Giáo sư Shichida đặt một nhóm trẻ em trong một phòng riêng biệt cách ly với cha mẹ, ông nhận ra từ nhóm trẻ rằng hầu hết trong số đó nghĩ rằng cha mẹ chúng không yêu thương chúng nhiều như chúng muốn.
Vấn đề chính là vì cha mẹ đã không truyền đạt đủ tình yêu của mình đến con cái!
Phương pháp nuôi dạy con mang tên của vị giáo sư nổi tiếng Nhật Bản Shichida đang được quan tâm trong cộng đồng các ông bố bà mẹ Việt Nam. Điểm khác biệt của phương pháp này là nó hướng vào các bậc phụ huynh thay vì trẻ nhỏ.
Cha mẹ sẽ là người đóng vai trò chính giúp con mình phát triển lòng nhân ái, biết quan tâm, chăm sóc cho người khác với một tinh thần hợp tác và chân thành. Và giáo trình quan trọng nhất của phương pháp Shichida chính là cách truyền đạt tình yêu thương của cha mẹ tới con cái mình.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, và hầu hết họ nghĩ rằng mình đã bày tỏ đủ tình yêu đó với những đứa con của mình.
Tuy nhiên, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với phát hiện sau:
Hãy thử lắng nghe giọng nói của bạn khi bạn nói chuyện với con mình, đặc biệt là trong các trường hợp chúng mắc lỗi hoặc bạn đang muốn nhắc nhở, thúc giục con mình. Ví dụ như: “Mẹ đã nói với con bao nhiều lần là không được làm thế rồi?” hay “Nhanh lên, con chậm chạp quá!”. Đó là những lần khi con bạn làm một điều gì đó khiến bạn không hài lòng, mặc dù bé không có chủ đích làm như vậy.
Bạn có chắc là câu nói của mình đủ bình tĩnh và không mang những “năng lượng tiêu cực”, khó chịu, gây áp lực cho con mình? Còn cả những lần khi con bạn cố tình gây khó khăn cho bạn, khi đó cách bạn giải quyết là giải phóng những cơn thịnh nộ, sự tức giận, sự khiếm nhã của bạn… Và khi trẻ đang la hét gây sự chú ý của bạn thì bạn phàn nàn, la mắng, chỉ trích?
Vậy là bạn đang bỏ qua những hành vi của chính mình mà chỉ tập trung vào hành vi của con và đem lại gánh nặng cho con với các cảm xúc tiêu cực của bạn. Shichida tin rằng khi một người mẹ truyền đạt tình yêu của mình với con của mình một cách khéo léo, đứa trẻ ngay lập tức sẽ thay đổi thành một đứa trẻ ngoan.
Bên cạnh đó, khi bạn muốn truyền tải tình yêu với con mình hãy để tâm trí chúng cũng được mở rộng ra.
Giáo sư Shichida nói rằng: “Thông thường, trẻ em không thể sử dụng khả năng bẩm sinh của chúng do ý nghĩ tiêu cực mà chúng nghe thấy: ‘Con đừng làm nữa để mẹ làm cho, con không làm được đâu, đổ bể hết bây giờ’. Nếu bạn thoát khỏi những suy nghĩ bị giới hạn như vậy và để cho trẻ có nhận thức được khả năng mạnh mẽ của riêng mình, các em sẽ bắt đầu tìm được cách sử dụng những năng lực của bản thân. Ngay sau đó, trẻ sẽ tự biến đổi một cách tuyệt vời. Khi cha mẹ hoàn toàn có thể truyền tải tình yêu của mình và chữa lành vết sẹo trên tâm trí của đứa trẻ, đứa trẻ sẽ bắt đầu thay đổi nhanh chóng.”
Và để có thể làm được điều đó, hệ thống phương pháp Shichida hướng dẫn cho bố mẹ hai cách vô cùng hiệu quả được rất nhiều học giả nổi tiếng cũng như phụ huynh Nhật Bản áp dụng: “Cái ôm 8 giây” và “5 phút thủ thỉ”.
Phương pháp “cái ôm 8 giây” để truyền tải tình yêu thương và khích lệ trẻ làm việc tốt
Khi bé hoàn thành công việc nhà mà mẹ giao, như giúp đỡ mẹ quét nhà, hoặc tưới cây… bạn hãy ôm bé vào lòng và nói: “Cảm ơn con vì đã giúp đỡ bố/mẹ. Con đã làm rất tốt. Bố/mẹ yêu con rất nhiều vì con rất tốt bụng, sẵn sàng và vui vẻ khi làm việc giúp bố/mẹ.” Cùng lúc đó, hãy tiếp tục ôm con trong 8 giây. Ông Shichida tin rằng khi đó tình yêu từ cha mẹ sẽ được truyền tới đứa trẻ và trẻ sẽ được thúc đẩy làm nhiều điều tốt hơn nữa để bố mẹ hạnh phúc.
