Cuộc đời thấm nước mắt của những đứa trẻ bị bỏ rơi đi tìm mẹ luôn chạm đến trái tim của nhiều người. Câu chuyện tìm mẹ của Melissa Ohden ở bệnh viện Saint Luke, thành phố Sioux (Mỹ) – đứa bé may mắn sống sót trong thùng rác sau ca phá thai của người mẹ giữa mùa đông lạnh lẽo khiến bất kỳ ai cũng xúc động rơi lệ.
Năm 1977, mẹ của Melissa đã tin rằng dung dịch muối mà bác sĩ đưa vào tử cung mình suốt 5 ngày qua đã khiến thai nhi 8 tháng tuổi trong bụng mình chết đi. Tuy nhiên, Melissa đã may mắn được cứu sống.
Trong cuốn tự truyện của mình, cô chia sẻ sở dĩ trái tim cô vẫn đập cho đến hôm nay là nhờ một nữ y tá tại bệnh viện. Người nữ ý tá đã nghe thấy tiếng khóc yếu ớt, hơi thở hổn hển và cử động mỏi mệt của một đứa bé từ trong thùng rác của bệnh viện.
Người y tá đã lập tức đưa cô bé vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đứa trẻ bị vàng da, suy hô hấp và động kinh. Các bác sĩ cho rằng, dù cho em bé khi đó sống sót được cũng sẽ bị những vấn đề về thị lực, thính lực và chậm phát triển. Đó chính là Melissa tội nghiệp, cuối cùng cô đã được cứu sống và chuyển đến Bệnh viện Đại học Y ở thành phố Iowa.
Sau 3 tháng, Melissa được gia đình Linda và Ron Ohden nhận nuôi cùng với một đứa trẻ khác hơn Melissa 4 tuổi tên là Tammy. Gia đình Linda vẫn giữ liên lạc với nữ y tá Mary để cập nhật tình hình phát triển của con gái, sau này khi Melissa lớn hơn cô tự tay viết thư gửi cho Mary. Cô cho biết: “Mary và tôi có một tình bạn đặc biệt kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Tôi cảm nhận chỉ có cô ấy là lo lắng cho tôi hơn cả”.
Khi là một đứa trẻ 5 tuổi, cơ thể Melissa phát triển hoàn toàn bình thường. Bố mẹ nuôi đón nhận thành viên mới, chính là cậu con trai ruột Dustin của họ chào đời. Trong một lần tranh cãi với Tammy, Melissa đã phát hiện ra thân phận thật sự của mình. Cô kể lại: “Tôi chạy đến bên bố mẹ và cuối cùng họ đã nói với tôi sự thật đau lòng, rằng tôi đã sống sót sau vụ phá thai thất bại. Họ từng dự định sẽ không bao giờ để tôi biết điều này. Đêm đó, tôi cảm giác như thế giới của mình ngừng quay. Tức giận, sợ hãi, hổ thẹn và thậm chí cảm thấy tội lỗi vì đã sống”.
Melissa sau đó đã trải qua những ngày tháng rất đau đớn về tinh thần, cuộc sống sa đọa, buông thả bản thân và thậm chí còn nghiện rượu. Cô kể lại: “Tôi uống rất nhiều để xoa dịu nỗi đau. Bố mẹ không hề nhận ra tôi đau đớn thế nào vì tôi giấu cảm xúc rất giỏi”.
Thời gian cũng làm nguôi đi sự đau đớn của Melissa, cô cân bằng lại tâm lý và đi học. Đã tuổi 19, khao khát lớn nhất của Melissa là tìm cách biết rõ về nguồn gốc của mình. Việc này thực sự khá khó khăn vì trên giấy nhận con nuôi của cô có rất ít thông tin về bố mẹ. Vì thế, danh tính của gia đình cô vẫn là một điều bí ẩn. Sau khi Melissa biết sự thật về việc có mặt của mình trên đời này, cô đã dành gần hai thập kỷ để tìm kiếm câu trả lời.
Cô học tại trường Đại học South Dakota, ngành Khoa học Chính trị. Tại đây, Melissa biết rằng mẹ ruột mình cũng từng học ở đây và thậm chí bà ngoại của cô là một giáo sư giảng dạy ở nơi này. Cô tâm sự: “Tôi tự hỏi liệu chúng tôi đã vô tình gặp mặt nhau mà không hề hay biết”.
Melissa sau đó chuyển đến thành phố Sioux sinh sống – nơi cô chào đời. Cô lục tìm tất cả nhưng nơi có thể với hy vọng nhìn thấy một bức hình giống mình thì chắc chắn đó là mẹ. Melissa đã đăng cả tin tìm mẹ trên tờ báo địa phương nhưng chẳng hề có kết quả tốt đẹp.
Năm 30 tuổi cô tìm được manh mối của ông bà ngoại nhưng thật tiếc là họ lại không nhận cô và viết thư trả lời rằng giữa cô và họ chẳng có mối liên hệ gì, ông ngoại Mellisa đã viết: “Ông nói rằng tôi ra đời không phải là dự tính của họ. Ông nói thêm rằng tôi không thể tìm kiếm mẹ ruột của mình qua họ vì họ và mẹ tôi hoàn toàn xa lạ. Rõ ràng mối quan hệ của họ không được tốt sau khi tôi ra đời. Tôi biết có điều gì uẩn khúc ở đây”.
