Cũng cùng học chung một trường, cùng chung thầy cô giáo giảng dạy, vì sao có học sinh lại có thành tích học tập cao đứng đầu lớp, là học sinh giỏi khiến cho nhiều người ngưỡng mộ, khen ngợi? Lại vì sao có học sinh chậm chạp, kém cỏi trong học tập. Chẳng lẽ là do sự khác biệt về chỉ số thông minh chăng?
Kỳ thực, trong quá trình học tập, sức ảnh hưởng của chỉ số thông minh chỉ chiếm khoảng 20%. Chỉ số thông minh phần lớn là do gen di truyền mà có, chỉ là làm tăng thêm giá trị tiềm lực mà thôi. Nhưng nguyên nhân thực sự dẫn đến sự khác nhau giữa những đứa trẻ thường là do những thói quen được nuôi dưỡng từ nhỏ. Những thói quen này rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn thậm chí là có tầm quyết định sự thành công hay thất bại sau này của đứa trẻ. Lứa tuổi thiếu nhi là thời kỳ tốt nhất để bồi dưỡng những thói quen tốt đẹp này cho trẻ. Một thói quen tốt có thể tăng thêm khả năng thành công cho đứa trẻ, một thói quen xấu lại có thể ảnh hưởng xấu thậm chí là tổn hại đến cả cuộc đời của đứa trẻ.
Xin chia sẻ 5 thói quen nên bồi dưỡng cho trẻ để mọi người cùng tham khảo:
1. Tuân thủ thời gian: Có thói quen đúng giờ trẻ nhỏ sẽ trở thành người “đáng tin cậy”
Ở lớp học vẽ của con tôi có hai bạn nhỏ với trạng thái hoàn toàn khác nhau. Bạn nhỏ nam thường đi học muộn giờ, bị giáo viên góp ý nhưng cũng không chịu nhận sai sửa lỗi, mà mỗi ngày đến lớp đều có bộ dạng lười biếng. Bạn nhỏ nữ thường đến lớp rất sớm, vào lớp rồi bày dụng cụ ra sẵn, xong lại lẳng lặng ngồi chờ giáo viên đến. Có hôm trời mưa to, chỉ có cô bé ấy và mẹ đến lớp học, mà cô bé cùng mẹ đều bị mưa làm cho ướt sũng.
Cứ thế, kỹ năng vẽ tranh của cô bé ngày càng tăng, còn cậu bé thì vẫn ở mức độ vẽ được lung tung sơ sài. Nhiều người đi hỏi mẹ cô bé về kinh nghiệm giáo dục con, mẹ cô bé chỉ nói: “Cũng không có gì đặc biệt cả, đối với khả năng học của bọn trẻ thì chủ yếu vẫn là do thiên phú, song thái độ mới là điều quan trọng hơn, thái độ quyết định tất cả. Tôi chỉ yêu cầu con gái thực hiện một điều, đó là làm bất cứ việc gì đều phải chăm chỉ, nghiêm túc, mà điều kiện trước tiên để chăm chỉ trong học tập, chính là đúng giờ”.
Thái độ quyết định trạng thái, trạng thái hiển nhiên quyết định thành tích. Có câu rằng: Người giữ đúng giờ không nhất định là vĩ đại, nhưng người vĩ đại nhất định rất đúng giờ. Bởi vì người đúng giờ là đại biểu cho việc có quy tắc, có trách nhiệm, khiến người khác cảm thấy tín nhiệm, những người như vậy sau này càng có nhiều cơ hội tốt để thành công và phát huy năng lực trong công việc. Đối với trẻ nhỏ, việc tuân thủ giờ giấc cũng cho thấy được năng lực quản lý thời gian, biết lập kế hoạch, có trách nhiệm đối với học tập, công việc cũng như cuộc sống.
Từng có một vị giáo viên nói rằng, những học sinh thường xuyên đi trễ cơ bản là do lề mề và không nghiêm túc trong việc giờ giấc. Cho nên một số trường học ở Anh đưa ra hình thức phạt tiền các phụ huynh nào có con thường xuyên đi học trễ, hy vọng khiến mọi người tôn trọng việc đúng giờ giấc.