Và đương nhiên, nếu cái ôm không đủ chân thành hoặc sau cái ôm ấm áp đó, bạn lại phàn nàn, la mắng có ý định phản ứng những cảm xúc tiêu cực của mình vào đứa trẻ thì nó sẽ hoàn toàn không hiệu quả.
Phương pháp “5 phút thủ thỉ” để điều chỉnh hành vi và định hướng trẻ bằng lời lẽ ngọt ngào
Buổi tối, trước khi con đi ngủ là một thời điểm tuyệt vời để các ông bố, bà mẹ thể hiện tình cảm với con, đặc biệt khi bạn và con không gặp nhau cả một ngày vì công việc và trường lớp. Ở Nhật có nhiều ông bố bận rộn đi làm về muộn nhưng vẫn cố gắng dành thời gian buổi tối nằm ru con ngủ, đọc truyện cho con nghe, thì thầm với con những lời yêu thương hay kể chuyện, kể về ước mơ của mình cho con nghe.
Theo nghiên cứu khoa học, lúc trẻ chập chờn vào giấc ngủ, mọi thông tin trẻ nghe được lúc đó sẽ được lưu trữ hoàn toàn vào não bộ. Vì vậy, khi một đứa trẻ tiếp nhận những lời thủ thỉ ngọt ngào vào lúc chúng vừa ngủ, chúng sẽ ghi nhớ một cách vô thức và trở thành một kiến thức, một cảm nhận tự nhiên nhất. Các nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản như Shichida, Ibukai Masaru khuyên rằng cha mẹ hãy ru ngủ cho con bằng bài hát, trò chuyện, thể hiện tình cảm của mình với con hay nói về những gì mình muốn khuyên con… sẽ có hiệu quả rất lớn.
Mục đích của phương pháp này là dùng những lời lẽ yêu thương, những mong muốn tích cực bạn dành cho con, giúp điều chỉnh những nét tính cách chưa tốt ở con, đồng thời giúp con cải thiện trí nhớ, thay đổi đứa trẻ nổi loạn thành đứa trẻ biết vâng lời, biến đứa trẻ thiếu tự tin thành đứa trẻ tự tin mạnh mẽ.
Các bước mà bố mẹ cần thực hiện trong phương pháp này:
Bước 1: Nói lời dẫn dắt
Bạn đừng nghĩ rằng con đang ngủ thì không cần phải nói rõ ràng cho bé hiểu, hãy dẫn dắt vấn đề như thể bé đang ngồi đó lắng nghe bạn:
“Bố/mẹ biết hiện giờ con đang ngủ rất ngon, nhưng một phần trong não con vẫn còn thức và lắng nghe những điều bố/mẹ đang nói với con. Và con sẽ nhớ tất cả mọi điều bố/mẹ nói.”
Bước 2: Thủ thỉ về tình yêu thương
“Bố/mẹ thương con nhiều lắm. Con là một đứa trẻ rất ngoan.
Bởi vì con lúc nào cũng vui vẻ và lễ phép, bố/mẹ thương con rất nhiều.”
Bước 3: Khẳng định về sự an toàn xây dựng niềm tin cho con
“Bố/mẹ lúc nào cũng ở bên con nên con sẽ không bao giờ phải cảm thấy cô đơn và lo lắng điều gì hết.”
Bước 4: Thủ thỉ về sự thay đổi mà bạn mong muốn ở con
“Con là một thiên tài… Con sẽ có thể tự thay đổi…”
Bước 5: Nêu ra những lợi ích khi con tự thay đổi và nghe lời
Ví dụ: Một người mẹ mong muốn con của mình sẽ ngoan ngoãn tự giác ngủ trưa. Thực hiện theo các bước của phương pháp trên, mỗi tối trong vòng 5 phút sau khi con vừa ngủ, mẹ sẽ nhẹ nhàng thì thầm vào tai của con mình:
“Hà My yêu thương của mẹ, con đã ngủ say chưa? Mẹ biết hiện giờ con đang ngủ rất ngon, nhưng một phần trong con vẫn còn thức và lắng nghe những điều mẹ đang nói.
Hà My là một đứa trẻ luôn vui vẻ, biết vâng lời, là một đứa trẻ ngoan nên bố và mẹ và tất cả mọi người đều rất yêu thương con. Mẹ tự hào về con, con gái yêu ạ. Bố mẹ lúc nào cũng ở bên con nên con sẽ không bao giờ phải cảm thấy cô đơn và lo lắng điều gì hết.
Con à, con là một thiên tài nên mẹ tin con có thể tự thay đổi thói quen ngủ của chính con. Con sẽ cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn trưa. Khi điều đó xảy ra, con hãy tự vào giường ngay lập tức và con sẽ ngủ rất ngon.
