Mỗi đứa con là niềm tự hào và kỳ vọng của các các bậc làm cha mẹ, và đương nhiên cha mẹ đều muốn con cái của mình trở thành những đứa trẻ xuất sắc. Tuy vậy, nuôi dạy một đứa trẻ nên người là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đó là vấn đề quan trọng bậc nhất mà mỗi người lớn phải đối mặt khi trở thành cha mẹ. Vậy điều gì làm nên một đứa trẻ vượt trội? Đó là câu hỏi mà tất cả những ai quan tâm đến con cái sẽ cùng đặt ra cho chính mình và các con của họ.
Ngày nay, người ta thường áp dụng cách thức “cùng một lớp học, cùng một giáo viên” cho trẻ em, và hy vọng rằng từ đó sẽ đào tạo nên những đứa trẻ xuất sắc. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều phát triển với cùng tốc độ hoặc có cùng trình độ nhận thức hay khả năng sáng tạo. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt trong cách trẻ sẽ suy nghĩ và hành xử? Điều gì làm cho một số học sinh trở nên vượt trội, trong khi những em khác tụt lại phía sau?
Một số người tin rằng câu trả lời có thể nằm ở chỉ số IQ của trẻ và họ xem nó như là yếu tố chính quyết định cách đứa trẻ sẽ suy nghĩ ra sao. Và thế là dẫn đến việc nhiều bậc cha mẹ cho rằng khi trẻ lớn lên, chúng sẽ tự động học hỏi mọi thứ. Nếu nhìn nhận vấn đề này như vậy, các bậc phụ huynh có thể lơ là và sao lãng trong cách nuôi dạy con mình và điều này sẽ khiến đứa con thật sự bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, một vài báo cáo về lĩnh vực này cho thấy rằng chỉ số IQ của một đứa trẻ chỉ đóng khoảng 20% vai trò trong quá trình học, và chúng ta vẫn có thể tìm ra chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Đó chính là điều mà nhiều bậc cha mẹ không biết rằng chúng ta có thể góp phần vào sự thành công của con trẻ, có nghĩa là bạn cũng nên dạy cho con có được thái độ và thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày.
Sau đây là một câu chuyện về thái độ học tập dẫn đến thành quả khác nhau
Một người phụ nữ đã kể bài học kinh nghiệm của cô về tính đúng giờ mang lại thành quả như thế nào. Chuyện là có hai đứa trẻ là bạn học trong lớp học vẽ của con trai cô và hai bé này có sự khác biệt rõ rệt trong thái độ học tập. Một bé là bé trai, cậu bé này thường vào lớp trễ và ngồi thụ động trong giờ học. Người kia là một bé gái, người luôn đến đúng giờ và thậm chí còn chuẩn bị sẵn sàng cho giờ học rất sớm.
Một ngày nọ, lớp học vẽ có tiết học trong một ngày thời tiết xấu. Bạn có thể cho rằng hầu hết các em sẽ đến trễ do thời tiết, nhưng cô bé này vẫn đến lớp đúng giờ cùng với mẹ mình như thường lệ và cô là học sinh duy nhất đến lớp vào ngày hôm đó. Thế rồi theo thời gian, kỹ năng vẽ của cô bé được nâng cao một cách nhanh chóng, trong khi kỹ năng của cậu bé dường như tụt lại phía sau.
Một hôm, trong một cuộc trò chuyện giữa các bậc phụ huynh về con cái của họ và tài năng của bọn trẻ, mẹ của cô bé đã nhận xét: “Tài năng là quan trọng, nhưng thái độ còn quan trọng hơn so với điều đó”. Người mẹ này cũng nhấn mạnh rằng chìa khóa để đạt được thành công là thực hiện nghiêm túc việc đúng giờ.
Rõ ràng là, hình thành thái độ tốt cũng giống như tạo ra khuôn khổ và điều kiện phát triển cho tâm trí, chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chúng ta đạt được.
Chìa khóa để đạt được thành công là gì?
