Nhân dịp khai trương một cửa hàng tại Tokyo, Nhật Bản KitKat đã cho ra mắt một bộ sưu tập đặc biệt phù hợp tối đa với văn hóa ẩm thực của đất nước mặt trời mọc. Những thanh kẹo xốp phủ socola huyền thoại giờ đây được khoác trên mình một diện mạo khó tin: Những miếng sushi.

KitKat sushi – Lời nói dối ngọt ngào đã trở thành sự thật

KitKat Sushi, khó tin nhưng có thật (Ảnh: CNN.com)

Có ba loại KitKat Sushi cho bạn thưởng thức: Cá ngừ – nhím biển – trứng.

Người ta lựa chọn rất kĩ càng hương vị để tạo ra những miếng sushi ngọt ngào này. Quả mâm xôi kết hợp cùng với KitKat màu hồng đại diện cho hình ảnh một miếng cá ngừ tươi. Màu vàng dịu dàng của dưa lưới và vị ngọt dịu của bánh pudding bí đỏ đem tới hương vị tương ứng với sushi nhím biển và sushi trứng.

KitKat Sushi trứng – vị pudding bí đỏ (Ảnh: CNN.com)

Phần cơm quen thuộc của món ăn truyền thống được thay thế bằng bỏng gạo phủ socola trắng hoặc phô mai mascarpone. Tất cả được bọc trong một lớp tảo biển đặc trưng.

Nếu so sánh với những nguyên liệu đắt tiền của sushi, những nguyên liệu để làm món KitKat này không nổi trội lắm. Tuy nhiên, chính tạo hình và màu sắc hài hòa mà sushi mang lại đã khiến những chiếc kẹo socola trở nên hấp dẫn và mới mẻ hơn nhiều.

Thật đáng tiếc, bởi những chiếc KitKat sushi này chỉ được sản xuất dưới hình thức “phiên bản gới hạn” (limited edition) và được bán duy nhất tại cửa hàng Ginza ở Tokyo trong vòng 2 ngày, từ mùng 2 đến 4 tháng 2 năm nay. Rất nhiều người đã tiếc nuối vì vuột mất cơ hội thưởng thức món KitKat đặc biệt này. Mức giá của một hộp KitKat này cũng không quá “trên trời” so với thu nhập của người dân đất nước mặt trời mọc – 3000 yên (tương đương với 600.000 đồng).

Một hộp KitKat Sushi được bày bán tại cửa hàng Ginza ở Tokyo (Ảnh: savvytokyo.com)

Sản phẩm KitKat với vẻ ngoài độc đáo này thường được gọi đùa là “lời nói dối ngọt ngào đã trở thành sự thật”. Bởi năm 2016, nhân ngày Cá nói dối (mùng 1 tháng 4), nhãn hàng này đã tung ra một lời nói dối ngọt ngào về sự xuất hiện của KitKat sushi, khiến tất cả những người yêu KitKat Nhật hồi hộp chờ đợi.

Lời nói dối ngọt ngào năm 2016 (Ảnh: huffingtonpost.fr)

Những nhà sản xuất của KitKat không ngờ rằng lời nói dối của họ lại có ảnh hưởng và được trông đợi nhiều như thế. Đó chính là lý do tại sao, chiến dịch Makerting mùa xuân của nhãn hàng đã biến ước mơ nhỏ bé này của khách hàng thành sự thật.

“Tôn trọng truyền thống và thấu hiểu khách hàng” – Bí quyết marketing đáng học hỏi của người Nhật thông qua câu chuyện của thanh kẹo ngọt ngào.

Có thể bạn đã biết KitKat là một thương hiệu quốc tế và thanh keo socola này được phát minh lần đầu tiên tại Anh Quốc vào năm 1930. Tuy nhiên, hiện nay, đối với đa số người Việt và người dân các nước châu Á, KitKat Nhật Bản mới thực sự hấp dẫn và người dân Nhật đang dần coi chiếc kẹo này là một đặc sản của đất nước mình.

KitKat được phân phối lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1973, bởi một công ty có tên Fujiya. Ngay lập tức thanh kẹo nổi tiếng của châu Âu này đã được người dân Nhật Bản đón nhận một cách nhiệt thành. Bí mật không chỉ nằm ở chất lượng, sự kết hợp giữ vị ngọt, độ giòn xốp và hình dáng dễ bẻ, dễ ăn của sản phẩm, mà lại nằm ở chính cái tên của nó.

KitKat một thương hiệu quốc tế (Ảnh: nestle.com)

KitKat vốn là tên của một loại pa tê thường được dùng trong các hội quán dành cho giới chính trị gia và nhà văn tại Anh, nhưng khi về tới Nhật Bản, vô tình nó lại đồng âm với một cụm từ mang ý nghĩa rất tích cực trong tiếng Nhật “kitto katsu” (きっと勝つ), nghĩa là: Bạn chắc chắn chiến thắng.

Thêm vào đó, con người Nhật Bản lại sống thiên về tâm linh, với quan điểm rất rõ ràng: Để thành công trong bất kì công việc gì, cần có cả hai yếu tố: Sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân và sự may mắn mà cuộc sống trao tặng. Chính vì thế, KitKat đã vô tình trở thành một món quà cầu chúc may mắn của người dân Nhật. Thật ngọt ngào biết bao khi bạn có thể dành tặng cho một người thân đang trong trạng thái căng thẳng trước một kì thi quan trọng một thanh socola cùng lời chúc đầy quả quyết “Kitto katsu” – Bạn sẽ làm được mà!