Con sẽ thích ngủ trưa rất nhiều, mẹ chắc chắn đấy. Con sẽ cảm thấy thật thoải mái và tốt hơn khi con có một giấc ngủ trưa thật ngon đấy. Con hãy ngủ thật ngoan con nhé.”
Có một số ghi nhớ mà bố mẹ nên nằm lòng khi thực hiện phương pháp này. Trước hết, việc gì cũng cần thời gian, không thể nào ngày một ngày hai mà hiệu quả ngay được, bố mẹ cần kiên nhẫn làm theo đúng các bước trên một cách đều đặn và liên tục mỗi đêm. Và lưu ý là không nói nhiều hơn 4 vấn đề bạn muốn con tiếp thu mỗi lần và mỗi lời thủ thỉ phải hợp lý, thực tế. Hãy kiên nhẫn và điều kì diệu sẽ xảy ra.
Ngày nay, đã có rất nhiều trường hợp thực tế đã chứng minh sức mạnh của ý thức đối với những khả năng của cơ thể, và giới khoa học cũng đang dần đi theo hướng nghiên cứu này. Ý thức của bạn hoàn toàn có thể giúp đánh thức những tiềm năng mà bạn không nghĩ là nó tồn tại trong bạn. Nếu bạn nghĩ rằng mình không thể bê được bao gạo nặng 20 cân thì bạn sẽ không thể bê nó lên được, nhưng khi bạn nghĩ rằng cơ thể này có thể làm được điều đó thì khả năng bạn làm được sẽ cao hơn. Vậy nên khi bạn nói với con bạn trong lúc bé ngủ, đó chính là đã hình thành nên một ý thức của con bạn về điều đó, các bé sẽ vô thức trở nên tự tin hơn bởi lời động viên, định hướng của bạn.
Phương pháp này có điểm khá tương đồng với thuật thôi miên trị liệu đã được áp dụng rộng rãi trong việc điều trị những chứng bệnh không rõ nguồn gốc. Trong cuốn sách Many Mansions được viết bởi Giáo sư Gina Cerminara đã ghi lại phương pháp điều trị được Edgar Cayce (nhà thôi miên học và chữa bệnh từ xa đã được Đại học Havard điều tra và công nhận những khả năng siêu thường) tiến hành sau khi thôi miên hồi quy cho bệnh nhân.
Trong đó có một trường hợp: Một cậu bé 11 tuổi mắc bệnh đái dầm từ năm lên 2. Sau khi thôi miên và được chính cậu bé kể lại, Cayce khám phá ra rằng vào thế kỷ 17, câu bé đã từng là một Giám mục người Anh. Cậu thích dùng cực hình với các tù nhân khi xét xử họ. Tù nhân bị trói vào một chiếc bảng và từ từ nhấn xuống nước lạnh. Phát hiện này đã cho thấy tội lỗi của cậu trong tiền kiếp, và tạo nên một dấu ấn trên thận của cậu trong kiếp này để trả nghiệp mà cậu đã gây ra. Sau khi Edgar Cayce tìm được căn nguyên, khi cậu bé ngủ vào ban đêm, cha mẹ cậu đã ngồi bên giường cậu và đọc cho cậu nghe: “Con là một người lương thiện và tốt bụng. Con muốn mọi người được hạnh phúc. Con sẽ giúp đỡ bất cứ ai mà con gặp…” Kết quả là đêm đầu tiên sau 9 năm, cậu bé đã ngưng đái dầm.
Có thể thấy phương thức trị liệu của Edgar Cayce hay thủ thỉ trong lúc trẻ ngủ của Shichida đều có kết quả khả quan và được thực hiện bằng thiện niệm hay những ý nghĩ tích cực, điều này khiến chúng ta phải nhận thức lại một cách nghiêm túc về sức mạnh của ý niệm và việc áp dụng những ý nghĩ tích cực sẽ có lợi như thế nào.
Ngược lại, nếu bạn vô tình hay cố ý để lại những ấn tượng tiêu cực hay những vết sẹo khó lành trong tâm hồn trẻ thơ thì hậu quả sẽ khó lường. Khi chia sẻ về sức mạnh của ý thức, một người đã kể về ví dụ của bản thân, một lần khi còn nhỏ, anh ấy đã bị anh họ mình hét vào tai và đe dọa bằng những lời nói nặng nề, từ đó trở đi anh ấy rất sợ âm thanh lớn và gặp gỡ những người lạ. Vậy nên việc con bạn cảm thấy như thế nào về bản thân và thế giới có thể được định hình từ khi còn nhỏ, và bạn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đó.
Ý niệm tác động được đến năng lực của con người, thiện niệm có thể tác động tích cực tới hành vi của cá nhân cũng như toàn xã hội.
Thu Hiền