Mặc dù chúng ta biết rằng không thể thay đổi những gì thuộc về gen di truyền của một đứa trẻ, nhưng có một yếu tố rất trọng yếu mà người lớn có thể kiểm soát một cách sáng tạo, đó chính là các thói quen TỐT. Có một câu nói rằng thói quen tốt giúp tạo nên những đứa trẻ xuất sắc. Đó thực sự là thứ có tác động rất lớn đến việc con trẻ đạt được mục tiêu và cuối cùng gặt hái được những thành tựu. Vậy những thói quen ấy là gì và chúng ta có nên áp dụng chúng theo cùng một cách cho mọi trẻ em không?
Đương nhiên các em nhỏ có các tố chất bẩm sinh khác nhau, điều kiện học tập và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Song từ góc độ sư phạm mà nói, có một số thói quen tốt nên được áp dụng cho trẻ theo những cách thức nhất định. Những người làm ngành giáo dục tin rằng điều quan trọng là trẻ em phải hình thành thói quen kiên trì để giúp các bé tin tưởng vào việc tiếp nhận, chấp nhận và thích ứng với các hành vi tốt được rèn luyện trong quá trình giáo dục thời thơ ấu.
Mặc dù người lớn chúng ta muốn rằng: “Con trẻ cần phát triển những thói quen tốt hơn vì những thói quen cũ đang ngăn cản các con đạt được những thành tựu của mình”. Thực ra, đây không chỉ là vấn đề của riêng con trẻ, vì tuy rằng các bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình được giáo dục tốt và hình thành những thói quen tốt, nhưng rất nhiều bậc cha mẹ vẫn cần phải học cách thay đổi hành vi của chính mình. Đương nhiên, chúng ta ai cũng biết rằng nói thì dễ hơn làm. Đã bao nhiêu lần bạn đã viết ra, hoặc tự hứa và lên kế hoạch về các cam kết để thay đổi, để làm bản thân tốt hơn?
Do vậy, việc hình thành thói quen tốt cần có thời gian và do đó cần phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Trên thực tế các thói quen được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu sẽ được hình thành tốt khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Điều duy nhất bạn phải ghi nhớ là bạn nên giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi bạn dạy con mình bất cứ điều gì. Việc hình thành thói quen tốt cần có thời gian và sự kiên trì, nhưng bạn cũng nên nhớ rằng tất cả những nỗ lực, khả năng chịu đựng trong một thời gian lâu dài và những khó khăn phải vượt qua trên con đường của bạn, là để bạn và con đạt được thành công. Một khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ có thể hướng dẫn bản thân mình và con trẻ đi đúng hướng.
Sau đây là bốn thói quen tốt mang đến cho con bạn một nền tảng vững chắc trong cuộc sống
1. Quản lý thời gian hiệu quả là chìa khóa để thành công
Khả năng quản lý thời gian của một người cũng giúp ích cho việc lập nên kế hoạch tốt, là điều cần thiết để phát triển trách nhiệm đối với việc học tập và cuộc sống nói chung.
Có thể nói rằng những người thành công là những người quản lý thời gian hiệu quả, bởi vì việc đúng giờ rèn luyện cho bạn tính kỷ luật và trách nhiệm và chúng ta chắc hẳn sẽ đồng ý rằng điều này cũng mang lại sự tin cậy. Đây chính là phẩm chất tốt khiến người khác đối xử với bạn một cách trân trọng và mang đến cho bạn những cơ hội tốt.
Bên cạnh đó, việc dạy con đúng giờ còn có thể giúp con trẻ biết tôn trọng những người và việc liên quan đến mình, biết nỗ lực hoàn thành vai trò của mình và biết cách quan tâm đến cảm nhận của người khác. Việc này chỉ có thể đạt được nếu con bạn được dạy dỗ nghiêm túc và hiểu được tầm quan trọng của việc đúng giờ và quản lý thời gian hiệu quả.
2. Ngăn nắp
Hầu hết mọi người chúng ta biết rằng tính ngăn nắp giúp rèn luyện khả năng sắp xếp và sự tập trung của một người.
