sống và trân quý cuộc đời, để con người có dũng khí cất tiếng nói vì công bình và lẽ phải, để con người biết ơn những điều mình được ban tặng. Niềm tin chân chính không dễ dàng có được trong mỗi người, bởi như một lẽ tất yếu của đất trời, có điều chân chính cũng sẽ có điều không ngay chính. Tuy nhiên, niềm tin ấy khi đã hình thành sẽ trở thành bất diệt, vì nó không chỉ xuất phát từ nhiệt huyết bề mặt mà đã thấm sâu vào tâm hồn, trí óc và từng tế bào của người đó.
Anh Lân