Câu chuyện dưới đây là tâm sự của một người mẹ trẻ hiện đang sống ở Mỹ. Sinh ra và lớn lên tại châu Á, lại được thừa hưởng nền giáo dục Á Đông từ nhỏ, nhưng chỉ khi hòa nhập vào cuộc sống Tây phương cô mới nhận ra rằng: Thì ra mình không biết cách nói chuyện với con trẻ!

Trong chuyến du lịch lần đó, mẹ cũng tham gia cùng với chúng tôi. Mẹ tôi đã sống hơn nửa cuộc đời ở Trung Quốc, mãi tới khi tôi kết hôn rồi sinh con, mẹ mới có dịp sang Mỹ thăm con cháu. Khoảng cách giữa hai thế hệ, lại thêm sự khác biệt giữa nền văn hóa hiện đại của Châu Á và văn hóa Mỹ, đã khiến tôi nhận ra những thiếu sót trong cách giáo dục con cái của người Châu Á Tôi cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến con cái chúng ta thiếu tự tin và khó hòa nhập vào xã hội.

Cú pháp câu tiêu cực

Khi tôi còn nhỏ, trong mắt tôi mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ tần tảo sớm hôm và luôn luôn hết lòng chăm sóc chúng tôi, tình cảm trong gia đình tôi cũng vô cùng thân thiết. Khi con gái tôi ra đời, mẹ cũng chứng tỏ là một người bà yêu cháu hết mực. Bởi vậy mà trong suốt chuyến du lịch lần này, mẹ cũng rất thân mật với con gái tôi, hai bà cháu thường xuyên cười nói chơi đùa. Chỉ có điều, mẹ tôi cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác, rất thích sử dụng cú pháp câu tiêu cực, làm chúng tôi suýt nổ tung cái đầu.

mang-con(Ảnh minh họa: nguồn internet)

Bất cứ khi nào con gái tôi làm một việc gì đó, mẹ luôn ở bên cạnh bắt chuyện. Bà không có ác ý, nhưng cách nói lại dễ gây hiểu lầm cho những người Mỹ – vốn không am hiểu văn hóa Trung Quốc: “Lại vẽ nữa rồi! Cháu thích vẽ tranh đến vậy sao? Mau đổi việc khác để làm đi”; hay “Lại vẽ cá, tại sao lại thích vẽ cá đến vậy?”, hoặc “Lại xem cuốn sách này, cháu xem không chán hả?”

Khi con gái tôi chọn xong quần áo và đang chuẩn bị mặc, mẹ tôi nói: “Bộ đồ này không đẹp, mặc bộ này đi”, “Lại mặc bộ này, cháu vẫn còn nhiều quần áo chưa mặc đến, mau đổi bộ khác đi!”

Con gái tôi xem sách khủng long một cách chăm chú, mẹ tôi đang ở bên cạnh đột nhiên bắt chuyện: “Lại là khủng long, con gái người ta đều thích công chúa, tại sao cháu lại thích khủng long?”

Hai bà cháu ngồi trên ghế ca hát, mẹ tôi sẽ đính chính: “Cháu hát sai rồi, lời bài hát không phải như vậy đâu.”

Con gái tôi hỏi đồ chơi này mua ở đâu, mẹ tôi sẽ trả lời: “Lần trước mua ở công viên nước đó, cháu quên rồi hả?”

Con gái chưa ăn sáng xong, mẹ tôi nói thêm vào: “Sao cháu không uống hết sữa thế hả?” hoặc “Bà bóc vỏ chuối cho cháu rồi mà cháu cũng không ăn”.

Con gái tôi không muốn ăn vặt, mẹ tôi sẽ nói: “Những đứa trẻ khác đều thích ăn nho khô, tại sao cháu không thích ăn?”

Tôi biết mẹ rất đơn thuần và không có ác ý, tuy nhiên khi nghe những câu nói này, không hiểu sao tôi lại cảm thấy câu nào cũng là phê bình, phủ định, trách móc và nghi ngờ?