Có một câu chuyện thế này. Một người dọn phòng được trả tiền để giúp thu dọn lại phòng của một đứa trẻ. Khi bước vào, cô ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy tình trạng lộn xộn của căn phòng: sách, đồ chơi, quần áo và những thứ linh tinh khác nằm lung tung khắp nơi, cùng với ba chú chuột lang ở đó. Người này thảng thốt hỏi: “Làm thế nào một đứa trẻ có thể sống và học tập ở một nơi vừa lộn xộn vừa có mùi như thế này được?”
Không lâu sau đó, bọn trẻ đã tham gia dọn dẹp căn phòng và bỏ bớt đi những thứ không cần thiết. Khi căn phòng trở nên gọn gàng, các em vui vẻ ngồi vào bàn và bắt đầu học tập nghiêm chỉnh.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard, những trẻ em gọn gàng với một máy vi tính sạch sẽ là những người có điểm số tốt, tính cách thân thiện, có khả năng tập trung và sự bền bỉ. Các em không có thói quen dọn dẹp là những em thường hay quên hay để lạc mất đồ đạc, và có thái độ trì trệ.
3. Đọc sách
Có câu nói rằng đọc sách có thể góp phần làm nên cho sự giàu có suốt đời. Theo một cuộc khảo sát, 80% những người đứng đầu các kỳ thi đại học là những người thích đọc sách. Một người đạt thành tích cao về việc học ngôn ngữ cho biết rằng càng đọc sách nhiều thì cảm thụ ngôn ngữ của anh càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, các em nhỏ ham đọc sách sẽ có suy nghĩ trưởng thành và nhạy bén hơn so với những em không đọc sách. Việc đọc những quyển sách tốt, đặc biệt các sách dạy hành vi và đạo đức tốt giúp các em không cả tin hay nhút nhát, mà sẽ trở thành những người có khả năng độc lập, có chủ kiến riêng và không dễ dàng làm theo điều gì một cách mù quáng.
Sẽ rất tốt nếu bắt đầu thói quen đọc cho trẻ em từ khi còn nhỏ. Hãy dành khoảng hai mươi phút để kể cho con bạn nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ, đây là một cách tuyệt vời để bắt đầu thói quen này. Khi bọn trẻ vào khoảng năm sáu tuổi, các em có thể thử tập đọc để chuẩn bị cho việc đọc sách của riêng mình khi lớn lên.
4. Hoạt động thể chất
Một điều vô cùng hữu ích của việc hoạt động thể chất là giúp nuôi dưỡng sự tự tin và lòng tự trọng của một người.
Một phụ nữ đã kể rằng bạn cô ấy có một cậu con trai không có chút tự tin nào. Thế rồi một lần cậu bé tham gia một trò chơi nhảy xa ở trường mẫu giáo và chiến thắng. Từ sau khi được khen ngợi, cậu bé trở nên cởi mở và năng động hơn, bởi vì cậu bé đã chứng tỏ sức mạnh của mình và đạt được sự tự tin thông qua quá trình này. Đó là những gì thể thao có thể mang lại cho một người
Hiện này, trong mức độ canh tranh gay gắt về việc học tập của con trẻ, không ít phụ huynh ép con mình học tập một cách quá sức. Tuy vậy, chúng ta có thể đã bỏ quên vấn đề là việc thiếu các hoạt động thế chất có thể đẩy con trẻ vào trạng thái suy kiệt tinh thần, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm. Bởi vì con trẻ không có môi trường để kết nối với bạn bè và người thân, không nhận được sự giải tỏa tinh thần, sự động viên, khích lệ và khen ngợi trong quá trình đó, từ đó dẫn đến hạn chế khả năng sáng tạo của con.
Các chuyên gia cho rằng nên dùng tối thiểu ba giờ chơi thể thao hoặc các hoạt động hàng ngày cho trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1,5 đến 5 tuổi. Nếu có thể, các bé nên được khuyến khích tham gia vào ít nhất một môn thể thao, chẳng hạn như cầu lông, bóng rổ,… Điều này không chỉ cho phép trẻ giải tỏa áp lực và năng lượng, mà còn giúp tăng trưởng thể chất và sức khỏe thị lực.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami đã nói: “Thể thao mang lại điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có thể được cảm nhận sâu sắc bởi tâm hồn”.
