Những việc nội trợ mà mẹ đã dạy, Hana đều nhớ và làm được một cách khéo léo, thành thạo. Chính bữa sáng với hương vị súp miso ngọt ngào đã cứu rỗi trái tim đau khổ của người cha.
“Mẹ ơi, Hana nói với mẹ điều này nhé. Đó là Hana đã tự mình làm được cả hộp cơm rồi. Mẹ ngạc nhiên lắm phải không?
Hôm trước kỳ nghỉ đông, bố uống nhiều rượu rồi ngủ quên, không kịp chuẩn bị hộp cơm để Hana mang đến lớp trông trẻ ngoài giờ. Bố nói, bố sẽ mang đến sau nhưng Hana nghĩ nếu bây giờ mình chuẩn bị thì vẫn kịp nên trong lúc bố đang ngâm mình trong bồn tắm, Hana tự mình nấu cơm và chuẩn bị hộp cơm xem sao.
Hana nấu món trứng ốp la mà bà đã dạy và món thịt heo xào muối tiêu xanh bố dạy. Hana còn rắc cả furikake lên cơm nữa. Hana cũng hứa với bố là lần sau, sau khi nấu xong nhất định sẽ dọn dẹp sạch sẽ”.
Đó là câu chuyện mà cô bé Hana kể cho người mẹ đã mất của mình – cô Yasutaka Chie, ở Fukuoka, Nhật Bản. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2001. Mùa hè năm ấy, bố Shingo và mẹ Chie vui mừng cùng nắm tay nhau làm lễ kết hôn tại lễ đường. Lúc ấy, mẹ Hana đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú.
Dù gặp rất nhiều sự phản đối từ phía gia đình bạn trai, nhưng cả hai đã quyết làm đám cưới với nhau và dọn ra ở riêng. Sau ngày cưới, anh Singo luôn sát cánh cùng người vợ thân yêu chống chọi với mọi khó khăn của cuộc sống.
Rồi một điều kỳ diệu đã đến với gia đình bé nhỏ này, Chie phát hiện ra mình đang mang thai. Nhưng đau đớn thay, lại một lần nữa cô đứng trước những sự lựa chọn khó khăn. Vì bác sĩ cho biết, nếu cô sinh nở vào trong thời gian này thì căn bệnh ung thư của cô sẽ lại tái phát và như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
Với một người phụ nữ luôn đau khổ vì không thể thực hiện thiên chức cao cả của một người mẹ, làm sao cô có thể nhẫn tâm bỏ đi đứa con trong bụng? Chie đã quyết định giữ lại cái thai và sẽ sinh đứa bé này.
Tháng 2/2003, Chie đã hạ sinh cô con gái nhỏ Hana và coi cô bé là món quà quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng. Nhưng hạnh phúc không ở lại với cô được lâu. Khi Hana được chín tháng, căn bệnh quái ác lại tái phát và cướp đi sức khỏe của cô. Cô gần như không thể làm được bất cứ việc gì. Nằm một chỗ và nghĩ đến ngày mình sẽ phải rời xa cõi đời mà không chăm sóc được chồng con mình nữa, Chie gần như hoàn toàn tuyệt vọng.
Cô thường nằm và tâm sự với con, cô luôn xin lỗi con vì đã không ôm và chăm sóc được nó như những bà mẹ khác. Cô con gái nhỏ dường như thấu hiểu những nỗi khổ tâm của mẹ nên rất ít quấy khóc và cứ thế khỏe mạnh lớn lên. Nhìn con cô băn khoăn và tìm cách để con và chồng có thể sống tốt khi mình không còn nữa.
Vì vậy, cô chỉ còn biết dạy con gái làm việc nhà, để cô bé có thể tự chăm sóc cho bản thân dù không có mẹ ở bên cạnh. Khi Hana lên 3, Chie bắt đầu dạy con làm những việc nhẹ nhàng như phơi quần áo, sắp xếp đồ đạc, dọn vệ sinh, chuẩn bị đồ dùng trước lúc đi học…
Dù lúc đầu con không quen, hay bị đau trong quá trình làm việc, dù trong lòng đau đớn xót xa, nhưng Chie vẫn một mực kiên trì dạy con. Cứ như vậy, cô bé Hana đã bị mẹ “ép” vào bếp từ khi còn rất nhỏ. Món ăn đầu tiên mà Chie dạy con làm chính là súp miso.
Vào dịp sinh nhật 4 tuổi của Hana, Chie đã tặng con một chiếc tạp dề với lời nhắn nhủ: “Nấu ăn là một việc có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con, thế nên mẹ sẽ dạy con cách dùng dao, để con có thể làm ra những món ăn. Con có thể xếp việc học hành xuống thứ 2, bởi chỉ cần con có sức khỏe, có thể tự chăm sóc cho bản thân thì bất luận tương lai như thế nào, cho dù con ở đâu cũng đều có thể sống tốt”.
Năm 2008, Chie qua đời khi con gái Hana mới lên 5 tuổi. Chồng cô, người đàn ông mạnh mẽ ấy đã suy sụp hoàn toàn và anh thường xuyên lấy bia, rượu để giải sầu.
Một buổi sáng cô bé Hana đứng trước bếp, với đôi chân nhỏ quá phải kiễng lên, mặc chiếc tạp dề dâu tây, khuôn mặt đáng yêu tươi cười. Hana đứng trong nhà bếp với con dao trong tay và bắt đầu làm món súp miso. Cách làm của cô bé y hệt của mẹ và món súp có hương vị thân quen. Tâm trạng của bố Hana, anh Shingo tốt dần lên với sự động viên tinh thần của con gái. Chính Hana đã mang lại cho anh một nguồn sống mới. Anh bắt đầu thay đổi cuộc sống và làm việc tích cực hơn để có thể lo cho con. Khi nhìn Hana lớn lên và tiếp tục làm món súp miso, anh tin rằng con có thể cảm thấy sự hiện diện của mẹ trong chính mùi vị của món ăn.
Ở độ tuổi như của Hana, đa phần trẻ con chưa thể cảm nhận được nỗi đau của sinh ly tử biệt. Thế nhưng, Hana không vậy. Khi thấy cha triền miên hút thuốc, Hana đã vứt thuốc vào thùng rác và nói với cha rằng: “Chẳng phải bố đã hứa sẽ không hút mà. Nếu bố bị ung thư rồi chết, Hana sẽ chỉ còn một mình. Bố để Hana trở thành côi cút cũng được sao?”.
Những việc nội trợ mà mẹ đã dạy, Hana đều nhớ và làm được một cách khéo léo, thành thạo. Chính bữa sáng với hương vị súp miso ngọt ngào đã cứu rỗi trái tim của người cha: “Vì Hana tôi có thể làm mọi thứ. Nếu làm cho con bé đau buồn thì tôi sẽ là người bố tồi tệ nhất”.
Câu chuyện về bé Hana như một thông điệp gửi đến các bậc cha mẹ rằng yêu thương con chính là dạy con tự lập từ lúc nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Đây chính là câu chuyện cảm động về tình yêu, tình thân trong gia đình, là nguồn sức mạnh vô bờ giúp mỗi thành viên đi qua giông bão của cuộc đời.
Hồng Ân