Sinh viên Đại học Georgia (UGA), Đại học New York (NYU), Hoa Kỳ đã có dịp tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) trong một sự kiện ở trường. Rất nhiều sinh viên tỏ ra thích thú và đăng ký tham gia để tìm hiểu rõ hơn về môn tu luyện Đại Pháp thượng thừa của Phật Gia này.
Sinh viên là đối tượng không còn nhỏ để dựa vào cha mẹ, cũng chưa hẳn đã đủ trưởng thành biết tự cân bằng cuộc sống. Đồng thời với hoài bão của bản thân, gia đình và xã hội, họ luôn phải đối mặt với áp lực học hành nặng nề. Có lẽ, họ rất cần một liệu pháp cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần, một điều gì đó mang đến năng lượng và sự hiệu quả.
Đại học Georgia
Ngày 23 tháng 1 vừa qua, tại một sự kiện tuyển dụng của câu lạc bộ sinh viên, sinh viên Đại học Georgia (UGA) đã có dịp tìm hiểu về Pháp Luân Công, một môn tu luyện tự thân, cải thiện cả tâm lẫn thân bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nhiều sinh viên trong số đó hy vọng môn tu luyện sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, nâng cao hiệu quả học tập và làm việc của họ.
Anh Trương, chủ tịch câu lạc bộ Pháp Luân Công tại Đại học Georgia, cho biết trên trang Minh Huệ Net, nhiều sinh viên đã dừng chân tại quầy thông tin của họ và để lại thông tin liên hệ đăng ký tham gia một buổi hội thảo sắp tới.
Anh Trương nói: “Sinh viên ở đây phải chịu áp lực rất lớn. Họ vô cùng bận rộn, và nhiều người trong số họ luôn cảm thấy mệt mỏi. Pháp Luân Công giúp cải thiện cả tâm lẫn thân và giúp người học luôn tràn đầy năng lượng. Đồng thời, pháp môn cũng giúp người học giữ được tâm thái tích cực, nhờ đó thành tích học tập được nâng cao. Cho dù các bạn thông minh đến đâu, khi các bạn không thể tập trung thì các bạn làm việc sẽ không hiệu quả. Tu luyện Pháp Luân Công giúp người học giữ tập trung nên có thể giải quyết được vấn đề này”.
Anh Vivek Ramchandani đang học năm thứ hai chuyên ngành quản trị. Anh kể với các học viên rằng mẹ anh luôn quan tâm đến các hoạt động tâm linh và điều đó đã tác động tới anh. Anh Vivek nói việc cân bằng giữa học hành, công việc và các sự kiện xã hội ở trường đại học khiến anh căng thẳng, và anh hy vọng có được tâm trí bình yên thông qua tu luyện Pháp Luân Công.
Cô Chloe, một học viên Pháp Luân Công đang học năm thứ hai tại trường, nói với du khách về câu lạc bộ Pháp Luân Công và việc môn tu luyện có thể tăng cường năng lượng cho người học ra sao.
Cô Chloe bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2017. Cô kể: “Môn tu luyện này giúp tôi khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất, do vậy tôi cảm thấy mình thật may mắn. Khi cảm thấy áp lực, tôi hay tự nhủ với bản thân mình rằng hãy thuận theo tự nhiên. Tu luyện Pháp Luân Công giúp tôi tự tin hơn, bởi tôi biết rằng mình cần chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Khi tôi hành xử theo nguyên lý này trong cuộc sống thường ngày, việc giao tiếp với mọi người khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi không còn cảm thấy e ngại nữa”.
Cô Tulsi Patel đang học năm thứ ba chuyên ngành kế toán. Cô cho biết cả gia đình cô đều yêu thích thiền định và cô mới bắt đầu thử những phương pháp thiền khác nhau để mang lại sự bình an. Cô rất muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công.
Đại học New York
Cũng như Đại học Georgia, Đại học New York tổ chức lễ hội chào đón sinh viên NYU trở lại với học kỳ mới và cho họ cơ hội tìm hiểu về tất cả các câu lạc bộ đang hoạt động ở trường, tại Trung tâm Kimmel – trung tâm thành phố Manhattan (29/1/2020).
Các thành viên của Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp tại NYU đã tham gia Lễ hội Câu lạc bộ để giới thiệu pháp môn, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Nhiều sinh viên bày tỏ sự hứng thú với Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp. Hơn 50 sinh viên đã đăng ký để tìm hiểu thêm.
Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên của học kỳ mùa xuân 2020 (30/1). Sau khi trình bày về môn tu luyện an hòa này, các sinh viên mới và các thành viên câu lạc bộ đã cùng nhau học và luyện năm bài công pháp.
Ngoài ra, nhiều trường học ở Nam Mỹ, Ấn Độ và trên khắp thế giới đã đang giới thiệu cho học sinh của mình thực hành môn thiền định này nhằm củng cố văn hóa học đường và môi trường học tập tích cực.
Một trường công lập ở Montevideo, Uruguay cũng đã hướng dẫn học sinh thực hành môn tu luyện này nhằm nâng cao sức khỏe và đạo đức. Kết quả vượt ngoài mong đợi của nhà trường.
Hiệu trưởng của trường cũng nhận thấy sự cải thiện của học sinh. Cô chia sẻ trên trang Minh Huệ Net: “Các học sinh được hưởng lợi không chỉ về thể chất, mà cả về tinh thần. Chúng thoải mái, thư giãn hơn, đến lớp với một thái độ tốt hơn và tập trung hơn”.
Ban giám hiệu của trường cho biết: “Những đứa trẻ có vấn đề về khả năng tập trung và thích dùng bạo lực trong lớp học đã thay đổi về tâm tính”.
Cô Yennyfer Quartino (giáo viên trường công lập ở Montevideo) dạy học sinh của mình các bài tập của Pháp Luân Đại Pháp. Cô hướng dẫn học sinh ngồi thiền hàng ngày trong sân trường sau bữa ăn trưa và trước giờ vào lớp buổi chiều.
Vài tuần sau, nhiều học sinh các lớp khác cũng tham gia thực hành cùng học sinh của cô Quartino. Cuối cùng, gần như toàn bộ trường học đang luyện tập các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp mỗi ngày.
Sau một thời gian, các học sinh đã hiểu được nhiều hơn về các giá trị phổ quát của Chân-Thiện-Nhẫn – nguyên tắc cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp giúp nâng cao đạo đức và cải thiện hành vi của học sinh. Nhờ vậy, không khí trong các lớp học đã thay đổi đáng kể.
Josefina, một học sinh lớp Sáu, chia sẻ: “Cháu rất thích môn này vì sau khi tập cháu cảm thấy thư giãn. Mỗi khi đến lớp, tất cả những căng thẳng mà cháu gặp phải trước khi tập Pháp Luân Đại Pháp đã biến mất”. Một cậu bé lớp Bốn cũng hào hứng: “Cháu cảm thấy có rất nhiều năng lượng”.
Bên cạnh đó, các học sinh tại trường Guasave Montessori ở Mexico cũng đang tập luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Pháp Luân Đại Pháp lấy giá trị Chân – Thiện – Nhẫn làm căn bản, cho đến nay đã được phổ biến rộng rãi hơn 114 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với trên 100 triệu người thực hành.
Ảnh: Minh Huệ Net
Video xem thêm: Đoàn diễu hành gần 10.000 học viên Pháp Luân Công làm xúc động người dân New York