Tư duy phản biện giúp trẻ đạt thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này. Đó thật sự là một trong những kỹ năng sống cần thiết mà cha mẹ cần rèn luyện cho con. 

Phản biện là đưa ra phân tích, đánh giá đa chiều về bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống. Tư duy phản biện không xuất hiện khi trưởng thành mà hình thành từ bé trong suốt quá trình phát triển của trẻ. 

Tư duy phản biện bao gồm phân tích và đánh giá thông tin tiếp nhận được qua quan sát, trải nghiệm hoặc giao tiếp. Không chỉ tiếp nhận thông tin, điều cốt lõi của tư duy phản biện còn phản ứng lại với thông tin được tiếp nhận. Đặt câu hỏi là phần quan trọng nhất của tư duy phản biện.

Rèn luyện tư duy phản biện ngay từ nhỏ sẽ là nền tảng để trẻ biết tự mình suy nghĩ, giải quyết bất kỳ vấn đề nào đó gặp phải trong cuộc sống theo cách riêng của mình. Nhờ đó, trẻ sẽ có chính kiến, tự tin đối mặt với mọi hoàn cảnh trong thế giới hiện đại ngày nay.

Tạo cơ hội phát triển tư duy phản biện

Tìm ra nhiều phương thức hoạt động của sự vật, sự việc là cách hình thành tư duy phản biện. Giống như nhiều kỹ năng khác, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận kỹ năng này thông qua vui chơi. Bằng cách tạo môi trường vừa học vừa chơi, bạn sẽ giúp trẻ nhìn nhận một vấn đề theo nhiều cách. Những kinh nghiệm thực tiễn này cung cấp nền tảng không thể thiếu cho việc phát triển tư duy phản biện sau này.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Bạn có thể cho con chơi xếp hình, nấu ăn, những đồ chơi có tài nguyên đa dạng để trẻ chọn lựa. Ví dụ, khi chơi xếp hình, trẻ buộc phải nghĩ, làm thế nào để xếp các khối thành hình hay có bao nhiêu cách để xếp hình chúng muốn. Thông qua việc chơi xếp hình, trẻ sẽ phải phân tích đa chiều và tự tay thực hiện những suy nghĩ của chúng, góp phần hình thành tư duy phản biện.

Đặt câu hỏi

Bản chất của trẻ là đặt câu hỏi về mọi thứ, thế nên các bậc phụ huynh không chỉ cần tập trung khuyến khích chúng đặt câu hỏi mà hãy thay đổi vai trò một chút bằng việc đặt câu hỏi với con, “chất vấn” để trẻ có dịp bảo vệ quan điểm của mình.

Gợi ý trẻ hỏi và tự trả lời các câu hỏi liên quan đến đề tài mà trẻ chuẩn bị đọc. Đây là cách tuyệt vời để giúp trẻ hăng hái và tập trung tốt hơn khi đọc sách, hiểu tốt hơn khi diễn giải hoặc kể lại những nội dung đã đọc. Việc này còn giúp các phụ huynh tìm ra được điểm mạnh và điểm yếu trong việc đọc hiểu của con. Thêm vào đó, trẻ cũng có cơ hội thực hành khả năng nhận định.

Tập cho trẻ khả năng quan sát

Đây là cách rất đơn giản, lúc nào cha mẹ cũng có thể thực hiện được với con. Khuyến khích trẻ quan sát sự vật, đồ vật, mọi việc xảy ra xung quanh trong cuộc sống hàng ngày và đưa ra những lý giải, câu hỏi về những điều trẻ nhìn thấy. Ví như, cho trẻ tham gia cùng và quan sát về sự phát triển của cây đậu, từ khi gieo hạt đến lúc nảy mầm thành cây, ra hoa quả. Mùa hè nắng nóng, mùa đông lạnh giá,…

Cho trẻ thời gian suy nghĩ

Khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ bất kỳ hoặc trả lời câu hỏi, đừng bắt chúng đưa ra đáp án ngay lập tức. Thay vào đó, hãy cho trẻ thời gian suy nghĩ. Thời gian suy nghĩ rất quan trọng vì trẻ cần nó để cân nhắc trước hàng loạt câu trả lời hoặc cách thức thực hiện nhiệm vụ. Chúng sẽ phải lựa chọn đáp án phù hợp nhất sau khi phân tích mọi mặt của các đáp án.