Nhà sản xuất KitKat tại Nhật Bản đã nhanh chóng nắm bắt điểm lợi thế này. Vào năm 2000, họ đã bắt đầu một chiến dịch biến KitKat trở thành một món quà may mắn đồng hành cùng các sĩ tử trong kì thi Đại học quan trọng và căng thẳng tại Nhật Bản. Slogan được đưa ra cùng với thông điệp may mắn của sản phẩm: “Sảng khoái bản thân cùng KitKat ngay giữa kì thi căng thẳng” đã mang tới cho thương hiệu này một sự thành công rất lớn. KitKat từ đó đã trở thành một món ăn đồng hành với các sĩ tử mỗi mùa thi.

KitKat món quà may mắn (Ảnh: nipponconnection.fr)

Nhưng không dừng lại ở thành công này, KitKat còn muốn đưa sản phẩm của mình tới với nhiều người Nhật hơn nữa và khiến nó trở thành món ăn vặt được mọi người thực sự yêu thích.

Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, công ty phân phối của KitKat đã tiến hành quan sát để thấu hiểu được những khách hàng của mình. Họ nhận ra rằng, Nhật Bản là một nước ôn đới với bốn mùa rõ nét, mùa nào cũng sở hữu những hoa trái thơm ngon của mùa đó. Hơn thế nữa, đối với người Nhật những hoa quả là món quà vô giá của thiên nhiên luôn rất được nâng niu. Cũng trong năm 2000, Nestle Nhật bản đã đưa ra loại KitKat hương dâu đầu tiên và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Tinh tế hơn, nhà sản xuất còn khiến kẹo dâu cũng “có mùa” khi chỉ phổ biến loại hương vị này trong một khoảng thời gian cố định. Điều này càng khiến cho người dân Nhật thích thú và rất nhiều người đã mua sản phẩm này để tích trữ.

KitKat theo mùa – dâu tây (Ảnh: tofu cute)

Yếu tố yêu chuộng và muốn gìn giữ sự đa dạng của thiên nhiên thể hiện qua bốn mùa của người Nhật mới chỉ là yếu tố đầu tiên được công ty sản xuất KitKat khai thác. Cùng với sự sáng tạo và con mắt quan sát tinh nhạy của mình, nhà sản xuất tiếp tục khiến KitKat trở thành loại kẹo socola có nhiều hương vị nhất khi khai thác yếu tố “vùng miền”.

Năm 2003, KitKat Yubari – KitKat vị dưa lưới chính thức được phân phối tại Hokkaido. Nhà sản xuất đã dùng tên thành phố nổi tiếng về trông dưa lưới của Hokkaido là Yubari để đặt tên cho sản phẩm mới. Cách chọn tên sản phẩm này phản ánh sự thông minh của người Nhật, tên gọi kết hợp cùng hương vị dưa lưới đặc trưng đã trở thành sự quảng bá du lịch tuyệt vời cho địa phương.

KatKat đặc sản của Hokkaido (Ảnh: kitkat.com)

Nó vừa khiến người dân ở đây cảm thấy gần gũi, vừa khiến du khách thích thú. Bởi du khách đến với Hokkaido khó có thể mang hương vị dưa lưới tươi mát của vùng đất này về cho tất cả bạn bè và người thân khi mà mức giá của mỗi trái dưa là 200 – 10.000 đô la Mỹ (khoảng từ 4,5 – 200 triệu đồng). Nhưng với những phong KitKat chỉ có giá từ 7 đô-la (tương đương 160 ngàn đồng) thì điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Việc địa phương hóa các sản phẩm KitKat của Nhật Bản đã đạt được thành công lớn. Nó đã tạo ra sự đa dạng mang tính đặc trưng mà ít sản phẩm bánh kẹo nào có được. Bạn có thể hình dung, hiện tại ở Nhật có tới 200 mùi vị KitKat khác nhau. Khi tới với những vùng đất khác nhau của Nhật, bạn chắc chắn sẽ có cơ hội tìm hiểu nét đặc sắc trong ẩm thực của vùng qua những thanh KitKat: Đến Tokyo, chúng ta sẽ được thưởng thức KitKat vị mật ong đen; Kyoto là vị bánh quế và các loại trà; Okinawa là vị khoai lang tím nổi tiếng; Tohoku vị đậu tương,…

Loại kẹo có tới 200 hương vị (Ảnh: kanpai.fr)

Và tới 2004, KitKat dã tung ra sản phẩm khiến người mê kẹo nước Nhật “không thể kìm lòng” – KitKat matcha (KitKat trà xanh). Trà xanh đã khiến thanh kẹo socola thực sự đi vào lòng người dân Nhật Bản. Vị đắng chát đặc trưng của Matcha đã tạo nên một kết hợp không thể hoàn hảo hơn với vị ngọt và độ giòn của KitKat. Nhìn trước được sự yêu mến của người dân Nhật, Nestle Nhật Bản đã bày bán rộng rãi sản phẩm này chứ không phân phối theo mùa hay theo vùng miền như các sản phẩm khác.

KitKat trà xanh (Ảnh: tokyo-smart.com)

Với hương vị độc đáo của mình, trà xanh đã trở thành “sứ giả thương hiệu” của KitKat Nhật tại các quốc gia khác trên thế giới và trở thành một món quà lý tưởng của các du khách nước ngoài dành cho người thân và bạn bè của họ.

Chuyến chu du và sự biến hóa của KitKat Nhật chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Nhưng một đoạn hành trình của nó cũng đủ phong phú để chúng ta suy ngẫm. Phải chăng chính sự tôn trọng thiên nhiên và truyền thống là bệ phóng khiến sự sáng tạo của con người có thể bay xa tới như vậy?

Hy Văn 

Xem thêm: