Ở Nhật Bản, bữa trưa không chỉ để cung cấp dinh dưỡng cho học sinh mà còn là cơ hội để các em nhận được nhiều bài học cuộc sống. Theo quan điểm của người Nhật, bữa trưa trong trường học là một phần của giáo dục, và họ rất chú trọng điều này. Vậy nên, nếu các bậc phụ huynh không đủ tiền chi trả, chính phủ sẽ giúp đỡ bằng các chương trình ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá tiền.

Bài học về sự công bằng

Tại Nhật Bản, để dạy cho học sinh về sự công bằng, những bữa ăn trong các trường công thường giống hệt nhau. Ngoài ra, các trường cũng không có căng tin cho học sinh mua đồ ăn nên các em, dù gia đình khá giả hay không có điều kiện, vẫn chỉ có thể ăn uống giống nhau tại trường. Phần lớn bữa trưa của học sinh sẽ do nhà trường tự nấu ngay tại bếp bằng những nguyên liệu tươi, mỗi ngày là một bữa ăn mới, không hề có chuyện làm thức ăn sẵn, bảo quản trong tủ đông rồi mới lấy ra hâm nóng khi đến bữa. Thỉnh thoảng, nhà trường cũng sẽ cho phép học sinh tự mang đồ ăn đi, nhưng đa số bữa ăn của các em cũng không khác nhau nhiều.

Để dạy cho học sinh về sự công bằng, những bữa ăn trong các trường công thường giống hệt nhau.

Đặc biệt, khẩu phần ăn dành cho học sinh, dù ở trường hay trong gia đình đều được tính toán rất cẩn thận, cân bằng dinh dưỡng, tập trung nhiều vào rau củ và thịt cá. Vì vậy, trong gần 4 thập kỷ qua, tỷ lệ béo phì của trẻ em Nhật luôn đứng ở top thấp nhất trên thế giới, cũng như tuổi thọ của người dân nước này luôn rất cao, trung bình là 83 tuổi.

Các em chẳng nề hà bê những thùng sữa nặng trịch.
Lo thức ăn cho cả lớp là dịp để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, bữa ăn trưa của học sinh sẽ do chính các em tự phục vụ lẫn nhau. Công việc này sẽ tiến hành luân phiên dưới sự giám sát của các giáo viên trong trường. Mỗi ngày, các lớp sẽ cử ra 1 nhóm gồm khoảng 6 người làm “anh nuôi”. Các bạn sẽ cùng xuống bếp lấy thức ăn, tự phân phát cho các bạn, sau đó dọn dẹp bát đĩa và vệ sinh lớp học sau bữa ăn. Những học sinh này sẽ mặc đồng phục áo khoác trắng, đội mũ, đeo khẩu trang y tế và chẳng nề hà bê những thùng sữa nặng trịch. Đối với các em, việc phải lo thức ăn cho cả lớp không bao giờ là một việc nặng nhọc, thậm chí còn là vinh dự, bởi chúng sẽ coi đó là dịp để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trước cả lớp.

Bài học về sự quan tâm

Thời gian trước, một đoàn giáo viên, học sinh Trung Quốc có dịp sang thăm và ăn cơm trưa cùng với các học sinh Nhật Bản đã kể lại trải nghiệm của họ như sau:

Học sinh Nhật Bản vô cùng hiếu khách và dễ thương, các em gấp tặng trường bạn những chiếc mũ giấy với tranh vẽ của mình ở bên trên. Không chỉ vậy, các em còn mở nắp bình sữa cho thầy cô cùng các bạn Trung Quốc và dạy họ cách phân loại rác: phần nắp bằng giấy và phần bọc nilon được bỏ vào 2 thùng rác khác nhau. 

Một bé gái dễ thương đang mở nắp bình sữa cho thầy cô cùng các bạn Trung Quốc
Phần nắp bằng giấy và phần bọc nilon được bỏ vào 2 thùng rác khác nhau.

Khi bữa ăn bắt đầu, các em học sinh Nhật ăn uống rất hăng say. Tất cả mọi thứ có trong khẩu phần – dù ngon hay không – cũng đều được các em ăn hết sạch. Nếu một em không thể hết, bạn khác sẽ giúp ăn chỗ thức ăn thừa. Ngoài ra, khi uống xong sữa, những chiếc vỏ bình đều được các em đặt nằm dọc trên khay thức ăn để không vướng víu đến người khác khi đi lại và tránh đổ vỡ.

Những chiếc vỏ bình đều được các em đặt nằm dọc trên khay thức ăn để không vướng víu đến người khác khi đi lại và tránh đổ vỡ.

Sau bữa ăn, các em học sinh Nhật Bản đều tự giác xếp hàng ngay ngắn để cất dụng cụ về đúng vị trí mà không hề có bất kỳ thầy cô giám sát hay người chỉ huy nào. Một vài em học sinh xếp bát đĩa bẩn rất ngay ngắn, một số khác cầm thùng đi thu rác hoặc lau bàn ăn một cách thành thạo, thậm chí một vài em còn rủ nhau hợp sức bê những thùng sữa đựng đầy chai thuỷ tinh cất vào đúng nơi quy định. Chẳng có ai nhàn rỗi ngồi chơi khi kết thúc bữa ăn.

Các em học sinh Nhật gấp tặng bạn Trung Quốc những chiếc mũ giấy với tranh vẽ của mình ở bên trên.

Sau khi trở về nước, một giáo viên trong đoàn đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Thua từ vạch xuất phát – Cảm xúc khi ăn cơm cùng trẻ em Nhật Bản” trên các trang mạng xã hội Trung Quốc và nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bài học về lòng biết ơn

Ở Nhật Bản, trước bữa trưa, học sinh sẽ xếp hàng nói cảm ơn đầu bếp: “Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”. Tiếp theo, sau khi được giao đồ ăn, các em học sinh sẽ cúi đầu cảm ơn đầu bếp, thể hiện sự biết ơn với những người đã bỏ công chế biến đồ ăn cho mình. Ngoài ra, khi ngồi vào bàn ăn, trẻ sẽ cùng nói ‘Itadakimasu’ (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn) trước khi bắt đầu bữa ăn, và nói ‘Gochisosamadeshita’ (Cám ơn vì bữa ăn) khi đã ăn xong.

Học sinh Nhật Bản luôn nói cảm ơn trước và sau bữa ăn.

Ngoài ra, để dạy học sinh cách trân quý đồ ăn và quý trọng công sức của các bác nông dân, giáo viên Nhật không giảng “một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi, nên các em không được lãng phí…”, mà họ để học sinh trực tiếp trồng lúa và các loại rau củ trong vườn cây của trường. Các bé sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, tất nhiên là vẫn dưới có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm.

Các bé sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch.

Thay vì chỉ học lý thuyết trên sách vở, người Nhật đã dùng nhiều hành động thực tế để dạy cho trẻ biết được cách trân trọng đồ ăn, biết ơn những người đã tạo ra bữa ăn và cảm ơn vì mình đã được ngồi đây, ăn bữa cơm ngon miệng này.

Nguồn ảnh: trithuctre

Thiện Nam