Khi việc tìm mẹ ngày càng trở lên khó khăn hơn, Melissa tiếp tục cuộc hành trình đi tìm bố bằng cách mò theo hồ sơ bệnh án của mình tại bệnh viện, rồi cô phát hiện mình đang ở cùng thành phố với bố. Cô lại bắt đầu viết thư cho bố: “Tôi có mọi lý do để tin rằng bố chưa bao giờ biết tôi chào đời. Tôi chỉ nói với bố rằng tôi vẫn còn sống và tôi không hề tức giận hay căm phẫn gì cả. Thế nhưng ông không hồi âm”.
Không lâu sau đó bố của Melissa qua đời, cô đọc được thông cáo trên mạng Internet. Cô mò mẫm tìm đến gia đình bố và cô được chia sẻ lại rằng: “Gia đình bố đã biết về sự tồn tại của tôi. Họ đọc được lá thư tôi gửi cho bố lúc dọn dẹp phòng sau khi bố qua đời. Họ nói với tôi bố từng than thở với họ là ông ấy đã làm một việc rất xấu hổ mà không thể nói ra. Vậy là tôi đã hiểu, mẹ tôi bị ép buộc phải phá thai và bố tôi không hề ngăn cản. Có lẽ, ông cảm thấy xấu hổ nếu trả lời tôi”.
Melissa ngừng việc tìm kiếm cha mẹ và cô kết hôn với Ryan, một nhân viên IT và sinh hai con gái Olivia, Ava. Cho đến năm Melissa 36 tuổi cô nhận được thư của người em họ, khi đọc được thông tin của Melissa trên mạng. Rồi cô được nghe kể về chuyện của cha mẹ mình, họ từng là những người bạn của nhau từ thủa ấu thơ cho đến khi vào đại học. Họ đã đính hôn với nhau, và mẹ có mang, nhưng ông bà ngoại lại không đồng ý điều đó, và bà ngoại đã sắp xếp cho mẹ phải phá thai khi bà biết được chỉ vài ngày sau đó.
Phát hiện này là một nỗi khổ tâm rất lớn, tôi đã luôn nghĩ rằng mẹ không muốn sự tồn tại của mình nên mới làm vậy, tôi chưa một lúc nào nghĩ rằng mẹ bị thúc ép phá thai từ ông bà ngoại. Cô kể rằng: “Trái tim tôi đau đớn khi biết những gì mẹ đã phải trải qua khi đó”. Melissa cũng được biết người đã chỉ thị cho các y tá bỏ cô vào túi rác bệnh viện sau ca phá thai cũng là bà ngoại của cô, bởi lúc ấy bà là một lãnh đạo bệnh viện.
Rồi cuối cùng Melissa cũng được gặp mẹ, mẹ của cô cũng chưa một lúc nào dám nghĩ rằng cô còn sống. Cô chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng tôi đều sợ hãi sự chối bỏ. Nhưng rồi tôi đề nghị gặp gỡ và mẹ cũng rất trông đợi. Tháng 5 năm ngoái, mẹ con tôi gặp nhau. Nhìn thấy mẹ ở khoảng cách xa, một phần trong tôi muốn bỏ chạy. Thật đáng sợ. Gặp nhau rồi, chúng tôi ôm nhau khóc nức nở”.
Qua những năm tháng cuộc đời, một mình chơi vơi trong những lần tìm mẹ thất bại cuối cùng Melissa cũng được gặp lại mẹ của mình. Người phụ nữ ấy không hề biết rằng con gái bà đã sống sót kỳ diệu sau 36 năm kể từ ngày định mệnh ấy. Sau bao nhiêu khó nhọc một mình chịu đựng, Melissa nói: “Thật dài phải không mẹ”. Còn mẹ cô bảo: “Mẹ đã bị cướp con đi“. Cô cũng chia sẻ về mẹ của mình: “Bà đã mang rất nhiều cảm giác tội lỗi và sống với sự ân hận. Tôi an ủi và nói không trách mẹ. Trong trái tim tôi chỉ có sự tha thứ, cho bố và cho cả bà ngoại”.
Với những trải nghiệm về cuộc đời đầy nước mắt của mình mà giờ đây Melissa đã trở thành một diễn giả, nhà văn. Cô sáng lập ra Abortion Survivors Network để hỗ trợ những người gặp phải tình huống tương tự.
Qua bao nhiêu sự giận dỗi, hận thù, nhưng rồi cuối cùng Melissa chọn cho mình cách thứ tha tất cả. Tha thứ với quá khứ đã đi qua sẽ khiến bạn bước đến con đường mang tên hạnh phúc. Nếu nỗi đau là cú đánh để bạn ngã, thì tha thứ chính là đôi bàn tay giúp bạn đứng dậy.
Gia Viên – Hồng Tâm