Giáo sư Sasaki Masami, tác giả bộ sách nổi tiếng “Trẻ em trong gia đình” nói rằng “Sở dĩ trẻ đòi bố mẹ mua đồ chơi là vì thiếu tình yêu thương từ bố mẹ. Khi cha mẹ không thể dành tâm trí, thể xác và thời gian để đáp ứng những nhu cầu của trẻ, trẻ bắt đầu tìm đến những món đồ do người khác làm ra”…

Vào mỗi dịp tết thiếu nhi hay ngày nghỉ hè, thị trường đồ chơi trẻ em lại trở nên sôi động. Chia sẻ với Lao động, anh Sáng (Q.Ba Đình, Hà Nội), có con trai út chuẩn bị vào lớp 1, cho biết anh bắt con hứa nếu học giỏi, vâng lời thì sẽ tặng cho con món đồ chơi yêu thích trong dịp 1/6.

Mấy ngày qua, anh Sáng và vợ đã bỏ thời gian tìm nhiều cửa hàng đồ chơi và cuối cùng quyết định tặng bé một bộ Lego giá hơn 2 triệu đồng để thoả mãn sở thích đồ lắp ghép của con. “Mỗi năm, cứ đến dịp này, tôi thường mua cho bé một món đồ chơi với giá dưới 1 triệu. Tuy nhiên, năm nay con vào lớp 1 và đã hứa sẽ tặng một món quà hoành tráng nên tôi mạnh tay chi hơn”, anh nói.

Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?
Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?

Không chỉ anh Sáng rất nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng chi tiền triệu mua đồ cho con. Bên cạnh tâm lý mua hàng hiệu để đảm bảo an toàn, nhiều người còn quan niệm rằng đồ chơi đắt tiền là để thể hiện đẳng cấp hoặc thỏa mãn nhu cầu dùng hàng xịn cho con.

Tác hại không ngờ từ những nhu cầu xa xỉ được đáp ứng dễ dãi

Gia đình càng ít con, cha mẹ lại khá giả nên họ muốn chiều chuộng, thỏa mãn mọi ý thích của trẻ. Tấm lòng cha mẹ muốn dành mọi điều tốt nhất cho con không có gì đáng phê phán. Nếu gia đình có điều kiện kinh tế, việc mua quà chất lượng cũng không sai. Tuy nhiên, trẻ có thể vấp phải những hậu quả không ngờ khi được đáp ứng nhu cầu vật chất dễ dàng từ quá sớm.

Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?
Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?

Với trẻ em, đồ chơi càng nhiều… càng ít, càng dễ thích thú một thứ đồ chơi bao nhiêu lại càng nhanh chán bấy nhiêu. Nếu để thoả mãn sở thích cho trẻ, mua đồ chơi không bao giờ là đủ. Trong một nghiên cứu mới đây, tiến sĩ Shelley Lindauer (Đại học Bang Utah, Mỹ) đã chỉ ra, việc có quá nhiều đồ chơi có thể dẫn đến hiện tượng “quá tải đồ chơi”, khiến trẻ khó rèn luyện tính quý trọng và giữ gìn đồ vật.

Trẻ nhỏ chưa hiểu về mệnh giá tiền thì món đồ chơi tiền triệu hay tiền trăm không có sự khác biệt nhiều. Như trường hợp của con anh Sáng, độ tuổi của bé chưa đủ để hiểu món quà trị giá 2 triệu lớn đến mức nào. Trẻ không lao động, chưa làm ra tiền nên không biết giá trị thật sự của đồng tiền, nếu thói quen được chu cấp quá đầy đủ sẽ dễ hình thành thói quen xấu ảnh hưởng đến tính cách, đạo đức, trái ngược với mong muốn của cha mẹ.

Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?
Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?

Không dừng lại ở đó, việc mua sắm quá nhiều đồ chơi còn ngăn cản tính sáng tạo của trẻ. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Toledo (Mỹ) đã chỉ ra rằng trẻ sẽ sáng tạo hơn rất nhiều nếu xung quanh có ít đồ chơi. Khi đó, trẻ buộc phải nghĩ ra nhiều cách chơi và kiên nhẫn với một thứ đồ trong thời gian lâu hơn. Những đặc điểm này sẽ thúc đẩy trẻ phát triển trí não và rèn luyện trí óc.

Những phần thưởng vô tình làm hại trẻ

Nhiều phụ huynh muốn con đạt thành tích tốt thường “treo giải” bằng những phần quà đắt tiền. Chia sẻ về vấn đề này với Thanh niên, tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM nói: “Phần thưởng là cách để khuyến khích hành vi tốt nhằm hướng tới mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng phần thưởng đúng thì sẽ gây hại cho người được thưởng, nhất là ở lứa tuổi còn đi học. Nó sẽ khiến một đứa trẻ bị lệ thuộc, đặt ra mục tiêu học tập không phải vì khao khát tri thức, mà là vì để được nhận quà. Đứa trẻ sẽ tính toán trong đầu, là mình đạt điểm 10 lần này mình sẽ đòi thưởng gì, lần sau mình sẽ đòi món gì… Nguy hại là nếu không có thưởng, con sẽ không muốn học nữa”.

Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?
Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?

Nhu cầu đòi hỏi vật chất của trẻ có thể bắt buồn từ chính cha mẹ. Nếu cha mẹ thường xuyên treo giải thưởng với giá trị vật chất lớn có thể tạo cho trẻ thói quen mặc cả, đòi hỏi từ sớm. Do vậy, phụ huynh nên lưu ý giới hạn quà tặng để giảm thiểu nhu cầu vật chất của trẻ.

Nghệ thuật tặng quà là yêu thương con đúng đắn

Đồ chơi như một người bạn và là công cụ đồng hành trong hành trình của tuổi thơ. Trên thực tế, đồ chơi cũng là con dao hai lưỡi, không phải cứ nhiều, chi tiết phức tạp, đắt tiền mới kích thích trí tuệ và động lực học tập cho trẻ.

Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?
Mua đồ chơi đắt tiền cho con, nên hay không?

Trẻ em thường thích nhiều thứ, chính vì vậy khi lựa quà cho con, cha mẹ hãy cho bé liệt kê ra những thứ mình thích, sau đó chọn món quà nào có giá trị tinh thần nhiều hơn để thưởng, hạn chế chiều theo những sở thích thiên về vật chất đắt tiền.

Hãy cân nhắc kỹ trước ý định tặng quà là đồ chơi công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game…

Tham khảo ý tưởng về những cuốn sách để trẻ tìm hiểu cuộc sống; nhạc cụ, bộ cọ vẽ cho trẻ theo đuổi đam mê; dụng cụ thể thao giúp trẻ rèn luyện sức khoẻ; hoặc một buổi dã ngoại đầm ấm cùng cả gia đình…. đó có thể là lựa chọn mang đến nhiều lợi ích và niềm vui cho trẻ hơn một món đồ chơi đắt tiền.

Minh Lan