Thời tiết nắng nóng luôn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm hư hỏng đồ ăn. Ngày nay, chúng ta có thể bảo quản và kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm bằng cách đơn giản là cho vào tủ lạnh. Nhưng ngày xưa thì sao?
Người xưa chưa bao giờ lạc hậu so với chúng ta, bởi trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống họ cũng có những phát minh độc đáo, sáng tạo và cực kỳ an toàn. Không dùng đến tủ lạnh như con người ngày nay, tổ tiên của chúng ta đã chế tạo ra những công cụ làm lạnh tới 6 độ giữa ngày hè nắng nóng mà chẳng cần đến điện, hay thậm chí có thể làm mát và bảo quản đồ ăn ngay giữa sa mạc rát bỏng.
Người Ba Tư cổ đại làm “tủ lạnh” giữa sa mạc
Vào năm 400 TCN, vương quốc Ba Tư bị bao vây giữa sa mạc nóng bức và khô cằn. Sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt với cái nắng như thiêu như đốt, người dân đã phải tìm cách làm đồ mát để ăn, uống. Khi đó chưa có điện năng, nhưng các kỹ sư Ba Tư cổ đại đã phát minh cách bảo quản lạnh độc đáo giúp họ bảo quản đồ ăn và trữ được đá trong suốt mùa hè. Họ gọi những máy giữ lạnh khổng lồ này là Yakhchal.
“Tủ lạnh” Yakhchal có hình dạng giống như một tổ ong trồi lên mặt đất. Đây là một kiến trúc hình tháp nón, rỗng ruột. Không gian trống bên trong là nơi cất băng đá làm mát, bảo quản thức ăn giữa sa mạc bỏng rát. Các kỹ sư Ba Tư đã đóng băng nước vào mùa đông và lưu trữ đá dưới mặt đất để sử dụng trong mùa hè.
Yakhchal hoạt động theo nguyên tắc sau: một ganat, một hệ thống mương dưới lòng đất, chuyển nước tới hầm băng. Ở đây, nước bị đóng băng vào buổi đêm. Sau đó, những tảng băng này được đập nát ra và đưa vào lưu trữ tại những tủ riêng biệt, nơi chúng có thể dễ dàng được chuyển đi khi cần.
Cấu trúc thiết kế của Yakhchal cho phép không khí lạnh đi vào đến đáy của mái vòm và đi xuống tới các bộ phận thấp nhất của cấu trúc. Trong khi đó, mái vòm hình nón cao lớn của Yakhchal giúp nhiệt thoát lên trên và ra ngoài. Bằng cách này, bên trong Yakhchal vẫn lạnh quanh năm.
Yakhchal được tạo nên từ hỗn hợp của cát, đất sét, lòng trắng trứng, chanh, lông dê, và tro với một tỉ lệ nhất định mà chỉ người Ba Tư cổ đại mới biết, tạo thành loại vữa cách nhiệt đáng kinh ngạc gọi là Sarooj. Các nhà khảo cổ còn khẳng định nó có thể chống thấm nước rất tốt. Sarooj có thể ngăn cản sự truyền nhiệt, đóng vai trò hiệu quả trong việc ngăn ánh mặt trời vào mùa nắng.
Những người dân Ba Tư cổ đại đã đến các Yakhchal để thưởng thức món ăn và đồ uống lạnh trong mùa hè, đặc biệt là faloodeh – món tráng miệng đông lạnh truyền thống của họ. Một số Yakhchal sót lại từ thời cổ đại vẫn bền vững cho đến ngày nay.
Tủ lạnh Zeer Pot
Zeer Pot được sử dụng rất nhiều tại các hộ gia đình nghèo ở vùng nông thôn Châu Phi và Trung Đông, nơi có nắng nóng khủng khiếp và nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C. Mặc dù người dân sử dụng Zeer Pot chỉ với mục đích bảo quản thức ăn tươi lâu hơn chứ không đáp ứng được mọi nhu cầu như chiếc tủ lạnh thông thường nhưng có một điều ngạc nhiên là nếu đặt Zeer Pot trong một môi trường cực khô có độ ẩm không khí rất thấp và có 1 luồng gió nhẹ thổi qua chậu liên tục thì khoảng không chứa thức ăn bên trong Zeer Pot có thể hạ xuống tới mức gần 6 độ C.
Chế tạo một chiếc Zeer Pot vô cùng đơn giản. Thành phần của chiếc “tủ lạnh” này chỉ bao gồm 2 chiếc chậu đất nung lồng vào nhau, ở giữa 2 lớp chậu có đổ 1 lớp cát ướt để cách nhiệt của lớp trong với môi trường và thu nhiệt trong chậu đẩy ra ngoài môi trường. Tuy đơn giản nhưng Zeer Pot áp dụng rất nhiều kiến thức vật lý nên hiệu quả sử dụng rất cao.
Các phương pháp bảo quản khác
Ngoài việc chế tạo “tủ lạnh”, người xưa còn áp dụng nhiều cách khác để bảo quản thực phẩm.
Đóng hộp là cách bảo quản thực phẩm phổ biến của người xưa. Thực phẩm được chế biến sơ hoặc nấu kỹ, sau đó cho vào lọ (thường là lọ thủy tinh hoặc lọ sứ) và vặn chặt nắp để không khí không lọt vào. Cách này có thể sử dụng với hầu hết các loại thực phẩm như thịt, cá, rau củ quả…
Làm khô cũng là cách đơn giản để kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm. Nấm mốc thường sinh sôi trong môi trường ẩm ướt, vì vậy người xưa thường treo thực phẩm để làm khô tự nhiên dưới ánh mắt trời và gió, hoặc làm khô bằng lò.
Dùng muối để bảo quản thịt là cách bảo quản được dùng từ rất lâu. Vi khuẩn không thể sống và sản sinh ở những nơi có nồng độ muối trên 10%. Người xưa đã dùng hỗn hợp muối và đường để xát lên những miếng thịt mỏng, sau đó trữ ở môi trường thoáng mát.
Xông khói là một dạng làm khô thực phẩm, đồng thời tăng thêm hương vị và màu sắc. Thịt xông khói thường khó bị mốc hơn thịt thông thường. Người xưa thường muối thịt, sau đó xông khói để bảo quản tốt hơn.
Định Quân