Nếu bạn vẫn còn thắc mắc vì sao Đức luôn là quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, có nhiều sản phẩm đạt mức độ tinh vi và chất lượng đỉnh cao, có nhiều danh nhân lỗi lạc nhất thế giới…? Xin hãy đọc bài viết này:
Hồi tôi còn nhỏ, ba sang Đức công tác và mang về cho tôi một chiếc hộp nhạc. Ngắm nhìn chiếc hộp trên tay, tôi đã kinh ngạc đến ngây người: Bên trong là các bánh răng cưa bé xíu, còn nhỏ hơn cả móng tay tôi, ấy vậy mà lại kết hợp với nhau thật hài hòa. Mỗi từng chi tiết đều hoàn hảo, giống như một cỗ máy tinh vi thu nhỏ vậy. Khi quay cái nút vặn, chiếc hộp phát ra điệu nhạc êm đềm như dòng suối, khiến tôi có cảm giác như đang được lắng nghe giai điệu của thiên nhiên.
Từ giây phút đó, ấn tượng về nước Đức thật mạnh mẽ và sâu đậm trong tôi. Đó cũng là lý do mà hơn mười năm sau, tôi đã lựa chọn thi vào khoa tiếng Đức của một trường đại học danh tiếng. Càng học tập và càng tìm hiểu văn hóa Đức, tôi lại càng thêm yêu vùng đất diệu kỳ này: là quê hương của các câu chuyện cổ nổi tiếng, là xứ sở của những tòa lâu đài đẹp như trong huyền thoại, là nơi sinh ra các triết gia và nhà khoa học lỗi lạc, là “chủ nhân” của hơn một trăm giải Nobel danh giá, và là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất châu Âu….
Sau này khi sang Đức du học, tôi lại càng thêm ngưỡng mộ lối sống văn minh và cách hành xử lịch thiệp của người dân nơi đây. Và điều đáng nói là: Nước Đức bao giờ cũng vậy, dẫu là thời chiến hay thời bình, trong những năm khủng hoảng hay khi nền kinh tế khởi sắc… thì vẫn luôn chứng tỏ là một dân tộc văn minh, lịch lãm. Vì sao lại như vậy? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong tôi suốt một thời gian dài.
Tới khi chuyển đến sống chung với môt gia đình bản địa, tôi mới tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình thời gian qua.
Chủ gia đình là một cặp vợ chồng cùng với cậu con trai chưa đầy một tuổi. Lúc đầu, tôi cho rằng việc chăm sóc con trẻ của họ thật là thiếu sót, sao lại bất cẩn để trẻ nhỏ bò đi đâu thì bò, muốn nghịch bẩn cứ việc mà nghịch bẩn, thậm chí là mặc kệ cho trẻ tùy tiện gặm bất kể thứ gì!
Mãi sau đó tôi mới biết, thì ra người Đức rất coi trọng rèn luyện tính độc lập, tự giác, và khả năng ‘tự khám phá thế giới’ của trẻ. Điều ấy trái ngược hẳn với cách giáo dục kiểu bao bọc, chở che, bảo vệ con của các bà mẹ Á châu mà tôi vẫn biết.
Và càng có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, tôi lại càng nhận ra những đặc điểm nổi bật trong cách giáo dục của người Đức: Giáo dục trong gia đình luôn xếp trên giáo dục tại trường học; truyền thụ kỹ năng quan trọng hơn truyền thụ tri thức; bồi dưỡng năng lực giải quyết quan trọng hơn đáp án; và rèn luyện các thói quen lành mạnh quan trọng hơn cả việc sống trong môi trường vật chất tiện nghi.
Người Đức tin rằng: thành công của giáo dục bắt đầu từ gia đình. Cách giáo dục tốt sẽ bồi dưỡng thói quen tốt, mà thói quen tốt lại ảnh hưởng đến tính cách của trẻ suốt cuộc đời.
Văn hóa đọc đã tạo nên một dân tộc hùng mạnh
Nếu có dịp tới thăm nước Đức, bạn sẽ phát hiện một đặc điểm rất thú vị là: ở bất cứ nơi đâu, dù là sân bay hay ga tàu điện ngầm, thì mọi người đều say sưa đọc sách. Khác với thói quen lướt web và chơi điện tử trên di động của người Việt, người dân Đức từ trẻ nhỏ cho đến bậc lão niên thường có thói quen mang theo sách bên mình. Họ sẽ đọc bất cứ lúc nào: tại quán cafe, trong công viên, hay ở điểm chờ xe điện. Ở các khu vực công cộng, kể cả những nơi thường diễn ra sự kiện, luôn có một góc nhỏ yên tĩnh cùng với rất nhiều sách để bất cứ ai cũng có thể đến đọc.