Từ việc giữ đúng giờ giấc là có thể nhìn ra được việc tu dưỡng và giáo dưỡng của một người. Tuy là một việc nhỏ, nhưng lại có thể quyết định được sự thành công hay thất bại của một người. Vậy nên, ngay từ khi con trẻ biết được thời gian thì xin hãy dạy và tập cho trẻ có thói quen tôn trọng sự đúng giờ.
2. Sắp xếp, dọn dẹp: bồi dưỡng tính ngăn nắp và khả năng tập trung
Có một vị chuyên đi lau dọn nhà theo yêu cầu kể rằng, cô đã kinh ngạc vô cùng khi dọn dẹp phòng của một đứa trẻ, bởi vì trong phòng bừa bãi, nơi nơi đều có sách cùng đồ chơi vứt ngổn ngang, áo quần treo tứ tung, trên bàn sách chất đầy đồ đạc, lại còn ‘nuôi’ 3 con chuột, cho nên trong phòng bốc mùi rất khó chịu.
Mẹ của đứa trẻ còn than thở: “Suốt ngày bắt ép nó đọc sách, nhưng nó lại không chịu đọc, thật là hết cách!”. Tuy nhiên, nhìn phòng ở mà có khác gì một cái nhà kho, như vậy đứa trẻ làm sao có thể tập trung tâm trí mà đọc sách được?
Vị chuyên lau dọn kia bắt đầu phân loại sắp xếp và lau sạch phòng, lúc sau đứa trẻ kia cũng tham gia cùng thu dọn, vứt bỏ những thứ không dùng, những thứ còn sử dụng thì được cất lên ngay ngắn. Mấy giờ sau, căn phòng được lau chùi sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng. Đứa bé rất vui vẻ, hứng khởi ngồi vào bàn cầm sách lên đọc, thậm chí đọc say sưa đến nỗi quên luôn sự có mặt của người lau dọn đang ở trong phòng. Chính là thông qua việc sắp xếp lại, cũng có thể khiến cho đứa trẻ có tinh thần tập trung vào học tập, đọc sách, thật là kỳ diệu.
Đại học Harvard có làm một cuộc khảo sát và phát hiện, những đứa trẻ có phòng ở và bàn học sạch sẽ, ngăn nắp thì thường có thành tích học tập xuất sắc, tính tình lại vui vẻ hoạt bát, làm việc hết sức tập trung và kiên nhẫn. Ngược lại, những đứa trẻ sinh hoạt lộn xộn, vứt đồ bừa bãi, thì thường hay lề mề lại lười nhác, không có thói quen sắp xếp ngăn nắp.
Nhật Bản là một nước rất chú trọng việc giáo dục “thu dọn” cho trẻ. Từ nhỏ trẻ đã được người lớn bồi dưỡng cho thói quen sắp xếp: lấy đồ chơi ở vị trí nào thì khi chơi xong phải trả về vị trí ấy, dạy cho trẻ biết thế nào là ngăn nắp trật tự; gợi ý cho trẻ chuẩn bị cặp sách cho ngày hôm sau đi học để thoải mái hơn; hướng dẫn trẻ thu dọn bàn học và phòng ở sạch sẽ, hoàn cảnh học tập sạch sẽ và thoáng mát mới đạt hiệu quả cao.
Không nên coi nhẹ tác dụng của việc để con trẻ tự sắp xếp không gian sinh hoạt của mình. Thông qua việc sắp xếp, thu dọn này có thể rèn luyện thêm năng lực quan sát, khả năng tự lập, và khả năng tự quản lý của trẻ; hơn nữa còn có thể giúp trẻ tự điều chỉnh nội tâm và cảm xúc của mình. Trẻ tự mình sắp xếp đồ đạc mới có thể sắp xếp được kiến thức; biết quy hoạch tốt không gian sinh hoạt của mình, mới có thể quy hoạch tốt cuộc sống của mình.
3. Đọc sách: tài sản quý giá của cả đời
Chuyên gia giáo dục nổi tiếng Suhomlinski từng nói: “Một đứa trẻ không đọc sách, chính là tiềm ẩn khả năng học tập kém cỏi”. Nghe thật đáng lo ngại, nhưng lại là đạo lý.
