GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, điểm phát triển của sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 (Bộ “Cánh diều”) là chủ trương dạy theo nhóm nét chữ, nội dung chủ quyền biển đảo được đưa vào để giáo dục học sinh.
Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố các sách giáo khoa lớp 1 được chọn để các địa phương đưa vào giảng dạy trong năm học mới 2020-2021 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Cánh diều” là bộ SGK lớp 1 mới duy nhất có đầy đủ sách dành cho tất cả các môn học, được biên soạn theo chủ trương “thực học, thực nghiệp”. Đây là bộ sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu “Đạt” tuyệt đối.
Thay đổi cách dạy theo nhóm nét chữ
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do ông chủ biên này sẽ chú ý đến việc phát triển những năng lực đặc thù của học sinh đó là ngôn ngữ, đồng thời phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề.
GS Thuyết nói trên trang Phụ nữ mới: “Nếu nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều thì sẽ thấy sự kế thừa SGK hiện hành nhiều, do đó tin chắc rằng các thầy cô đang dạy lớp 1 hiện nay khi sử dụng bộ sách có thể dạy được ngay. Thậm chí rất ít cần tập huấn bởi tính kế thừa”.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, điểm phát triển của SGK Tiếng Việt lớp 1 “Cánh diều” là chủ trương dạy theo nhóm nét chữ cho học sinh dễ học. “Khác với chương trình hiện hành ngay từ đầu đã dạy những chữ quá khó, ví dụ, chữ e, chữ b…, chương trình mới sẽ dạy theo nét chữ. Bắt đầu chữ a, c từ những nét cong hở, rồi đến các chữ có nét cong kín”, GS Thuyết nói.
Tổng Chủ biên cuốn Tiếng Việt 1 (bộ “Cánh diều”) cho biết, điểm mới tiếp theo nằm ở chỗ các tác giả đã tận dụng ngay những chữ học sinh được học để tạo nên các bài đọc từ 6-7 tiếng, 20 tiếng và cuối học kỳ 1 là những bài đọc có 30 tiếng.
Điểm mới tiếp theo là sách có những bài chính tả ngay từ những tuần thứ 27 và học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe thông qua kể chuyện.
Ở phần luyện tập tổng hợp vào 9 tuần cuối cùng, mỗi tuần sẽ thiết kế có 2 tiết tự đọc để giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, hình thành nếp đọc sách và năng lực tự học của học sinh. Ở phần luyện tập tổng hợp, mỗi tuần cũng được dành 1 tiết gọi là góc sáng tạo để học sinh có thể vận dụng những điều đã học được vào làm những sản phẩm như bưu thiếp, sưu tầm những hình ảnh về thiên nhiên…
GS Thuyết cho hay, ngoài phần nội dung bằng chữ, các hình ảnh cũng được thiết kế bắt mắt, sinh động và phù hợp để học sinh dễ tiếp thu, tránh tâm lý sợ hãi, áp lực.
Dạy về chủ quyền biển đảo ngay từ lớp 1
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trên báo VOV, nội dung các bài đọc trong sách Tiếng Việt 1 do ông chủ biên đều nhấn mạnh vào các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Ví dụ, ngay ở tuần thứ 12, bài 66, khi học vần “yêt”, học sinh đã được đọc bài “Nam Yết của em”- một bài viết về chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới dạng văn bản đa phương thức (kết hợp kênh chữ với kênh hình).
Bài đọc với các câu ngắn kèm hình ảnh như: “Nam Yết nằm giữa biển, như nét chấm nhỏ trên bản đồ Việt Nam”; “Từ xưa, Việt Nam đã làm chủ Nam Yết”; “Nam Yết có nhà cửa, có đèn biển” ; “Chiến sĩ ở đó như ở nhà”; “Nam Yết là bộ phận của cơ thể Việt Nam”. Tiếp đó, phần đặt câu hỏi yêu cầu học sinh nói điều em biết về đảo Nam Yết qua một tấm ảnh.
GS Thuyết cho hay, việc đưa nội dung giáo dục chủ quyền quốc gia vào SGK từ lớp 1 là yêu cầu của chương trình. Ở lớp 1, tác giả thiết kế dạy âm vần với tranh một cách dễ hiểu, dễ đọc. Bài 66 cũng là bài duy nhất có nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo trong sách.
Bên cạnh đó, Tổng Chủ biên cuốn Tiếng Việt 1 cho biết thêm, qua các giờ tự đọc sách, thảo luận, trải nghiệm sáng tạo, học sinh sẽ được bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đây cũng là sự thể hiện tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.
Video xem thêm: Các tướng lĩnh quân đội và cựu lãnh đạo nói gì về Pháp Luân Công?