Không làm hộ trẻ

Khi con đang thực hiện công việc bất kỳ, bạn đừng vội giúp đỡ. Hãy dành 2 phút hoặc lâu hơn để quan sát cách con bạn đang làm việc, sau đó đưa ra gợi ý giúp chúng thực hiện công việc nếu đang đi sai hướng. Phụ huynh nên hạn chế cùng con hoàn thành công việc vì chúng sẽ không có cơ hội tư duy mà dựa vào phương pháp của cha mẹ.

Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh hãy kiên nhẫn quan sát trẻ làm việc vì chúng chưa đủ sức khoẻ và tư duy sâu sắc về vấn đề. Đối với trẻ lớn hơn, hãy đặt ra những câu hỏi phản biện và cung cấp đủ thông tin để chúng không bị nản lòng, nhưng không quá nhiều như thể bạn đang thay con giải quyết vấn đề.

Tập cho trẻ tư duy logic

Điều cha mẹ cần chú trọng là dạy con hiểu các khái niệm về so sánh, sắp xếp, phân loại kích cỡ và hình dạng… Một số hoạt động để trẻ rèn tư duy logic cha mẹ có thể tham khảo như: ghép hình, lego, tìm điểm giống và khác nhau trong các bức tranh, cờ vua…

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Khuyến khích trẻ suy nghĩ theo cách mới

Bằng cách khuyến khích trẻ suy nghĩ khác biệt, bạn sẽ giúp chúng trau dồi kỹ năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Hãy đặt những câu hỏi như “Chúng ta có thể thử những ý tưởng nào khác?” hoặc khuyến khích con bạn tạo ra các lựa chọn bằng cách nói “Con hãy nghĩ về tất cả giải pháp có thể”.

Hãy lắng nghe

Việc tư duy phản biện ngay lập tức thất bại nếu trẻ để cảm xúc lấn át. Ví dụ, khi trẻ bực tức vì phải thực hiện nhiệm vụ, bạn sẽ thường giúp chúng để giải tỏa cơn giận, nhưng cách làm này sẽ bào mòn khả năng tư duy của trẻ.

Khi con bạn giải phóng cảm xúc như giận dữ, hạnh phúc, buồn bã… hãy lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của chúng. Bạn lắng nghe không phải với mục đích đưa ra giải pháp mà để đồng cảm, chia sẻ. Sau khi bình tĩnh lại, trẻ có thể tự suy nghĩ và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chấp nhận sai lầm

Để học cách thành công, trẻ cần trải nghiệm thất bại. Sai lầm là cơ hội để trẻ suy nghĩ khác biệt, biết phân tích trước khi ra quyết định. Thậm chí, đôi khi phụ huynh hãy khuyến khích trẻ mắc sai lầm để thông qua những thất bại đó học được giá trị của kỹ năng tư duy phản biện.

Tự chịu trách nhiệm

Bước ra khỏi vùng an toàn và chịu trách nhiệm cho các hành động, quyết định của mình là cách giúp trẻ em hình thành tư duy phản biện. Bạn có thể để trẻ tự làm bữa trưa hoặc tự giặt quần áo. Thời gian đầu, chúng có thể gặp rắc rối như nấu không ngon, không có quần áo mặc vì quên giặt đồ. Từ đó, trẻ học được cách chịu trách nhiệm, trước hết với bản thân và học được cách tư duy phản biện để không mắc lại sai lầm như trước đó.

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 553: Cách giáo dục tại bàn ăn của người mẹ Mỹ đã cứu sống một đứa trẻ

videoinfo__video3.dkn.tv||5c2cef33f__