Câu tiêu cực cũng có thể kích nổ “quả bom” cảm xúc

Từ nhỏ tôi đã sợ nghe những mẫu câu tiêu cực, bởi nó tạo cảm giác như đang bị trách tội và không được tán đồng. Cho dù tôi đã nghe suốt 40 năm nhưng vẫn thấy khó chịu, nữa là chồng tôi vốn sinh ra trong nền văn hóa Mỹ. 3 người lớn và một trẻ nhỏ cùng chen chúc trong xe cắm trại mới được khoảng một tuần, chồng tôi đã bắt đầu phàn nàn với tôi. Một tháng sau, trong lúc anh ấy đang buồn bực, chỉ vì một câu nói của mẹ với con gái tôi mà quả bom cảm xúc trong anh đã bùng nổ.

nguoi-lon-cai-nhau(Ảnh minh họa: nguồn internet)

Sáng sớm hôm ấy khi vừa đến vườn quốc gia Zion, con gái tôi vứt một tờ khăn giấy vào trong thùng rác, mẹ tôi thuận miệng nói một câu: “Tờ khăn giấy đó vẫn chưa dùng qua, sao cháu lại đem vứt?” Chồng tôi đang ngồi trên bàn ăn sáng, đúng lúc tâm trạng khó chịu liền tìm được cớ trút giận: “Nó muốn vứt thì vứt, tại sao chuyện gì cũng phải phê bình nó?”

Mẹ tôi thực sự không có ý phê bình, thật ra mẹ chỉ muốn nói với cháu gái rằng: “Khăn giấy chưa sử dụng thì đừng vứt đi”. Nhưng vì dùng mẫu câu tiêu cực để hỏi, lời nhắc nhở ấy tự nhiên trở thành “lời phê bình”.

Đây vẫn là chuyện nhỏ nhặt, những mẫu câu thường được nghe thấy ở xung quanh còn có rất nhiều :

Câu nói kiểu “đáng đời”: “Cháu xem, lúc nãy chẳng phải bà bảo cháu đừng chạy quá nhanh sao, bây giờ bị ngã rồi đúng không?”. “Chẳng phải bà dặn cháu không được chơi cái này sao, giờ thì cháu làm hỏng rồi đó.” “Lại chảy nước mũi rồi, bà dặn cháu mặc áo khoác mà cháu không nghe!”

Mẫu câu kiểu chế nhạo : “Cháu đang vẽ con chim non à? Không giống chút nào cả”, “Người khác ai cũng biết, sao cháu lại không biết?”, “Cháu nói cái gì mà không ai hiểu cả!”, “Xấu hổ quá, thật buồn cười”.

Mẫu câu kiểu đe dọa : “Cháu khóc nữa là bà tét mông đấy!”, “Còn không ngoan là bà gọi bố cháu đến”, “Cháu còn như vậy, lần sau bà sẽ không đưa cháu ra ngoài chơi nữa.”

Mẫu câu kiểu trách móc: “Đứng im!”, “Đừng nghịch nữa !”, “Sao cháu ăn mặc phong phanh thế?”, “Tại sao lại ngốc như vậy? Cái này cũng không hiểu!”

mang-con-cai(Ảnh minh họa: nguồn internet)

Những cách nói như trên có thể phá hủy lòng tự trọng của con trẻ ở các phương diện khác nhau. Lớn lên trong phương thức giáo dục như vậy, ai còn có thể có tự tin vào chính mình?

Có lẽ có người sẽ hỏi: “Chẳng lẽ chỉ có phụ huynh chúng ta mới nói chuyện như vậy, còn các bậc cha mẹ người Mỹ lại không như vậy sao?” Tôi không dám khẳng định là không có, nhưng từ khi định cư ở Mỹ, tôi thực sự rất ít nghe thấy.

Có lẽ vì không có sự ràng buộc của các định kiến xã hội, cách người Mỹ giao tiếp cũng khác xa chúng ta. Cha mẹ người Mỹ phần lớn là sử dụng mẫu câu mang tính ủng hộ, như: “Con vẽ rất đẹp!” “Làm tốt lắm!” “Tuyệt vời!” “Trận bóng này đá rất hay!” Hoặc đơn giản là hưởng ứng cảm nhận và tâm trạng của con: “Con đu cao quá, vui quá!” Nếu như có kỳ vọng với con, họ sẽ trực tiếp nói cho con cái biết nên làm gì, như: “Đến giờ rồi, đi thôi con”, “Con ngồi vững nhé” chứ không phải là không được làm cái này cái kia. Đôi lúc, họ sẽ im lặng không can thiệp, để con cái tự do tận hưởng chuyện chúng thích. Tôi thấy quan hệ gia đình ở Mỹ rất ít có cảnh căng thẳng đối đầu. Họ hòa nhã, tôn trọng lẫn nhau và độc lập với nhau (đương nhiên cũng có lúc khiến người ta toát mồ hôi lạnh). Trưởng thành trong môi trường được khẳng định và được ủng hộ, chẳng trách trẻ em ở Mỹ luôn hoạt bát và hòa đồng.

