Văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm, ẩn chứa rất nhiều điều tinh tuý, rất nhiều trí huệ của cổ nhân. Đáng tiếc là, các giá trị tinh hoa của văn hoá truyền thống đang ngày càng mai một, thậm chí có người còn cho đó là cổ hủ, lỗi thời…

Tìm về văn hoá truyền thống cũng chính là tìm về với huy hoàng của văn minh lịch sử. Nhưng làm thế nào để tìm lại những giá trị đang chìm vào quên lãng ấy? Mang theo nỗi trăn trở này, ông Trương Hiểu Bằng (Zhang Xiao Peng) – ký giả của “Báo chiều Nam Dương” – đã đặc biệt phỏng vấn giáo sư Lưu Dư Lợi (Liu Yuli), một học giả uyên bác về văn hoá Á Đông, bà cũng từng giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này:

Tiếp theo Phần 1, Phần 2

Ký giả: Văn hóa truyền thống không phải là căn nguyên của sự lạc hậu bần cùng hay sao? Trong khi văn hóa phương Tây lại tiên tiến như vậy, vậy chúng ta có cần thiết phải đi trên con đường cũ của văn hóa truyền thống hay không?

Giáo sư Lưu: Nếu như văn hóa truyền thống lạc hậu, thì không thể có chuyện suốt khoảng thời gian dài đằng đẵng của lịch sử, đặt biệt là trước thời nhà Thanh, kinh tế Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc đều đứng đầu thế giới được. Có người cho rằng văn hóa truyền thống dẫn đến cục diện lạc hậu của hôm nay, trên thực tế không phải do văn hóa truyền thống, mà là do chúng ta đã vứt bỏ văn hóa truyền thống.

Vào thời “Khang Càn thịnh thế”, chính phủ triều Thanh có truyền thống giảng Kinh trong cung đình. Những bậc thầy đại đức của Nho, Thích, Đạo được mời vào hoàng cung giảng dạy cho hoàng đế, đại thần và phi tần trong cung. Thời đó tư tưởng trên dưới đều là nhất trí với nhau, đều là muốn phục vụ cho quốc gia bách tính, quốc gia như vậy đã đạt đến đỉnh điểm của sự cường thịnh. Về sau, vì sao đã bãi bỏ chế độ này? Bởi vì Từ Hy Thái hậu cũng đến nghe Kinh, mỗi một ngày đều cảm thấy như đang nghe giảng về tật xấu của bà, vậy nên bà đã bãi bỏ chế độ giảng Kinh này. Kết quả, cái tâm tự tư tự lợi của mọi người khởi lên, làm việc không còn nghĩ đến cục diện của đất nước, mà là xuất phát từ lợi ích cá nhân, quốc gia như vậy đã biến thành năm bè bảy mảng, hủ bại của triều Thanh cũng chính là nguyên nhân này. Nhưng rất nhiều phần tử tri thức khi tìm kiếm nguyên nhân hủ bại của triều Thanh đã quy kết lầm lạc đến văn hóa truyền thống, điều này khiến người ta phê phán và hiểu sai đối với văn hóa truyền thống.

Vào thời “Khang Càn thịnh thế”, chính phủ triều Thanh có truyền thống giảng Kinh trong cung đình. Những bậc thầy đại đức của Nho, Thích, Đạo được mời vào hoàng cung giảng dạy cho hoàng đế, đại thần và phi tần trong cung. (Ảnh minh họa: studyblue.com)

Ký giả: Văn hóa truyền thống phải chăng cũng có một số thứ “bã trấu bã cám”, chúng ta nên đối đãi như thế nào?

Giáo sư Lưu: Văn hóa truyền thống có thể được truyền thừa, đến ngày hôm nay vẫn còn có những điều được vận dụng chứ không bị vứt bỏ, đây mới đích thực là văn hóa truyền thống. Mọi người có lý giải khác nhau, có người cho rằng có những thứ “bã trấu bã cám”, thực ra không phải vậy. Nếu như nói hết thảy quá khứ đều là truyền thống, thế thì xác thực có những thứ tốt cũng có những thứ không tốt. Lịch sử lâu dài như vậy, tự nhiên có những thứ tốt phát triển đến trình độ cao nhất, quá trình này cũng có vấn đề không tốt xuất hiện. Trên thực tế, sóng lớn cuốn cát đi, những thứ không bị đào thải mới được gọi chung là văn hóa truyền thống, nếu vậy thì không có cái gọi là “cặn bã” kia nữa. Đặc biệt là trong kinh điển, càng là không có những thứ “cặn bã” này.

