Tại quảng trường Colón ở Madrid, Tây Ban Nha, có hai tháp nhà được cư dân ở đó gọi là “El Enchufe” hay “Phích cắm điện” vì nó trông giống như một chiếc phích cắm điện khổng lồ. Và ít ai biết được rằng, toà tháp này được xây dựng theo một cách vô cùng đặc biệt.
Tên chính thức của toà nhà này là “Tháp Colón” hay tháp đôi Columbus. Nhiều người cho rằng đó là toà nhà xấu nhất Madrid. Kiểu trang trí màu xanh ở đỉnh tháp cùng đồng và kính màu khói ở bề mặt làm các cư dân thành phố không mấy tự hào về nó. Tuy nhiên, tháp Colón từng là toà nhà chọc trời biểu tượng của Madrid khi nó mọc lên năm 1976. Trong suốt quá trình xây dựng, nó khiến nhiều người rất tò mò vì được xây từ trên đỉnh xuống dưới chân.
Đầu tiên người ta xây hai cột trung tâm bằng bê tông vững chắc. Sau đó tầng cao nhất được xây và treo bằng những sợi cáp sắt. Và cứ thế, người ta tiếp tục tạo nên các tầng còn lại từ trên xuống. Chỉ ba tầng dưới, gồm cả tầng hầm, là được xây từ dưới lên. Bên ngoài toà tháp được che phủ bằng kính màu hạt dẻ và màu xanh, và sau đó cấu trúc hình cái phích cắm điện được đưa lên nóc nhà.
Phương pháp xây từ trên xuống dưới được cho là tiết kiệm khá nhiều chi phí và thời gian vì chúng cho phép xây các tầng tại mặt đất rồi kéo lên đỉnh. Điều này tránh việc vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng và điều chuyển công nhân từ tầng nọ lên tầng kia.
Dù sử dụng kỹ thuật xây dựng không phổ biến, tháp đôi Colón không phải là toà nhà duy nhất được xây theo kiểu này. Ngân hàng trung ương của Ireland, và ngân hàng trung tâm Standard Bank ở Johannesburg, Nam Phi đều áp dụng phương pháp xây từ “đỉnh xuống đáy”.
Bên cạnh đó, có ít nhất ba toà nhà ở Ba Lan được xây từ trên xuống dưới. Toà Trzonolinowiec được xây từ năm 1961-1967 tại Wroclaw. Hai toà khác nằm ở thành phố Gdanks và Katowice.
Thủ đô Sofia của Bungaria cũng có một toà nhà như vậy, được xây vào những năm 1970.
Năm 1959, người ta cũng thử nghiệm kỹ thuật xây khác với một khu dân cư ở thành phố công nghiệp Magnitogorsk, Nga. Thay vì treo các tầng bằng các sợi cáp rồi xây dựng, chúng được xây dựng trước rồi nâng lên tới vị trí và sau đó nối cố định với các tầng ở trên.
Một biến thể khác của kỹ thuật này được phát triển ở Netherlands. Nó được gọi là Jackblock.
Trang mạng của Hội kỹ sư xây dựng Mỹ giải thích cách làm này như sau:
Tầng mái của toà nhà được xây dưới đất trên một số bệ đỡ lớn. Sau đó được nâng lên tới độ cao chính xác của nó trong khi các tầng khác được xây bên dưới. Rồi khối hai tầng dưới được kích lên cao hơn; và tầng thứ ba cùng tường được xây bên dưới. Ba tầng này sau đó được ghép với nhau và cùng được nâng lên cao tới độ cao chính xác như yêu cầu. Cuối cùng, khối nhà này được gắn chặt vào phần móng.
Xuân Dung
Nguồn ảnh: Amusingplanet