Chúng ta không thể thay đổi được những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của con, nhưng hoàn toàn có thể cùng con tống tiễn những điều muộn phiền trong cuộc sống hàng ngày.

Thực tế, ai cũng có những giây phút tiêu cực. Tất cả chúng ta đều không tránh khỏi tức giận, tổn thương, lo lắng, tội lỗi và căng thẳng. Đơn giản là không thể có một cuộc sống mà tránh được hết những khoảnh khắc đó.

Con bạn cũng sẽ có khi như vậy. Một ngày nào đó con có thể bị tổn thương bởi người bạn thân nhất của mình. Hoặc một ngày nào đó con có thể bị điểm 2, 3 trong bài kiểm tra ở trường mà không phải điểm 9, 10.

Vì vậy nếu con thể hiện cảm xúc tiêu cực thì điều đó không sao cả. Bộc lộ cảm xúc ra ngoài thực sự là một trong những cách giải quyết vấn đề. Phản ứng cảm xúc như tức giận, cảm thấy bị tổn thương khi ai đó đã làm điều gì đó không tốt với chúng ta, hoặc khi điều gì đó xấu đã xảy ra. Khóc vì đau đớn, hoặc thậm chí nói “Tôi ghét bạn ấy” không phải là sai.

Tuy nhiên, thật khó khăn khi nhìn con trải qua sự buồn bã, tức giận và đau khổ, đặc biệt là khi con mất rất nhiều thời gian để vượt qua nó. Bạn có thể làm gì để giúp con mình “buông bỏ”?

Hành động tượng trưng

Đôi khi những hành động tượng trưng có thể giúp chúng ta đối phó với cảm xúc của mình. Đây là một trong những cách có thể giúp con bạn tống tiễn nỗi buồn: Cho trẻ viết ra những gì đang làm trẻ buồn trên một tờ giấy.

Ví dụ, con có thể viết ra: “Tôi bị điểm 3 bài kiểm tra môn toán.” Hoặc con có thể viết thêm cảm xúc gắn với sự kiện đó: “Tôi bị điểm 3 bài kiểm tra môn toán và nó làm tôi cảm thấy buồn”.

Sau khi viết ra những gì đang khiến con tức giận, bạn sẽ cùng con làm gì với tờ giấy này?

Vứt bỏ tờ giấy cùng những tiêu cực

Con có thể chọn một trong nhiều phương pháp khác nhau để loại bỏ tờ giấy đó (tượng trưng cho những gì đang làm phiền con).

Nếu mảnh giấy đủ nhỏ, con có thể vo viên và xả nó xuống nhà vệ sinh. Điều đó khiến con hài lòng khi nhìn thấy nỗi buồn được “xả mạnh”. Nhưng cách này chỉ áp dụng khi giấy nhỏ, bởi vì bạn không muốn làm tắc nhà vệ sinh!

Nếu bạn sống gần một số nơi như ao hoặc suối, con có thể xé tờ giấy thành từng mảnh nhỏ và ném nó xuống nước. Giấy sẽ bị phân hủy và không gây hại cho môi trường.

Con cũng có thể biến tờ giấy “buồn phiền” đó thành một chiếc máy bay giấy. Tốt nhất nên sử dụng một tờ giấy đủ to. Bạn có thể làm một chiếc máy bay giấy khá đơn giản hoặc một chiếc máy bay giấy phức tạp hơn cũng được. Sau đó con sẽ phi chiếc máy bay đó lên không trung, đồng nghĩa với việc “gửi vấn đề của mình vào không khí”.

Tất nhiên sau đó máy bay sẽ rơi xuống đất, nhưng hành động ném nó lên không trung và quan sát vấn đề bay đi (ngay cả khi chỉ là một khoảng cách ngắn) cũng đủ khiến con cảm thấy tốt hơn. Khi máy bay rơi xuống đất, dòng chữ vẫn còn nằm trên tờ giấy, còn vấn đề thực sự đã bay mất rồi.

Con có thể phá bỏ chiếc máy bay và ném nó đi hoặc lưu nó lại để nhắc nhở bản thân về việc vấn đề đã giải quyết xong.

Nếu bạn sống gần một nơi có không gian rộng mở, thông thoáng, và thời tiết mát mẻ, con có thể ghim hoặc buộc vấn đề vào một con diều. Nguyên tắc cũng giống như máy bay giấy, nhưng nó có thêm lợi ích là cho con cơ hội thả diều.

Nỗi buồn có thể được viết trên một dải giấy nhỏ, nhưng nếu tờ giấy dài thì có thể được đặt trên đuôi của con diều. Bạn có thể mua một con diều mới hoặc bạn và con cùng nhau làm một con diều. Khi con diều đang bay lên cao trong không trung chính là vấn đề đang bị gió thổi bay đi.

Một cách khác để loại bỏ “tờ giấy tiêu cực” trong mùa lạnh là chôn nó xuống đất. Sau khi viết ra vấn đề trên một số tờ giấy, con bạn có thể xé nó ra và chôn các mảnh nhỏ trong vườn hoa.

Giấy sẽ bị phân hủy và sau đó có thể trở thành một phần của những bông hoa. Đó là một cách tượng trưng tuyệt vời cho việc biến nỗi buồn thành một điều đẹp đẽ. Nếu nhà bạn không có một vườn hoa, với bất kỳ loại cây nào cũng sẽ có thể làm được như vậy.

Viết một lá thư tha thứ hoặc xin lỗi

Nếu sự tiêu cực là do ai đó gây ra cho con, hãy để con viết một lá thư tha thứ. Loại thư này có thể giúp con chữa lành tổn thương. Bởi vì ngay cả khi người bạn đó đã xin lỗi, con vẫn có thể còn ôm nỗi tức giận và tổn thương trong lòng.

Chỉ đến khi chúng ta quyết định tha thứ cho người đã làm tổn thương chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Điều đó đúng với con cái cũng như đối với chúng ta vậy. Hành động tha thứ sẽ tạo nên sự khác biệt.

Trong thư tha thứ, con có thể viết về toàn bộ câu chuyện và giải thích lý do tại sao con đau buồn, sau đó nói rằng con đã tha thứ. Bức thư không cần phải gửi đi, con sẽ lưu lại như một kỷ niệm để đến lúc lớn lên đọc lại những gì mình đã từng viết. Điều dường như là tồi tệ nhất vào một thời điểm trong quá khứ lại trở thành không đáng kể gì vào một thời điểm trong tương lai.

Nếu ngược lại, con cảm thấy có lỗi vì đã làm tổn thương người khác, hãy khuyến khích con viết một lá thư xin lỗi. Con có thể muốn gửi bức thư này, nhưng cần lưu ý rằng việc người khác có tha thứ hay không là tùy thuộc ở họ.

Nếu con xin lỗi, đó phải là một lời xin lỗi chân thành và không nên bắt đầu bằng bất cứ điều gì như “Tôi xin lỗi nếu …” hoặc “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy rằng tôi ….” Điều đó giống như con nghĩ rằng con không làm bất cứ điều gì sai. Nó có vẻ không chân thành.

Chúng ta không thể bảo vệ con cái khỏi mọi tổn thương và tiêu cực trên thế giới, nhưng bằng những cách này chúng ta có thể giúp chúng đối phó với cảm xúc của mình một cách tích cực nhất.

Theo Carol Bainbridge, Very Well Family
Đan Tâm biên dịch

Video: Học chấp nhận chính là chìa khóa của hạnh phúc

videoinfo__video3.dkn.tv||c86476263__