Hiện nay con người đều dùng quan điểm cá nhân để nhìn nhận văn hóa truyền thống, những thứ bản thân không lý giải được liền cho là “bã trấu bã cám”. Ví như những người học tập Trung y vô cùng cảm thán trí huệ của cổ nhân. Trung y như trong “Hoàng Đế Nội Kinh” có những thứ đặc biệt tinh hoa, tâm lý học phương Tây hiện đại còn chứng minh đây là tinh túy. Nhưng có nhiều người lại xem chúng là “bã trấu bã cám” mà loại bỏ. Bình thường nói “cái tốt giữ lại, cái xấu bỏ đi”. Câu nói này từ trên ý nghĩa thông thường thì không có gì sai, nhưng khi ai có tư cách “lấy tinh hoa của nó, bỏ đi bã trấu của nó” thì sẽ xuất hiện vấn đề. Bởi vì lý giải của bản thân không đạt đến tầng thứ của bậc Thánh hiền, kết quả, bạn chỉ ở tầng lầu thứ hai mà muốn phê bình cảnh giới của người ở tầng lầu thứ hai mươi, sao có thể thế được? Vậy nên sẽ xuất hiện vấn đề.

Ký giả: Văn hóa truyền thống phải chăng có thể làm chậm lại tốc độ trượt dốc của đạo đức xã hội?

Giáo sư Lưu: Có thể giải quyết. Người Trung Quốc có mấy nghìn năm kinh nghiệm ổn định và hòa bình lâu dài. Sự ổn định lâu dài này là dựa vào gì đây? Khổng Tử giảng “phú chi, giáo chi” (sau khi giàu có rồi, thì hãy giáo dục họ). Trước hết để cho họ giàu có lên, giải quyết vấn đề no ấm của họ, sau khi giàu có rồi thì hãy giáo dục họ, mang đến giáo dục đạo đức luân lý cho mọi người, khiến họ biết trách nhiệm và bổn phận trong các mối quan hệ nhân luân, xã hội như vậy mới có thể hài hòa. Nếu chúng ta chỉ xem trọng sự phát triển của kinh tế, sự nâng cao của đời sống vật chất, nhưng lại bỏ quên giáo dục đạo đức, thì sẽ xuất hiện vấn đề “ăn no mặc ấm, nhàn hạ mà không dạy dỗ thì gần như cầm thú” như Mạnh Tử đã nói. Ăn no cơm, mặc áo ấm, sống cuộc sống an dật, nhưng lại không có luân lý đạo đức, thì sẽ là kiểu người gì đây?

Các giá trị văn hoá truyền thống cần phải thẩm thấu trong các phương diện giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, thì mới có thể giải quyết các vấn đề suy đồi đạo đức hiện nay. Hiện nay có rất nhiều nơi, như trường trung học Tùng Hoa Giang thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, tại Bắc Kinh cũng có một công ty, ngoài ra còn có rất nhiều xí nghiệp khác, đều thông qua học tập “Đệ Tử Quy”, hồng dương văn hóa truyền thống mà thay đổi tố chất đạo đức của học sinh, thay đổi diện mạo của xí nghiệp, làm hài hòa các mối quan hệ. Những ví dụ như vậy xuất hiện phổ biến ở các vùng đại giang nam bắc hiện nay, khiến chúng ta cũng thăng khởi tín tâm đối với văn hóa truyền thống.

Thông qua học tập “Đệ Tử Quy”, hồng dương văn hóa truyền thống mà thay đổi tố chất đạo đức của con người làm hài hòa các mối quan hệ. (Ảnh: books.com)

Ký giả: Học tập văn hóa truyền thống là việc của con trẻ, người lớn có cần thiết phải học tập không?

Giáo sư Lưu: “Thuyết văn giải tự” giải thích chữ “giáo” là “trên thực thi, dưới phỏng theo”. Bên trên là làm như thế nào, bên dưới sẽ phỏng theo như thế ấy, đây chính là con đường giáo dục đạo đức hữu hiệu nhất. Người lớn bảo con trẻ học tập “Đệ Tử Quy”, mà bản thân lại không làm được. “Lễ Ký” có nói, cấp dưới nghe theo cấp trên không phải là nghe anh ta nói như thế nào, mà là nhìn anh ta thực hiện ra sao, vậy nên những gì mà cấp trên hành xử thì không thể không cẩn trọng, bởi vì đó là mực thước của người dân.

Cũng như vậy, ở nhà cha mẹ là tấm gương của con trẻ, bản thân nói thì rất hay, nhưng lại không làm được, cha mẹ bảo con trẻ hiếu kính với người trên, nhưng bản thân lại không thể tự mình thực hiện, thế thì giáo dục đã biến thành thuyết giáo, bởi thuyết giáo là lý thuyết suông, tự thân chưa hề thể nghiệm, đứa trẻ như vậy cũng sẽ phản lại, tranh cãi lại. Người xưa nói: “Ngôn giáo giả tụng, thân giáo giả tùng”. Dùng ngôn ngữ dạy dỗ con trẻ, sẽ dẫn khởi tranh luận; còn như giáo dục bằng hành động gương mẫu thì không cần phải đi dạy dỗ chúng. Nếu bạn tự mình thực hiện “Đệ Tử Quy” trong cuộc sống, con cái tự nhiên sẽ được cảm hóa, chúng cũng sẽ học theo bạn làm ra những việc đúng đắn. Vậy nên, giáo dục không phải là chỉ dạy bằng lời, mà là dạy bằng hành động. Bạn bảo con trẻ đi học, còn tự thân bạn lại không học, thế thì rất khó khởi được hiệu quả như dự tính lúc ban đầu. Ví như trong “Đệ Tử Quy” có câu nói, “tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu, uống rượu say, là xấu nhất”. Con trẻ mỗi ngày đều đọc câu này, nhưng cha chúng mỗi ngày đều uống đến say bí tỉ, thế thì con trẻ sẽ không sinh khởi tín tâm đối với “Đệ Tử Quy” nữa, bởi vì tự thân chúng nhìn thấy những điều cha mình làm là trái với “Đệ Tử Quy”. Vậy nên dạy dỗ con cái cũng cần phải nghiêm khắc yêu cầu chính bản thân mình. Bảo cho con trẻ đi học, cần phải là cha mẹ tự mình làm gương, dạy dỗ bằng hành động vượt trên dạy dỗ bằng lời nói.