Phục chế văn hóa giáo dục

Tôi không trách mẹ tôi, vì tôi biết mẹ tôi chỉ tái diễn lại kinh nghiệm tuổi thơ và hình thức giáo dục truyền thống. Tuy bà cũng là nạn nhân trong chuyện đó, nhưng lại không có cơ hội thoát khỏi hoàn cảnh lúc ban đầu để phán đoán đúng sai một cách khách quan. Quan niệm truyền thống cho rằng “lời khen sẽ làm trẻ nhỏ trở nên kiêu căng”, hay “con nít không bị mắng sẽ không ngoan”, do đó người ta thường dùng cách thức phê bình, trách móc, phủ định để nói chuyện với con. Ví dụ như tôi, tôi cũng thường xuyên mở miệng nói những câu tiêu cực mà ngay đến bản thân tôi cũng khó chịu. Ngay cả trong nhiều cuốn sách cũng thường dùng câu “tuyệt đối không được…”, “đừng tiếp tục…”, “những chuyện không được làm” để làm tiêu đề – đây không phải vấn đề của một cá nhân, mà là vấn đề của toàn bộ xã hội.

day-con-van-hoa(Ảnh minh họa: nguồn internet)

Con gái tôi tiếp xúc với bà ngoại liên tục một tháng trời, đối mặt với mẫu câu tiêu cực cứ một lúc lại xuất hiện, nó rất tự nhiên muốn bảo vệ mình. Nó sẽ kiên trì với lựa chọn của mình để đáp lại lời phê bình và trách móc của bà ngoại, nhiều lúc không chịu nổi còn cãi lại. Có lẽ có người sẽ nói: “Con nít sao có thể cãi lại?” nhưng rõ ràng cách nói chuyện của người lớn lại vô tình hình thành “bình phong phòng vệ” trong tiềm thức con trẻ.

Chúng ta phải học nói chuyện lại từ đầu

Sau lời trách của chồng tôi, mẹ uất ức nói với tôi rằng: “Mẹ vốn dĩ không phải đang phê bình mà!” Tôi nói: “Con biết là anh ấy không nên nổi giận, nhưng ở Mỹ người ta thường không nói chuyện như vậy, nên anh ấy mới hiểu lầm”. Chúng ta đều phải học nói chuyện lại từ đầu, cùng một sự việc, dùng câu phủ định và câu khẳng định để diễn đạt, cảm giác khi nghe hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, nếu như đổi “Vì sao vẫn chưa uống sữa?” thành “Con uống hết sữa đi nhé”, chẳng phải nghe thuận tai hơn nhiều sao?

Mẹ tôi gật đầu.

Sự ảnh hưởng của văn hóa vừa sâu vừa rộng, mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn vô tình mở miệng nói ra những câu tiêu cực. Cũng may là tôi đã ý thức được vấn đề, cũng học được là trước khi lời nói ra khỏi miệng thì phải dừng lại 3 giây, loại bỏ câu nói tiêu cực, và đổi thành mẫu câu tích cực rồi mới nói ra (ví dụ như là trực tiếp nói với con là hy vọng nó làm cái gì, chứ không phải là trách nó tại sao không làm). Quan trọng nhất là, chúng ta cần phải dừng lại việc sao chép kinh nghiệm của lúc nhỏ, vứt bỏ hết ý thức nóng nảy muốn phê bình, trách móc, cười nhạo con đi, dùng thái độ mới để đối xử với con cái chúng ta. Chúng không cần trải qua quá trình bị phá hủy lòng tự trọng, mà là có thể ở trong sự ủng hộ và tình yêu vô điều kiện mà mạnh mẽ trở thành những con người đầy tự tin.

Kết

Chặng cuối chuyến du lịch, trên tuyến xe buýt từ Disneyland ở California về khu cắm trại, ông lão người Mỹ ngồi bên cạnh chào hỏi với con gái tôi. Con gái tôi lúc đó trốn ở vào lòng tôi, làm tôi thấy có chút ngượng ngùng. Tôi nói với con gái: “Chào hỏi đi chứ, con xấu hổ sao?”, ông lão người Mỹ lập tức đính chính lại. Ông nói một cách nghiêm túc: “Đừng nói rằng xấu hổ, cô nói như vậy cháu bé sẽ trở nên xấu hổ đó!”

Cám ơn ông lão người Mỹ đã giảng cho tôi một bài học.

Châu Yến biên dịch

Xem thêm: