Đối đãi và giải quyết vấn đề cũng như nhâm nhi một ly trà ngon, cần bình tĩnh và điềm đạm. Nếu người nông dân trong câu chuyện dưới đây kiềm chế được cơn bực tức, có lẽ ấm trà quý của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Một người nông dân được tặng một ấm trà quý giá. Ông ta rất nâng niu món quà, vì sợ mất trộm nên đã đặt ấm trà lên trên đầu giường mỗi khi đi ngủ.
Một lần đang ngủ, ông trở mình, quơ tay làm rơi ấm trà xuống giường, còn cái nắp ấm văng xuống đất. Nửa đêm tỉnh dậy chỉ thấy ấm mà chẳng thấy nắp đâu, ông thất vọng vô cùng, buồn rầu nghĩ: “Nắp ấm rơi xuống đã bị vỡ, vậy còn giữ ấm trà này làm gì nữa?”. Thế là ông nhặt ấm trà trên giường, ném nó ra ngoài cửa sổ rồi ngủ thiếp đi.
Sáng ra, ông mới phát hiện, hóa ra nắp ấm vẫn còn nguyên vẹn trên đôi giày bông bên cạnh giường. Người nông dân hối hận: “Ấm trà tím đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua, giờ để lại một cái nắp thì làm gì?”. Tức giận quá, ông đập vỡ luôn cái nắp ấm.
Sau khi ăn sáng, người nông dân vác cái cuốc định đi ra đồng, nhưng khi ông ngước mắt lên, ngạc nhiên làm sao! Cái ấm trà tím đang treo lơ lửng trên cành cây bên ngoài cửa sổ…
***
Trong cuộc sống, một số người vì quá nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc nên đã hành động bồng bột, khiến kết quả trở nên tệ hại và sau đó là hối hận khôn nguôi.
Người xưa có câu: “Nhẫn một lúc gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Đối diện với mất mát to lớn và mâu thuẫn gay gắt, nếu bạn giữ được tâm thái bình hoà, điềm tĩnh thì có lẽ cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Bình tĩnh bao nhiêu thì cuộc đời bạn sẽ bớt hối tiếc bấy nhiêu.
Khoan dung bao nhiêu thì ngày tháng của bạn sẽ rộng dài bấy nhiêu.
Nhẫn là đạm bạc nên có thể dưỡng thân.
Nhẫn là không màng danh lợi nên có thể dưỡng tâm.
Nhẫn là chịu khổ chịu khó nên sẽ sung túc. Người biết nhẫn sẽ bách tà bất xâm.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu mỗi người đều học được cách nhẫn nhịn, thì sẽ loại bỏ được rất nhiều xung đột, không gian sống của chúng ta sẽ trở nên hài hòa tốt đẹp hơn rất nhiều.
Video xem thêm: Người hẹp hòi sống nhờ chữ ‘nhận’, người quảng đại sống bằng chữ ‘cho’