Ký giả: Đối với một người yêu thích văn hóa truyền thống, thì nên học tập thấu đáo như thế nào?

Giáo sư Lưu: Làm thế nào để học tập văn hóa truyền thống cho tốt? Nếu như xem văn hóa truyền thống như là tri thức để học tập, không có tự thể nghiệm trong cuộc sống mà đi lĩnh hội, đi thực hiện, chính là biến học Nho thành Nho học. Khác biệt giữa “Nho học” và “học Nho” chính là “bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi” (nếu muốn học tập một cách uyên thâm, đối với học vấn cần phải hỏi tường tận, phải suy nghĩ một cách thận trọng, phải phân biệt một cách rõ ràng, phải nỗ lực thực hiện một cách thiết thực). Thiếu đi “nỗ lực thực hiện” thì chính là Nho học, xem Nho gia thành một loại học vấn để nghiên cứu. Cộng thêm “nỗ lực thực hành”, có thể đem những gì học được vận dụng vào cuộc sống, văn hóa truyền thống đã trở thành cuộc sống của bạn, từ trong đó có thể thể hội được tư tưởng của người xưa. Thiết lập các loại lễ không phải là vì để ước thúc chúng ta, không phải là muốn hạn chế tự do nhân tính của chúng ta, mà là để chúng ta sống tốt hơn, che chở chúng ta khỏi phải đi đường vòng. Vậy nên cần phải gắng sức thực hiện, thống nhất giữa nhận thức và hành động, như vậy mới có thể học tập một cách say mê, học tập một cách chuyên sâu. Khổng Tử trong phần mở đầu của “Luận Ngữ” nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ” (Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?). “Tập” chính là phải luyện tập trong cuộc sống, đem những tri thức học được không ngừng đi thực hành, như vậy mới có thể thể hội đến được những chỗ ích lợi trong văn hóa truyền thống.

Khổng Tử trong phần mở đầu của “Luận Ngữ” nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ” (Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?). (Ảnh: tinhhoa.net)

Ký giả: Hiện nay mọi người đều thuần túy xem văn hóa truyền thống như là tri thức để học tập, không có vận dụng thật sự. Kỳ thật học và làm đã hình thành hiện tượng hai tấm da, không có giải quyết vấn đề trên thực tiễn.

Giáo sư Lưu: Đúng vậy, trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Không thực hành, chỉ học văn, phù phiếm nhiều, thành người gì”. Chỉ học các câu danh ngôn của Thánh hiền, nhưng không nỗ lực thực hành theo lời dạy, tăng trưởng cái tâm phù phiếm của bản thân, ngạo mạn vô lễ, kết quả sẽ không thành tựu được nhân cách của Thánh hiền. Cổ nhân nói, đọc sách chí ở Thánh hiền, mục đích của đọc sách là cải biến khí chất của người ta, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, cuối cùng thành tựu nhân cách của bậc Thánh hiền, đây là mục đích học tập của người xưa. Người xưa nói, trước khi bạn đọc “Luận Ngữ” là người như thế nào, sau khi đọc “Luận Ngữ” rồi bạn vẫn là người như vậy, thế thì người này chưa từng đọc qua “Luận Ngữ” vậy.

Người thành niên nếu như muốn học tập văn hóa truyền thống thêm một bước, có thể học tập bộ sách “Quần Thư Trị Yếu”. Chính Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã cử đại thần Ngụy Trưng, đem hết tinh túy trị quốc trong thiên hạ trước thời nhà Đường khái quát vào bên trong bộ sách này. Chỉ với 50 quyển, 50 vạn chữ, nhưng nội dung rất tinh túy, đã hội tụ văn hóa truyền thống lại với nhau. Người thành niên sau khi đã học “Đệ Tử Quy” rồi thì tiến một bước có thể học tập “Quần Thư Trị Yếu”, bộ sách này đã đặt định cơ sở thịnh thế “Trinh Quán chi trị” của triều đại nhà Đường.

(Hết)

Tác giả: Trương Hiểu Bằng
Thiện Sinh biên dịch