Nước Đức không ủng hộ “giáo dục trước tuổi đi học”, nhưng lại khuyến khích các bậc phụ huynh đọc sách cho con nghe. Chủ nhà trọ của tôi kể rằng, khi con trai mới sinh ra ông đã đọc sách cho con, rồi sau đó ông còn mua sách tặng con như những món quà ý nghĩa. Ông nói: “Đọc sách là cách giáo dưỡng tốt nhất, trẻ nhỏ thích đọc sách sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, buồn tẻ”.
Việc đọc sách đã trở thành một nét đẹp văn hóa: Từ gia đình cho đến trường học, thậm chí là toàn xã hội đều khuyến khích đọc. Và mặc dù Đức là quốc gia hiện đại, nhưng sách truyền thống lại được ưa chuộng hơn nhiều sách điện tử. Nếu như sách giấy dành cho người lớn vốn đã nhiều và đa dạng, thì sách dành cho thiếu nhi lại càng đa dạng và phong phú hơn.
Chỉ cần điểm qua một vài con số, bạn sẽ thấy người Đức “mọt sách” đến mức nào: Sách viết bằng tiếng Đức chiếm 12% tổng lượng sách trên toàn thế giới, trong khi người Đức chỉ chiếm 1,2% dân số toàn cầu. Đây cũng là quốc gia có mật độ thư viện cao nhất, chỉ tính riêng ở Berlin trung bình cứ 17 nghìn người thì có một thư viện, và trong bất cứ thư viện nào cũng thấy rất đông người đọc sách.
Quan tâm và làm bạn với con có giá trị hơn hết thảy mọi phương pháp giáo dục
Có thể bạn đã từng nghe trên báo đài rằng: người Đức không ủng hộ việc dạy học trước khi trẻ tới trường. Và đúng như vậy, họ có cách nhìn nhận rất riêng về sự “học” của trẻ ở lứa tuổi mầm non, và nội dung của việc “học” này cũng không giống với những gì chúng ta vẫn nghĩ.
Người Đức tin rằng, độ tuổi trước khi đến trường là để hoàn thiện về nhân cách, phát triển về kỹ năng. Do đó, việc giáo dục trong gia đình luôn được coi trọng hơn giáo dục tại trường lớp. Gia đình mới là nơi vun đắp và bồi dưỡng tâm hồn trẻ, còn trường học chỉ là nơi hoàn thiện các kỹ năng bên ngoài. Vì vậy mà các trường mầm non của Đức chỉ chú trọng rèn luyện kỹ năng cho trẻ hơn là tri thức. Giáo viên sẽ dạy trẻ làm thế nào để sử dụng các phương tiện công cộng, tuân thủ quy tắc giao thông như thế nào cho đúng, cần thực hiện phép tắc lịch sự ở nơi công cộng ra sao… thậm chí, trẻ được học cách phân loại rác thải và rất nhiều vấn đề xã hội khác.
Còn trong gia đình, mối quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ với con cái là cơ sở để trẻ phát triển bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn, và hoàn thiện nhân cách. Thậm chí, mỗi gia đình đều có riêng một “ngày gia đình”. Trong ngày này, cha mẹ sẽ toàn tâm toàn ý dành thời gian cho con, làm bạn của con, chơi đùa với con, cùng con đi dạo, đạp xe, đi dã ngoại, hoặc cùng con sắp xếp lại căn phòng, làm việc nhà, sơn lại bức tường… Dưới sự dẫn dắt của cha mẹ, trẻ được quyền tự tay làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình. Điều ấy cũng giải thích vì sao trẻ em Đức từ 6 tuổi đã có khả năng tự lập rất lớn.
Sức mạnh quốc gia bắt đầu từ sự giáo dưỡng của mỗi công dân
Có câu nói đại ý rằng: Mức độ phồn vinh của một quốc gia bắt nguồn từ sự giáo dưỡng của mỗi công dân, nghĩa là phụ thuộc vào nền giáo dục của quốc gia, cũng như tầm nhìn và phẩm đức của mỗi người dân. Đây mới là lợi ích thực sự, sức mạnh thực sự để đất nước phát triển bền vững.
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc: Vì sao Đức luôn là quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, có nhiều sản phẩm đạt mức độ tinh vi và chất lượng đỉnh cao, có nhiều danh nhân lỗi lạc nhất thế giới…? Đó là bởi mỗi từng công dân Đức ngay từ nhỏ đã được bồi dưỡng về phẩm chất và hoàn thiện bản thân mình.
Cũng chính nhờ đề cao giáo dục gia đình, mà ngay từ nhỏ trẻ em Đức đã được gieo trồng vào trong sâu thẳm tâm hồn những hạt giống mỹ đức, khi lớn lên sẽ đem lại trái ngọt thiện lương và ưu tú cho quốc gia mình.
Theo Cmoney
Minh Phúc biên dịch