Theo kết quả khảo sát cho thấy, trẻ nhỏ thích đọc sách sẽ có thành tích học tập bình quân cao hơn rất nhiều lần so với những đứa trẻ không chịu đọc sách, 80% những người thi đỗ với điểm cao nhất đều là những người thích đọc sách.
Một sinh viên đạt thủ khoa khi thi vào trường ngữ văn đã nói: “Đọc sách nhiều sẽ bồi dưỡng được khả năng ngữ cảm. Từ nhỏ mẹ thường hay kể chuyện, đọc sách cho tôi nghe trước khi ngủ, cho nên lớn lên tôi rất thích đọc sách”.
Bồi dưỡng sở thích đọc sách cho trẻ là nên bắt đầu từ khi con còn trong bụng mẹ. Người mẹ một bên dùng tay vuốt ve bụng, một bên dịu dàng cất tiếng đọc, làm cho thai nhi có thể cảm nhận được nhịp nhàng của ngôn ngữ và âm điệu; đến khi bé được trên 1 tuổi thì hãy đọc cho bé nghe trực tiếp trước lúc ngủ để bé cảm thụ được ngôn ngữ cũng như sự thích thú của mỗi câu chuyện; sau 5 tuổi có thể dạy trẻ nhận biết một số mặt chữ, chuẩn bị cho việc để bé tự đọc sách.
Trẻ càng thích đọc sách thì càng có tư tưởng phong phú, càng có suy nghĩ chín chắn, không dễ rơi vào thành kiến và cố chấp; những đứa trẻ thích đọc sách là những đứa trẻ có khả năng tự lập cao, có kiến giải độc đáo, có chính kiến mạnh mẽ không dễ hùa theo số đông. Đọc sách không chỉ là một thói quen tốt, mà còn giúp trẻ nhỏ có thể hiểu rõ nội tâm của mình, cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống.
4. Vận động: kích thích khả năng tự tin
Bạn của tôi có một cậu con trai đang học mẫu giáo, vốn có dáng người gầy nhỏ, cho nên cậu bé khá nhút nhát, không được tự tin cho lắm. Mẹ của cậu đã tìm đủ cách để khuyến khích con, nhưng tất cả đều không có hiệu quả.
Có một lần, nhà trường tổ chức thi nhảy xa, bất ngờ là cậu bé ấy lại giành giải nhất, được giáo viên và bạn bè vây quanh hò reo khen ngợi, cậu bé thật vui mừng và tự hào. Từ đó về sau, cậu bé như có sự thay đổi, không những dần dần vui tươi hoạt bát mà cũng chủ động kết giao vui đùa với bạn bè, thần thái lúc nào cũng rạng rỡ, tự tin. Mẹ cậu bé khó hiểu nên đã hỏi tôi nguyên nhân, tôi nói: “Thật là đáng mừng, ý thức tự tôn bản thân của con trai bạn đã được kích phát rồi đó”.
Trẻ nhỏ một khi biết được khả năng và sức mạnh của bản thân mình thì sẽ tự nhiên có thêm sự tự tin vào bản thân, tự tin mà thể hiện mình, đây chính là tác dụng rất lớn của vận động.
Trường học ở các nước phương Tây đều xem trọng giáo dục thể chất, một chuyên gia giáo dục của nước Anh đã chỉ ra rằng: “Đối với trẻ từ 1-5 tuổi, mỗi ngày phải yêu cầu vận động hoặc hoạt động ít nhất là 3 giờ”.
Nếu có thể, thì ngay từ nhỏ hãy kiên trì cho trẻ nhỏ tập một môn vận động hoặc là tham gia một môn vận động cùng nhiều người. Ví như sau khi tan trường, khuyên con không cần vội vàng làm bài tập, mà hãy khuyến khích trẻ ra ngoài chạy nhảy vận động, có thể là đánh cầu lông, nhảy dây, đá cầ … tha hồ hoạt động, vận động mồ hôi nhễ nhại cũng tốt. Như vậy không chỉ giúp giải tỏa áp lực, tinh thần sảng khoái, mà còn trợ giúp sự phát triển cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, làm thân thể khỏe mạnh, có thể chống lại một số bệnh vặt.
Vì vậy, đừng để những đứa trẻ của chúng ta trở thành những “búp bê” suốt ngày chỉ biết luẩn quẩn trong nhà, mà hãy để cho chúng mặc sức vận động, sảng khoái tinh thần.