Hãy là tấm gương cho con trong việc dưỡng thành các thói quen tốt
Có thể bạn đã vô tình lãng quên một điều rằng, con cái chúng ta ở một mức độ nào đó là sự phản ánh của chính bản thân chúng ta. Trẻ em luôn tìm đến cha mẹ trong cuộc sống của mình, xem cha mẹ như một tấm gương, một điểm tham khảo, một người hướng dẫn bất cứ khi nào trẻ gặp rắc rối, và cũng từ đó các em học những thói quen từ cha mẹ mình. Khi con trẻ lớn dần lên, các con sẽ bắt chước hành vi và tính cách của cha mẹ. Vì thế, chính bạn là người quyết định việc hình thành các phẩm chất và thói quen tốt cho con vì chúng sẽ được truyền lại cho trẻ qua hành vi của bản thân bạn.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn có quyết tâm hay không mà thôi. Nếu bạn thấy việc đúng giờ thật khó thực hiện, thì làm sao bạn có thể kỳ vọng con trẻ trở thành một người đáng tin cậy được phải không? Do đó, hãy bắt đầu từ chính chúng ta, và qua đó dạy cho con phân biệt giữa thói quen tốt và xấu để chọn lấy những điều tốt đẹp. Bạn có thể dạy con bạn kỷ luật, nhưng liệu con bạn có thực hiện hay không sẽ phụ thuộc vào cách bạn hướng dẫn. Hãy giải thích cho con và bước cùng con mỗi bước nhỏ trên con đường đó hàng ngày, cho con thấy những cách thức đúng đắn, khuyến khích con kiên trì thực hiện bằng thái độ tích cực và khen ngợi của bạn.
Và với chính bạn, hãy kiên trì. Thay đổi thói quen xấu và rèn luyện những thói quen lành mạnh là cả một cuộc chiến đối với cha mẹ và trẻ nhỏ. Nhưng bạn phải kiên nhẫn và dẫn dắt con, phải giáo dục con về những thói quen không lành mạnh và dạy con tránh xa chúng trong mọi hoàn cảnh. Mỗi bước đi nhỏ sẽ khiến con thay đổi dần dần, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn trong thói quen của chính mình và các con theo thời gian.
Trẻ nhỏ tựa như những viên đất sét mềm dễ uốn nắn, vì vậy hãy sáng suốt chọn ra những “cái khuôn” đẹp và tốt để định hình những phẩm chất tốt cho con trẻ. Điều quan trọng nhất là hãy cho con biết ý nghĩ của việc rèn luyện những thói quen tốt, chính là để con trở thành một con người tốt thật sự, một người được yêu thương và trân trọng. Đó là con đường tốt nhất để con xây dựng phẩm chất đạo đức tốt, để phát triển thành một người thành công và đạt được các thành tựu trong cuộc sống. Một khi hiểu được điều đó, bạn sẽ không bị áp lực trong việc dạy dỗ con vì con bạn sẽ cảm thấy việc rèn luyện những thói quen tốt là điều tất nhiên và cần thiết và sẽ giúp con lạc quan hơn về tinh thần.
Nếu bạn đã bước đúng bước đi đầu tiên, thì bạn không cần lo lắng nữa, hãy vui vẻ và tận tâm thực hiện. Và nếu có khó khăn nào khiến bạn chùn bước, hãy nghĩ đến những gì bạn sẽ nhận được sau quá trình rèn luyện này, nó không chỉ thay đổi bản thân bạn tốt hơn lên, mà còn là đem đến cả một tương lai tươi sáng cho con trẻ, đó chính là thành công tuyệt vời nhất mà bạn sẽ đạt được. Chắc hẳn bạn cần phải đi một chặng đường dài, nhưng con trẻ sẽ hạnh phúc biết bao khi biết chúng có người cha người mẹ vĩ đại thế nào ở cuối cuộc hành trình này, vì thế, bạn hãy cứ kiên trì nhé.
Theo Vision Times
Tâm An