Khi một vị khách hỏi: “Ớt này cay hay không cay?”, bạn sẽ trả lời như thế nào? Một xe đầy ớt mà bà chủ mau chóng bán hết sạch.
Người bán ớt thường sẽ gặp câu hỏi: “Loại ớt này có cay không?” Làm sao trả lời câu hỏi để vị khách mua hàng đây? Nếu nói loại ớt này cay thì vị khách sợ cay sẽ bỏ đi, nếu đáp là không cay thì biết đâu họ lại thích loại ớt cay. Chỉ sợ rằng không bán được ớt.
Vào một ngày rảnh rỗi, tôi đứng quan sát người phụ nữ bán một xe ớt đỏ, cũng để xem cô chủ bán hàng giải đáp vấn đề khó này như thế nào.
Nhân lúc vắng khách, tôi lại tự cho là mình thông minh mà đến nói với cô chủ bán ớt: “Cô có thể đem chỗ ớt này phân thành hai loại là cay và không cay để cho người thích ăn cay thì chọn trong đống ớt cay, còn người không thích ăn cay thì chọn trong đống ít cay”.
Cô chủ bán ớt nhìn tôi rồi cười nhẹ và nói: “Không cần làm vậy!”. Vừa dứt lời thì có một vị khách tới mua, hỏi: “Ớt có cay không?” Bà chủ trả lời rất chắc chắn với khách là: “Loại to dài thì cay, quả ngắn thì không cay.” Người mua thấy tin tưởng, hài lòng, mua rồi bước đi.
Một lát sau khi loại ớt ngắn không còn nhiều thì lại một vị khách khác đến hỏi: “Ớt có cay không?” Cô chủ bán ớt quan sát chỗ ớt còn lại và đáp: “Ớt chín đỏ đậm thì sẽ cay, còn màu nhạt thì ít cay”. Quả nhiên khách hàng theo đó mà lựa loại ớt. Loại ớt màu nhạt rất nhanh đã bán hết.
Nhìn chỗ ớt còn lại, toàn là ớt chín đỏ dừ, trong tâm tôi nghĩ: “Xem lúc này cô chủ bán ớt sẽ nói như thế nào với khách của mình?”
Lại một vị khách nữa hỏi: “Ớt có cay không?”. Cô chủ bán ớt tự tin đến 10 phần trả lời: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm thì không cay”. Tôi âm thầm bội phục. Không phải sao, ớt bị phơi cả buổi dưới nắng mặt trời thường bị mất nước và trở nên mềm nhũn rồi.
Lúc gần đi, cô chủ bán ớt nói với tôi: “Bán ớt cũng cần có biện pháp, mỗi người đều có cách bán của mình.”
Thật kỳ diệu! Bạn đã từng nghĩ đến chưa?
Cô chủ bán ớt đã hiểu rất rõ về ớt của mình nên mới có thể tự tin trả lời khách hàng. Tất nhiên cách trả lời cuối cùng của cô chủ chưa hẳn là đúng, khách mua ớt về rồi có thể cảm thấy bị lừa. Thành thật mới tạo nên uy tín. Tuy nhiên câu chuyện trên cũng cho chúng ta một gợi ý nhỏ để thấu hiểu tâm lý khách hàng, từ đó làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
- Bán cho khách lạ cần lễ phép.
- Bán cho khách quen cần nhiệt tình.
- Bán cho khách đang vội cần phải nhanh.
- Bán cho khách mua từ từ thì cần kiên nhẫn.
- Bán cho khách có tiền cần cho họ thấy sự cao quý.
- Bán cho khách ít tiền cần cho họ thấy lợi ích thực tế.
- Khách theo mốt bán chính là thời thượng.
- Khách chuyên nghiệp bán là sự chuyên nghiệp.
- Khách hào phóng chính là bán sự trượng nghĩa.
- Khách keo kiệt bán cho họ lợi ích.
- Khách thích hưởng thụ thì bán sự phục vụ.
- Khách thích hư vinh thì bán chính là vinh dự.
- Khách hay bắt bẻ bán cho họ sự tỉ mỉ.
- Khách hiền lành thì bán chính là sự đồng cảm.
- Khách còn do dự bán chính là sự đảm bảo.
Nếu bạn tiếp thị một sản phẩm chỉ bằng cách giới thiệu sản phẩm của bạn tốt như thế nào hay khác biệt ở đâu thì đôi khi là chưa đủ. Hãy suy nghĩ về nhu cầu của khách hàng trước khi nói về sản phẩm của mình, lắng nghe một chút. Khi bạn đã biết nhu cầu thực tế của khách hàng thì việc tiếp thị sẽ trở nên dễ hơn rất nhiều.
Bán hàng cũng cần hiểu tâm lý khách hàng. Làm thế nào cho cả người mua, người bán đều vui vẻ? Làm sao khiến khách hài lòng mà trả tiền mua hàng? Làm sao biến khách mới thành khách quen? Đặt mình vào vị trí khách hàng thì bạn mới có được đáp án đúng nhất.
San San, Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Chú chó vàng đẩy chủ nhân tàn tật đi bán hàng, trời lạnh sưởi ấm chân cho chủ
- Chàng trai gây xúc động khi giữ lời hứa 7 năm với bạn gái mắc hội chứng Down
- Khảo sát trực tuyến của VOA về Giang Trạch Dân: Kết quả chứng thực suy đoán của truyền thông
- Bạn có nhận ra sự khác biệt trong 27 nhãn hiệu hàng nhái TQ này không?
- Lòng tốt thầm lặng: sửa xe không lấy tiền, nước vối phát miễn phí…