5. Làm việc nhà: bồi dưỡng khả năng tự lập và tinh thần trách nhiệm
Có rất nhiều vị phụ huynh không muốn cho con trẻ tham gia làm việc nhà, lo lắng con mệt nhọc, bị va chạm đau, sợ con mệt, một phần cho rằng con làm không tốt lại thêm phiền cho bản thân. Câu cửa miệng thường nghe là “Con cứ việc lo học hành đi, đừng có quan tâm những thứ khác”. Nuôi dạy con theo kiểu “cơm đưa tận miệng, áo đưa tận tay” như thế khiến cho đứa trẻ không có ý thức trách nhiệm, cũng dễ sinh ra lười biếng, ích kỷ.
Đại học Harvard đã bỏ ra thời gian 20 năm để khảo sát và theo dõi, phát hiện rằng tỷ lệ có việc làm khi trưởng thành giữa những đứa trẻ làm việc nhà so với những đứa trẻ không làm việc nhà là 15:1, còn tỷ lệ phạm tội là 1:10. Như vậy còn không nhận thấy được tầm ảnh hưởng quan trọng của làm việc nhà đối với sự phát triển của trẻ nhỏ sao?
Khi con trai được 3 tuổi, tôi thường để cho bé thử làm việc nhà. Đứng rửa chén nhưng thấp với không tới thì bé tự bưng cái ghế nhỏ tới rồi đứng lên; rửa rau còn không được sạch nhưng tôi cũng không hề chê mà còn khen ngợi động viên. Đến nay, các việc như đổ rác, lau nhà, giặt vớ, xào rau đối với cậu bé là chuyện nhỏ, bé làm hết sức thành thạo. Nhiều khi con trai còn chủ động giành lấy việc, miệng nói: “Mẹ nghỉ ngơi đi, để con làm cho”. Mỗi khi có người khen ngợi, khích lệ là con trai lại vui vẻ ra mặt, nhìn con như vậy tôi cũng tự hào vô cùng.
Trẻ nhỏ cũng không đến nỗi yếu đuối như chúng ta lo nghĩ, vậy nên hãy cứ yên tâm để cho chúng tập làm việc nhà, có như vậy trẻ mới có cơ hội thể nghiệm và hiểu được vất vả của cha mẹ, hiểu được thế nào là niềm vui khi chứng kiến thành quả lao động.
Một cô bé người Nhật Bản chỉ mới 5 tuổi, nhưng sau khi học xong đều dành thời gian rảnh làm việc nhà, mẹ của cô bé cho rằng: “Chỉ mong con gái có thể tự làm nuôi sống bản thân, trong tương lai bất kể đi đến đâu hay làm gì thì đều có thể sống tốt”. Đây chẳng phải cũng là hy vọng của tất cả chúng ta đối với con cái hay sao?
Tăng Quốc Phiên có gia huấn rằng: “Nhà tiết kiệm thì đầy đủ, người chăm chỉ thì khỏe mạnh; có thể vừa chăm chỉ vừa tiết kiệm thì vĩnh viễn sẽ không bị nghèo khổ”. Dùng cần cù và tiết kiệm để giáo dục trẻ nhỏ, mới mong có thể bồi dưỡng ra được một con người có chí hướng, có ý chí, có tâm huyết và trách nhiệm. Hãy để cho trẻ chịu khó làm việc nhà, như vậy khi trưởng thành mới có thể thành người có năng lực.
Cho dù cha mẹ cho con núi vàng núi bạc, cũng không bằng dạy cho con những thói quen tốt, những thói quen có lợi. Khi còn bé nếu trẻ được bồi dưỡng và hình thành nên những thói quen tốt này, tự bản thân trẻ có những trải nghiệm và quan sát thực tế, thì trẻ sẽ có tư duy độc lập, phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, có nội tâm phong phú và tính cách thân thiện, có khả năng quan sát và phân tích. Đến khi trưởng thành sẽ là một người có đủ tự tin, nghị lực và năng lực thực sự.
Càng có năng lực mới càng bay được cao, có được những thói quen tốt đẹp này thì trẻ nhỏ mới có đủ vững vàng, tự tin mà cất cánh bay càng xa.
Theo soundofhope.org
Minh Phúc biên dịch