Nguyên Lý Liebig còn được gọi là nguyên lý Thùng Gỗ, được đặt theo tên nhà khoa học Justus von Liebig. Ông là một nhà hóa học người Đức có công phổ biến nguyên lý này vượt ra khỏi mục đích ban đầu của nó là ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Giờ đây nó được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực tâm lý, và được ứng dụng trong cuộc sống thường nhật để nói lên hệ lụy tiềm tàng của những điểm yếu của một tổ chức hoặc một cá nhân cụ thể.

Ban đầu nguyên lý này nói đến quy luật sinh trưởng của thực vật. Khi gieo hạt cây trồng người ta quan sát thấy rằng việc tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất không làm cho cây trồng phát triển tốt hơn. Ví dụ như khi trong đất đã có đủ hàm lượng các chất đạm, lân, kali, thì việc bón thêm các loại phân này cho đất thì năng suất tăng không đáng kể. Thế nhưng chỉ cần một loại vi chất bị thiếu hụt, chẳng hạn như sắt thì cây đó sẽ không thể phát triển được. Cho nên, mục tiêu là phải bổ khuyết cho các thành phần bị thiếu hụt chứ không phải là tập trung bón thêm nhiều loại phân bón vốn đã dư thừa trong đất.

Tổng kết lại thì nguyên lý trên được phát biểu như sau: “Sự sẵn có của các chất dinh dưỡng có nhiều trong đất nhất cũng chỉ mang lại hiệu quả bằng mức với sự sẵn có của các chất dinh dưỡng có ít trong đất nhất.”

Những thanh gỗ ngắn giới hạn khả năng chứa nước của thùng gỗ (Ảnh: wikipedia)

Không chỉ đúng với nông nghiệp, nếu nhìn nguyên lý Liebig dưới góc độ quản trị, nó cũng có thể đem đến cho chúng ta những bài học quý giá. Để hình dung khái quát hơn về nguyên lý này, chúng ta hãy cùng tưởng tượng về một thùng đựng nước bằng gỗ, mà ở đó, thành của thùng gỗ được ghép lại từ nhiều các mảnh gỗ có độ dài ngắn khác nhau. Theo đó, mức nước ở trong thùng sẽ chỉ cao ngang bằng với độ cao của thanh gỗ ngắn nhất. Nếu muốn gia tăng dung tích chứa nước của thùng gỗ thì người ta buộc phải tăng chiều dài của thanh gỗ nào ngắn nhất, chứ không phải là thanh dài nhất.

Đây là một trong những nguyên lý cơ bản xuất hiện trong đời sống thường nhật, nhưng rất ít khi mọi người có thể dừng lại và suy ngẫm về nó. Đa số chúng ta tự tin về điểm mạnh của mình và phớt lờ những lỗ hổng hoặc mặt yếu kém của bản thân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng lực của mỗi cái nhân không thể được thể hiện đầy đủ trong nhiều trường hợp.

Đừng xem thường “Gót chân Achilles” của bạn

Gót chân Achilles – Câu ngạn ngữ nói về điểm yếu chí tử của một người mạnh mẽ (Ảnh: Pixabay)

Nếu là một người yêu thích truyện cổ Hy Lạp, chắc hẳn bạn còn nhớ đến câu ngạn ngữ “Gót chân Achilles”, một người anh hùng với cơ thể tráng kiện và không thể bị tổn thương bởi vũ khí. Ấy thế nhưng chỉ duy có gót chân của anh là không có được năng lực đó. Và hiển nhiên khi chiến đấu với kẻ thù, thì điểm yếu duy nhất này đã bị đối phương tận dụng để chiến thắng Asin.

Mỗi con người chúng ta đều có một gót chân Asin như thế. Biết bao lần cơ hội thăng chức của ta bị lỡ làng chỉ vì khả năng ngoại ngữ kém cỏi, hoặc vì kỹ năng giao tiếp không tốt. Khi còn là học sinh, cách chấm điểm của trường học cũng là như vậy. Để được là học sinh giỏi thì điểm trung bình của các môn phải từ 8.5 trở lên và không có môn nào dưới trung bình. Có những người điểm tổng kết các môn tự nhiên đều 9,5 nhưng chỉ duy có môn thể dục là không đạt mức khá. Vì thế mà kết quả là học kỳ ấy anh ta chỉ là học sinh khá mà thôi.

Những mắt xích yếu của một đội bóng cũng luôn là nơi mà đối phương tập trung nhiều nhất. Giả sử trong bóng rổ, người phòng thủ kém nhất của đội ở vị trí hậu vệ cánh trái. Như vậy đội bạn sau một vài lần tấn công sẽ rút ra quy luật và tấn công nhiều hơn ở cánh trái, đồng thời khi phát hiện cá nhân sở hữu kĩ năng tốt và là người tấn công chủ lực của chúng ta, họ cũng cố gắng thay đổi đội hình, dành nhiều sự quan tâm hơn để hạn chế tầm hoạt động của anh này trong những đợt phòng thủ. Như vậy người giỏi nhất không thể phát huy được tối đa năng lực của mình, còn người kém nhất lại bị đối phương khai thác triệt để.

Những môn thể thao là nơi vân dụng triệt để nhất nguyên lý Liebig (Ảnh: Flickr)

Trước khi Intel trở thành tượng đài trong ngành chế tạo vi mạch điện tử, giới công nghệ đã có thói quen coi mọi sự cố gắng để cải thiện sức mạnh của bộ vi xử lý là yếu tố quyết định đến việc chiếc máy tính đó có đáng giá tiền hay không. Tất cả đều bỏ qua một điểm yếu đáng sợ: Vi xử lý càng mạnh thì máy tính càng nóng, và hiệu suất càng giảm. Suýt chút nữa, Intel đã đi vào ngõ cụt nếu cứ lao vào tìm kiếm công nghệ cải thiện sức mạnh như những người khác. May thay, có một nhóm kỹ sư Isarel đưa ra giải pháp ngược lại, giảm hiệu suất bộ vi xử lý nhưng tăng hiệu quả hoạt động của máy tính bằng phương án khác. Nhờ vậy Intel tiếp tục đà phát triên chưa từng có, và hầu hết máy tính hiện nay đều sử dụng sản phẩm của công ty này.

Nguyên lý Liebig là một lời nhắc nhở tất cả mọi người rằng, thay vì tập trung thời gian cải thiện những điểm mạnh và tự hào rằng mình rất giỏi giang, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải ra soát lại những điểm yếu nhất của bản thân và của tổ chức. Bởi vì cùng một khoảng thời gian và công sức bỏ ra, thì việc khắc phục điểm yếu đảm bảo đem lại lợi ích nhiều hơn là việc chỉ tập trung vào điểm mạnh. Hay nói cách khác, chính những thanh gỗ ngắn nhất trong “thùng nước năng lực” của bạn đang cản trở và tạo ra giới hạn cho bạn chứ không phải những thanh gỗ dài nhất.

Vậy đã đến lúc nghiền ngẫm và lên kế hoạch sửa chữa thùng nước năng lực của chính mình rồi!

Nguyên Trực