Làm sao biết con bạn là một đứa trẻ ngoan hay hống hách ở trường? Hãy tập quan sát những thói quen thường ngày của con.

Tại các trường học, chúng ta vẫn thường thấy những đứa trẻ tranh giành đồ chơi, những cô gái thích “ngồi lê đôi mách”, những chàng trai thích bắt nạt các bạn yếu thế… Tất nhiên, không bậc cha mẹ nào lại mong muốn con cái của mình là một trong số trường hợp được nêu trên đây hay lớn lên trở thành những đứa trẻ không tử tế. Vậy là do con bạn không nghe lời hay chúng ta đang dạy sai cách?

Ngày nay, vì quá quan tâm đến thành tích và kết quả học tập của các con mà nhiều ông bố bà mẹ quên cả việc nuôi dưỡng nhân cách của con trẻ, hậu quả là ngày càng có nhiều những đứa trẻ trở nên hung hăng, “hách dịch” và hay thích bắt nạt các bạn khác.

Amanda Nickerson, Giám đốc Trung tâm Buffalo’s Aberti về Phòng chống bắt nạt học đường cho biết: “Công việc của những ông bố bà mẹ chúng ta không chỉ là bảo vệ con cái mình mà còn là dạy dỗ chúng những hành vi đúng mực”.

 
Ảnh: KERKE/GETTY.

“Bắt nạt” không chỉ đơn giản là hành vi làm bạn tổn thương thể chất mà ngay cả trong lời nói, cách đối xử hàng ngày cũng thể hiện ra việc bạn đang bị bắt nạt; những hành động thích dọa dẫm hoặc điều khiển người khác để đạt được mục đích của mình cũng chính là bắt nạt. Bắt nạt khác với đánh nhau, cãi vã… Bắt nạt bắt nguồn từ một phía chứ không giống như hình thức đánh nhau và cãi vã giữa các học sinh do không hài lòng nhau. Hiện nay, bắt nạt nổi lên trở thành một vấn nạn học đường liên quan tới việc giáo dục ý thức và đạo đức cho trẻ. 

Các bậc phụ huynh cần có cách nhìn đúng đắn về hình thức bắt nạt bởi vì nó có thể giúp họ nhận thức được vấn đề của con cái mình. Cha mẹ nên thường hỏi con cái những câu kiểu như: Hôm nay ở trường con chơi với ai, ai ngồi cùng với con trên lớp… Nếu có thời gian, cha mẹ nên quan sát con cái của mình trong cách đối xử với các bạn khác.

Đối với một đứa trẻ mẫu giáo, thật khó để bạn chia sẻ những cảm xúc với con. Nhiều đứa trẻ cảm thấy thích thú khi giành được món đồ chơi từ bạn hoặc là vui thích khi bạn khác gặp khó khăn. Trước những tình huống như vậy, ba mẹ nên hỏi con cái rằng con có biết bạn con cảm thấy như thế nào không?

Mục đích của điều này là dạy cho trẻ hiểu được cảm nghĩ của người khác, biết cảm thông hơn và phát triển những kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống tương tự. 

Ảnh: Fatherly.

Theo ông Nickerson, bắt nạt thuộc về uy quyền và cần được điều chỉnh. Tất nhiên, nhiều trẻ nhỏ khăng khăng những gì mình làm là đúng ngay cả khi chúng không hiểu chuyện đó như thế nào. Những đứa trẻ thích bắt nạt thường thích thể hiện ý kiến của mình là đúng rất mạnh mẽ. Khi chúng kể chuyện về một ai đó, chúng thường dùng những từ ngữ tiêu cực và thiếu tôn trọng. Kiểu như, “Con mới đúng, tất cả các bạn khác đều kém cỏi, ngu ngốc, xấu xí hay chậm chạp”.

Khi con cái có những biểu hiện này, cũng là lúc ba mẹ cần chuyên tâm hơn dạy con thấu hiểu, khiêm tốn và cách sử dụng từ ngữ.

Đây cũng là lúc ba mẹ nên đi gặp giáo viên của con để trao đổi về trường hợp của con mình. Giáo viên là người thường xuyên tiếp xúc với con cái, vậy nên họ có thể hiểu và giúp ba mẹ dạy bảo con cái tốt hơn. Khi có sự đồng nhất từ cả nhà trường và gia đình, việc cải thiện tính cách đứa trẻ sẽ được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn.

Hãy chỉ cho con cách phân biệt rõ ràng giữa điều được làm và không được làm. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng chính điều này giúp đứa trẻ có thể xác định được chuẩn mực đúng đắn trong hành vi và suy nghĩ của bản thân.

Bạn đang đọc bài viết: “Con bạn có phải là một đứa trẻ thích bắt nạt người khác?” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__