Mới đây, IKEA, hãng sản xuất đồ nội thất nổi tiếng Thụy Điển vừa tiến hành một thí nghiệm trực tiếp mang tính cộng đồng. Doanh nghiệp này mong muốn thông qua thí nghiệm giúp người xem hiểu rõ hơn về những tác hại có thật của sự miệt thị bằng ngôn ngữ.
Theo trang Bored Panda đưa tin, thí nghiệm này nằm trong chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng nhân “ngày chống lại sự bắt nạt”, ngày 4/5 tại Trung Đông. Thí nghiệm được tiến hành tại một trường trung học, với sự giúp sức của hàng nghìn học sinh.
IKEA đã chọn trong số các sản phẩm của mình hai cây thiết mộc lan khỏe mạnh đồng đều để tham gia thí nghiệm. Cả hai đều được đặt ở sảnh của trường học, nơi các học sinh dễ dàng đến để thực hiện thí nghiệm. Trong vòng 30 ngày, người ta cho một cây thiết mộc lan nghe những lời khen ngợi, động viên tinh thần từ các học sinh của trường. Trong khi đó, cây còn lại nghe những lời chế giễu, hận thù. Nói cách khác nó sẽ bị các học sinh trong trường “bắt nạt” và miệt thị bằng lời nói.
Các học sinh được khuyến khích ghi âm lại lời nói của mình để bày tỏ tình yêu thương với cây đầu tiên và đưa ra những lời chỉ trích với cây thứ hai. Sau 30 ngày, kết quả của thí nghiệm đã tự nói lên rất nhiều điều. Cây được nhận những lời khen tặng, động viên và yêu thương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, cây nhận được những lời chỉ trích, miệt thị phát triển khó khăn, mang dáng vẻ u buồn với những chiếc lá chuyển màu ủ rũ.
Cả hai cây được chăm sóc với những điều kiện hoàn toàn giống nhau: Người ta tưới cho cả hai cùng một lượng nước mỗi ngày. Chúng được tiếp xúc với cùng một cường độ ánh sáng mặt trời và lượng phân bón đều nhau. Điều khác biệt duy nhất mà hai cây thiết mộc lan này nhận được là những tương tác của các học sinh: Một luôn được nhận những lời yêu thương, một luôn phải lắng nghe sự hằn học. Sau 30 ngày, dáng vẻ bề ngoài của những cái cây đã giúp IKEA nói lên tron vẹn những điều họ muốn gửi gắm.
“Ở IKEA chúng tôi tin rằng hạnh phúc được lan tỏa thông qua cách mà chúng ta đối xử với người khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiến thêm một bước để lan tỏa một điều tích cực”. Đây chính là khởi điểm cho thí nghiệm đặc biệt này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta miệt thị một cái cây trong vòng 30 ngày?
IKEA quyết định làm một thí nghiệm thực tế, để mọi người có thể tận mắt thấy được tác hại của những lời chỉ trích, thù hằn.
Họ đặt hai cái cây trong một ngôi trường.
Ở đó, một cây sẽ bị miệt thị bằng những ngôn từ tiêu cực.
Cây còn lại được đón nhận những lời khen, sự động viên.
Cả hai cây đều được chăm sóc tuyệt đối đồng đều.
Cả hai nhận được lượng nước, ánh sáng mặt trời, phân bón đều nhau.
Và đây là kết quả sau 30 ngày.
Ông cha ta từ ngàn xưa đã từng căn dặn con cháu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời dạy ấy phải chăng cũng có cùng tinh thần với những điều mà IKEA muốn truyền tải.
Lời nói tưởng chừng như thốt ra rồi là xong hết, nó không còn lưu lại gì để mắt thường của ta có thể nhìn thấy. Nhưng ở một nơi khác, chính là trong tâm hồn và trái tim của người nghe, lời nói rất có thể là con dao sắc nhọn đang làm tổn thương họ. Vậy nên cần cẩn trọng với lời ăn tiếng nói của mình. Nói cần có suy nghĩ chín chắn về những gì mà người đối diện có thể chịu đựng được, có thể tiếp thu.
Thí nghiệm thú vị mà IKEA mang đến đã làm được một điều thật tốt lành cho con người:
Thí nghiệm để chúng ta nhìn thấy tận mắt rằng những lời nói ác ý, thù hằn thực sự chứa đựng năng lượng xấu, có thể tác động tiêu cực tới sự sống như thế nào.
Thí nghiệm này cho mỗi cá nhân, đặc biệt là các học sinh đã trực tiếp tham gia một cơ hội để suy nghĩ về cách đối xử với những người xung quanh: Một cái cây có thể mất dần sức sống chỉ trong 30 ngày dù được chăm nom đầy đủ, nhưng phải nhận quá nhiều những lời miệt thị. Vậy một con người, một em nhỏ liệu có phải cũng đang mất dần niềm tin, tình yêu với cuộc sống, với bản thân khi chịu đựng những lời miệt thị từ người khác.
Nếu một lần xem được những bức ảnh này, xin bạn hãy dừng lại lâu hơn một chút trước khi muốn cay nghiệt với ai đó, dù là trong lúc chúng ta tức giận. Bởi những lời lẽ hằn học, chỉ trích chỉ có thể đem đến những hậu quả tiêu cực chứ không bao giờ có thể cảm hóa con người, giúp họ trở nên tốt hơn.
Vì thế, trong những môi trường có mục đích truyền thụ kiến thức, kỹ năng, những nơi mà mỗi lời nói của người đi trước có thể chắp cánh cho ý chí, khả năng học tập, vươn lên của những người khác sẽ không có chỗ cho những lời lăng mạ. Thay vào đó, nếu một lòng muốn giúp người khác lĩnh hội được nhiều kiến thức hơn, người đi trước sẽ hiểu rằng những lời động viên chân thành, góp ý thẳng thắn mới là những lời nên nói.
Hy vọng rằng, cô giáo tiếng Anh có những lời lẽ thô tục với học viên trong thời gian gần đây sẽ đọc và thấy được những hình ảnh này. Để rồi, cô có thể dũng cảm bỏ qua một bên những ồn ào của dư luận, bình tâm lại để suy xét những lời mình đã nói, những điều mình đã làm. Chỉ có thực tâm nhận ra chỗ thiếu sót của mình, người ta mới có thể bắt đầu một sự sửa đổi từ bản chất.
Hy Văn